Ngành Quản trị kinh doanh có thứ hạng cao nhất về số thí sinh đăng ký xét tuyển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhu cầu về đào tạo ngành Quản trị kinh doanh rất lớn. Từ năm 2019 – 2021, ngành này chiếm thứ hạng cao nhất về thí sinh đăng ký xét tuyển.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Nhu cầu đào tạo rất lớn

Hội thảo còn có ý nghĩa đặc biệt nằm trong chuỗi các sự kiện quan trọng chào mừng Kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa QTKD, Trường ĐH Công đoàn và Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10. Ban Tổ chức Hội thảo đã chọn lọc được 52 bài viết có chất lượng để đăng trên Kỷ yếu Hội thảo. Đây là tài liệu quý báu cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý giáo dục đại học.

Để làm rõ hơn nhiệm vụ đào tạo ngành QTKD trong bối cảnh chuyển đổi số, Sáng 8/10, Trường ĐH Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Đào tạo ngành QTKD trong bối cảnh chuyển đổi số và thích ứng biến đổi”. Đây là diễn đàn trao đổi học thuật và kinh nghiệm đào tạo giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, cán bộ, giảng viên, cơ sở giáo dục đại học về các vấn đề đào tạo ngành QTKD.

Phát biểu khai mạc, TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn - nhấn mạnh, QTKD là hoạt động quan trọng đối với doanh nghiệp. Điều đó có vai trò xuyên suốt trong cả quá trình kinh doanh và quyết định trực tiếp đến sự thành công của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực QTKD có năng lực làm chủ công nghệ, khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ là yêu cầu cấp thiết cả trước mắt và lâu dài.

TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu khai mạc hội thảo.

TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu khai mạc hội thảo.

“Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng, qua Hội thảo này, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm cơ sở lý luận, thực trạng và đề xuất giải pháp đào tạo ngành QTKD chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số và thích ứng biến đổi” – TS Lê Mạnh Hùng bày tỏ.

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Hà Sơn Tùng - Trưởng khoa QTKD – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – viện dẫn: Thống kê của Bộ GD&ĐT từ năm 2019 – 2021, QTKD là ngành chiếm thứ hạng cao nhất về số lượng hồ sơ đăng ký của thí sinh (trên 10% mỗi năm). Điều này có nghĩa, nhu cầu về đào tạo QTKD là rất lớn.

Nhấn mạnh, đào tạo QTKD đã và đang là một trong những ngành thu hút được sự quan tâm của xã hội, PGS.TS Hà Sơn Tùng – nhìn nhận, thực tiễn doanh nghiệp cũng cho thấy, nhu cầu lớn với ngành đào tạo này.

Tuy nhiên, trước sự thay đổi về nhu cầu thực tiễn doanh nghiệp, sự tác động của nhiều yếu tố khách quan, đào tạo QTKD cũng cần có những thay đổi về mục tiêu chương trình, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, trải nghiệm học tập và đánh giá kết quả.

PGS.TS Hà Sơn Tùng - Trưởng khoa QTKD – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tham luận tại hội thảo.

PGS.TS Hà Sơn Tùng - Trưởng khoa QTKD – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tham luận tại hội thảo.

Cần đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo

"Như một cuốn phim, mỗi một màn chiếu phải là sự mở ra để rồi đòi hỏi sự mở tiếp trang nữa, trang nữa… Các cuốn sau, cuốn sau nữa, chứa đựng nhiều hơn các thử thách so với cuốn chúng ta vừa xem, vừa chiêm ngưỡng. Nói cách khác, đó là yêu cầu của sự hấp dẫn, buộc chúng ta, lôi kéo chúng ta phải khám phá. Nghệ thuật giáo dục chính là thế” - PGS.TS Vũ Quang Thọ trao đổi.

PGS.TS Hà Sơn Tùng gợi ý 5 nhóm giải pháp: Thứ nhất, tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Thứ hai, trên cơ sở phân tích nhu cầu xã hội, cơ sở giáo dục cần đổi mới tư duy về việc thiết kế chương trình, lấy sinh viên làm trung tâm. Theo đó các môn học cần được thiết kế nhằm đào tạo ra các sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội, giảm thiểu việc đào tạo lại. Khi định hướng đào tạo QTKD được đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các học phần trong chương trình đào tạo sẽ phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số.

Thứ ba, thay đổi nhận thức, năng lực của người quản lý, của giảng viên trong việc xác định rõ chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra học phần. Các giảng viên cũng cần hiểu về vị trí, đóng góp của học phần mình phụ trách trong mối quan hệ với chương trình đào tạo.

Thứ tư, thúc đẩy, khuyến khích việc ứng dụng phần mềm trong nội dung đào tạo, ứng dụng phần mềm trong quản lý đào tạo.

Thứ năm, cơ sở giáo dục cần có chiến lược, kế hoạch định kỳ trong việc tổ chức đào tạo, cập nhật phần mềm cho giảng viên. “Không chỉ là những phần mềm quản lý đào tạo mà cả những phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin với học phần mình phụ trách. Điều này giúp giảng viên hiểu được các công cụ mới, nắm bắt được xu hướng và sự thay đổi trong ứng dụng công nghệ mà thực tiễn doanh nghiệp đòi hỏi” - PGS.TS Hà Sơn Tùng trao đổi.

PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn: Cần gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với thực tiễn tại doanh nghiệp.

PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn: Cần gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với thực tiễn tại doanh nghiệp.

PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn đề cập hai nội dung quan trọng là: Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo ngành QTKD như những học phần cần thiết trong chương trình đào tạo. Cùng với đó là đổi mới phương pháp khoa học của giảng viên, đội ngũ giảng viên, tài liệu tham khảo.

Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn cũng đưa ra các giải pháp đổi mới về sự gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với thực tiễn tại doanh nghiệp, ấn định lại quy trình thực hành ngành QTKD và kiểm nghiệm tính hiện thực của ngành đào tạo trong thực tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, đào tạo là một quá trình cả với người đào tạo và với người được đào tạo. Trong quá trình đó, yêu cầu thường xuyên đổi mới, đổi mới liên tục về nội dung chương trình, bài giảng của từng giảng viên, phương pháp giảng dạy, những ví dụ, cách nhập môn…

“Đây là một yêu cầu tất yếu với lý do người đi đào tạo và người được đào tạo, đều là các trí thức, đều hiểu biết, đều có nhu cầu về cái mới, về sự đổi mới. Do đó, đổi mới liên tục, tìm cái mới là bản chất của sáng tạo. Tính chất của giáo dục là đi đến sáng tạo cái mới hơn. Đó cũng là sự phát triển” - PGS.TS Vũ Quang Thọ nhấn mạnh.

TS Lê Mạnh Hùng mong muốn, trong phạm vi của Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận một số nội dung như: Những vấn đề chung về đào tạo và đào tạo ngành QTKD trong bối cảnh chuyển đổi số và thích ứng biến đổi. Thực trạng, giải pháp đào tạo ngành QTKD trong bối cảnh chuyển đổi số và thích ứng biến đổi. Kinh nghiệm về đào tạo ngành QTKD trong bối cảnh chuyển đổi số và thích ứng biến đổi. Những vấn đề khác liên quan đến chuyển đổi số và đào tạo ngành QTKD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.