Ngành văn hóa: Xấu bỏ - tốt khoe, nhớn sao được!

Ngành văn hóa: Xấu bỏ - tốt khoe, nhớn sao được!

Tiêu biểu của sự... tiêu biểu!

Đến hẹn lại lên, ngay khi năm mới 2020 vừa đến, ngành văn hóa – thể thao – du lịch liền tổ chức họp báo thường kỳ quý IV/2019. Cũng nhân đây, ngành lấy ý kiến và phiếu bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm 2019 từ các nhà báo. Theo thông tin từ văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 10 sự kiện tiêu biểu đó được bình chọn từ 15 sự kiện tiêu biểu. 15 sự kiện tiêu biểu ấy lại được bình chọn từ 39 sự kiện tiêu biểu của các đơn vị trực thuộc Bộ. Việc bình chọn ra sự kiện tiêu biểu của sự... tiêu biểu này cũng được đăng tải trên website: sukienvhttdl.bvhttdl.gov.vn từ ngày 2 - 6/1 để lấy ý kiến bình chọn của nhân dân.

Cổng bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của sự... tiêu biểu cũng vừa khép lại trong ngày 6/1. Ngôi vị “quán quân” của cuộc bình chọn này thuộc về sự kiện: Luật Thư viện – động lực phát triển thư viện và văn hóa đọc, khi giành được 6.327 phiếu bầu. Nối tiếp đó là một số sự kiện như: Du lịch Việt Nam đạt kỷ lục đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019.

Đoàn thể thao Việt Nam với thành tích đặc biệt xuất sắc xếp hạng 2 toàn đoàn trên 11 quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30). Thành tích ấn tượng của môn bóng đá trên đấu trường khu vực. Điểm đến du lịch Việt Nam liên tiếp giành nhiều giải thưởng tầm thế giới và châu lục, đều đạt trên 5.000 phiếu bình chọn.

“Bết bát” nhất trong bảng bình chọn là các sự kiện: Thành tích ấn tượng của Vận động viên Nguyễn Huy Hoàng; Phát động chương trình “Toàn dân tập luyện môn Bơi và phòng chống đuối nước 2019 trên toàn quốc”, thu hút 12 triệu người tham gia; Việt Nam tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng “Năng lực cạnh tranh về du lịch” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF 2019... đều đạt hơn 3.000 phiếu bình chọn.

Nhìn vào con số bình chọn, có thể thấy, cuộc bình chọn này dường như chưa thu hút được sự quan tâm của công chúng nên mỗi sự kiện chỉ giành về cho mình vài nghìn lượt. Vì sao đây? Phải chăng là vì các sự kiện được lựa chọn để bình chọn chưa thực sự tiêu biểu, ấn tượng và nhiều khi còn nặng tính phong trào? Cùng với đó, tỷ lệ “phân phối” giữa các sự kiện cũng chưa được cân đối khi du lịch có tới 6 sự kiện được đưa vào danh sách mà văn hóa chỉ có 4 sự kiện: Luật Thư viện – động lực phát triển thư viện và văn hóa đọc; Sự trở lại của “Hồ Thiên Nga” mang dấu ấn nghệ sĩ Việt sau 35 năm; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu Cải lương.

Nhớn sao được?

Thật hoan hỉ khi ngành văn hóa nước nhà tiếp tục được khoe những sự kiện tiêu biểu khi năm mới đến để ghi nhận sự nỗ lực của ngành trong năm. Thế nhưng, cũng thật buồn lòng khi ngành này dường như vẫn “ém nhẹm” hàng loạt những sự vụ hạn chế đã từng khiến dư luận không khỏi tức giận. Điển hình như vụ việc duyệt và để lọt phim có đường lưỡi bò ra rạp – phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” khiến lãnh đạo, cán bộ Cục Điện ảnh bị kỷ luật.

Hay vụ việc phim “Ròm” được đánh giá cao ở Liên hoan Phim quốc tế Busan, đã đăng ký cấp phép mà đến giờ công chúng vẫn phải ngóng không biết đến ngày nào mới được thưởng thức? Nhất là ở lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản, danh thắng, dư luận đã từng “đứng ngồi không yên” khi danh thắng Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú bị xâm hại nghiêm trọng. Hoặc vụ việc do “làm vệ sinh” mà bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí đã bị hỏng nặng, khó khắc phục... khiến dư luận không thể hiểu nổi!

Thực ra, không riêng gì Bộ toàn hoan hỉ khoe “người tốt, việc tốt” mà chiều ngày 6/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng tổ chức lấy ý kiến nhà báo để bình chọn 10 sự kiện văn hóa - thể thao Hà Nội tiêu biểu năm 2019 từ 13 sự kiện văn hóa – thể thao nổi bật của thành phố. Ở đây cũng chỉ công bố những “sự kiện tiêu biểu” của “sự kiện nổi bật” chứ không hề nhắc đến việc bình chọn các vụ việc còn hạn chế trong năm qua.

Trong khi đó, năm 2019, các nhà khoa học, dư luận cũng đã rất bức xúc trước việc Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối ở Đức Giang, Hoài Đức. Đây là một di chỉ chứa đựng rất nhiều hiện vật văn hóa từ thời Hùng Vương trong mấy mươi năm qua, song đến giờ vẫn không được xếp hạng, thậm chí còn bị xâm hại một cách nghiêm trọng khi Hà Nội thi công đường vành đai 3,5.

Việc nhìn lại những thành công của một năm để lấy đó làm động lực tiếp tục phấn đấu, phát triển là việc cần làm ở mỗi ngành, trong đó có ngành văn hóa. Thế nhưng, sau bao năm chỉ thấy các sự kiện tiêu biểu của sự tiêu biểu thì cũng đã đến lúc ngành văn hóa cũng cần tự phê cả những sự kiện hạn chế để cùng tìm ra nguyên nhân khắc phục.

Cứ khư khư tổng kết theo kiểu: “Tốt đẹp thì khoe ra, xấu xa thì đậy lại”, thì sao nhớn được!

Trước khi năm 2019 khép lại, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm – Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cũng đã công bố các sự kiện tiêu biểu, đồng thời công bố cả sự kiện còn hạn chế của Cục. Sự kiện: Bảo vật quốc gia bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị hư hại được chọn là sự kiện hạn chế. Tuy mới chỉ công bố một sự kiện còn hạn chế nhưng có thể thấy đây là sự mạnh dạn và thẳng thắn cần ghi nhận mà không phải đơn vị nào cũng làm được như Cục này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ