Ngành văn hóa nghệ thuật - vì sao khó tuyển sinh?

GD&TĐ - Biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc là nhóm ngành nghề có nhiều đặc thù.

Tráng A Linh (ngồi đầu) cùng các bạn học thổi sáo.
Tráng A Linh (ngồi đầu) cùng các bạn học thổi sáo.

Nhu cầu về văn hóa nghệ thuật của công chúng là không thể thiếu, trong khi ngành này còn là ước mơ của không ít bạn trẻ, được thành danh dưới ánh đèn sân khấu. Thế nhưng, tuyển sinh và đào tạo nhân lực cho ngành vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Ước mơ của học sinh vùng cao

Vàng Thị Sy, dân tộc Mông ở Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên là sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc. Em cho biết rất thích ca hát và cảm nhận được mình có khả năng để theo đuổi nghề cũng như đam mê. Em được các anh chị đã từng học ở trường giới thiệu để về đây học tập.

Năm học đầu tiên, em và các bạn được học nhạc lý cơ bản, sau đó được phân ra các chuyên ngành. Về chuyên môn, em được các thầy cô giảng dạy kỹ thuật thanh nhạc, cách lấy hơi, tạo phong cách biểu diễn, biểu cảm khuôn mặt, giọng hát… để áp dụng vào biểu diễn một cách hoàn thiện nhất. Đây là những kỹ năng biểu diễn rất quan trọng, vì vậy em luôn cố gắng tiếp thu và chăm chỉ rèn luyện theo hướng dẫn của thầy, cô giáo.

Học tại trường, em được Nhà nước hỗ trợ giảm học phí và hưởng các chính sách khác như chế độ sinh hoạt, ký túc xá… 

Khi vào học em đặt mục tiêu cho mình sau này sẽ trở thành ca sĩ, tham gia đoàn nghệ thuật để có thể giới thiệu được văn hóa dân tộc đến với công chúng, mang tiếng hát phục vụ bà con dân bản.

Tại lớp học Sáo trúc, học sinh Tráng A Linh dân tộc Mông đến từ Xín Vàng, Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: Em vừa học năm cuối THCS thì được các thầy từ Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc về tận bản để giới thiệu về ngành học, khi được biết em rất thích và đã đăng ký về trường để học.

Em được bố mẹ động viên theo học, nhưng phải đi học xa nên cũng rất nhớ nhà, vì thế em và các bạn hay chuyện trò, tập luyện thổi sáo, thể dục... Các thầy cô dạy cho cách thổi sáo những bản nhạc dân tộc và động viên chúng em nỗ lực học tập.

Em ước mơ được học tiếp lên cao đẳng, được đi biểu diễn các tiết mục về sáo. Nếu về nhà, em sẽ dạy cho các em nhỏ kiến thức âm nhạc.

Thầy Nguyễn Văn Hạnh – giáo viên giảng dạy Thanh nhạc cho biết: Các em học sinh đa số đến từ vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi Tây Bắc nên có nhiều khó khăn, xa nhà, chưa quen với môi trường mới… công tác đào tạo có nhiều khó khăn, các thầy phải vất vả hơn, do các em ở thôn bản, nên rất ít được tiếp cận với các môn học nghệ thuật. 

Bên cạnh việc giúp các em làm quen với môi trường đào tạo, nhà trường rèn luyện cho các em đúng với năng khiếu và phù hợp với văn hóa của địa phương mà sau này dự kiến các em sẽ về công tác.

Vàng Thị Sy trong giờ luyện âm.
Vàng Thị Sy trong giờ luyện âm.

Tuyển sinh lưu động và đào tạo theo địa chỉ

Đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng, công tác tuyển sinh rất khó khăn do đặc thù về kinh tế - xã hội của vùng. Sự chênh lệch cung cầu về nhân lực trong lĩnh vực này, đặc biệt tại các vùng miền núi, đồng bào dân tộc cũng là một nguyên nhân đáng kể, khi học xong, về địa phương các em khó tìm kiếm việc làm, nên nhiều phụ huynh không muốn cho con đi học ngành văn hóa nghệ thuật.

TS Bùi Văn Hộ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc cho biết: Năm nay, nhà trường đặt mục tiêu trọng điểm là đào tạo nhạc cụ truyền thống và hội họa.

Về công tác tuyển sinh, nhà trường đã thành lập Ban tuyển sinh lưu động, đi đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi các tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu… phát tờ rơi, làm công tác tuyên truyền cho các em học sinh và phụ huynh để họ hiểu rõ về nhà trường, hiểu được sau khi học biểu diễn nghệ thuật, các em có thể đạt được những thành tựu gì, làm việc được ở đâu… có những minh chứng về con người, nghề nghiệp đã thành công từ con đường nghệ thuật cụ thể, để các phụ huynh tin tưởng và động viên các em hướng nghiệp theo con đường nghệ thuật.

Bên cạnh tăng cường chất lượng chuyên môn, nhà trường đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Thiết lập mối quan hệ với các tổ chức văn hóa nghệ thuật, đoàn, hội, doanh nghiệp để bố trí việc làm cho học sinh, liên kết đào tạo và đào tạo theo địa chỉ nguồn nhân lực có trình độ văn hóa nghệ thuật.

Nhà trường áp dụng tối đa chính sách về học phí, học bổng, chế độ ăn, ở miễn phí dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình hộ nghèo, cận nghèo theo học các môn văn hóa nghệ thuật, tạo động lực để các em yên tâm học tập tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ