Ngành trọng điểm “hút” người tài

Trong chiến lược công nghiệp hóa và xu hướng hội nhập, Công nghệ kỹ thuật ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn được chính phủ ưu tiên phát triển. 

Ngành trọng điểm “hút” người tài
Hơn nữa, việc đào tạo đội ngũ kỹ sư ô tô tại Việt Nam đang trở nên cấp bách trước thực tế ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô và lượng tiêu thụ ô tô trên thị trường tăng nhanh đáng kể.

Tương lai “đắt giá” của ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô

Ngày nay, cùng với sự phát triển của đời sống và sản xuất công nghiệp là sự gia tăng liên tục các phương tiện phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa khổng lồ và nhu cầu đi lại không giới hạn của con người. Trong đó, vận tải ô tô luôn đóng vai trò chủ đạo trong vận tải quốc nội.

 Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 6 tháng đầu năm 2014, thị trường ô tô trong nước đã tiêu thụ 65.389 xe, tăng 31% so với cùng kỳ; sản lượng xe lắp ráp trong nước tăng 24% và xe nhập khẩu tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Con số này được dự báo là sẽ gia tăng liên tục trong các năm tiếp theo.

Trước bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường ô tô Việt Nam cùng những lợi thế đầy tiềm năng đến từ ngành công nghiệp trọng điểm này, Công nghệ kỹ thuật ô tô đã trở thành một ngành nghề hấp dẫn của thời đại công nghệ cao.

 Từ việc bảo trì, bảo dưỡng động cơ, các hệ thống tự động cho đến nghiên cứu công nghệ và dòng sản phẩm mới theo xu hướng thị trường ô tô thế giới đều đòi hỏi vai trò quan trọng của các chuyên gia am tường về ô tô.

Liên tục trong nhiều năm qua, Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa Công nghệ kỹ thuật ô tô vào danh mục các ngành “nóng” về nhu cầu lao động. Bằng chứng là các tập đoàn ô tô hàng đầu của Đức, Nhật, Mỹ như BMW, Toyota, Honda, Ford,... tại Việt Nam đều đặn tổ chức tuyển dụng hằng năm nhưng “nguồn” vẫn không đủ.

Yêu thích công nghệ và đam mê ô tô – những tố chất để thành công

Công nghệ kỹ thuật ô tô là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực: cơ khí, tự động hóa, điện - điện tử và công nghệ chế tạo máy, chuyên về khai thác, sử dụng và quản lý dịch vụ kỹ thuật ô tô như điều hành sản xuất phụ tùng, lắp ráp, cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng. 

Học ngành này, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về cơ khí ô tô - máy động lực, hệ thống truyền động - truyền lực, động cơ ô tô, hệ thống điện ô tô, hệ thống điều khiển, khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản, kỹ năng thực hành cao liên quan đến ô tô.

Chính vì vậy, để học tốt ngành này, trước tiên đòi hỏi bạn cần phải yêu công nghệ, thích sáng tạo và đặc biệt đam mê lĩnh vực ô tô. Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật ô tô sẽ làm việc tại các xưởng lắp ráp, sửa chữa ô tô trong điều kiện khá nặng nhọc nên bên cạnh đòi hỏi về sức khỏe, lòng đam mê sẽ giúp bạn vượt qua áp lực công việc, gắn bó và thành công với nghề. 

Công nghệ nói chung và Công nghệ ô tô nói riêng luôn biến đổi không ngừng nên để làm tốt công việc trong lĩnh vực này, sự ham học hỏi, thích khám phá là một yếu tố không thể thiếu được. Yếu tố này có thể được bắt đầu và vun đắp từ những thói quen mỗi ngày như sự mày mò, cập nhật kiến thức, ứng dụng công nghệ mới về lĩnh vực ô tô qua internet, sách, báo, tạp chí chuyên ngành,...

Bên cạnh đó, tư duy logic, tính cẩn thận, tỉ mỉ và sự kiên trì, nhẫn nại là những tố chất cần thiết để mang lại thành công cho những bạn trẻ đang nuôi dưỡng ước mơ trở thành một kỹ sư giỏi tham gia vào ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô ở Việt Nam.

Theo Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ