Với chính sách phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mức độ tăng trưởng của các khách sạn, nhà hàng hiện nay, có thể thấy được nhu cầu về nhân lực ngành này đã và đang ngày một “nóng” hơn.
Tiềm năng phát triển mạnh mẽ
Tốc độ tăng trưởng cho thấy, nhu cầu về nhân lực trong ngành dịch vụ khách sạn đang được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Theo báo cáo của ngành dịch vụ khách sạn gần đây, chi phí và lợi nhuận trên doanh thu của ngành nhà hàng - khách sạn đạt 30,4%.
Mức lương bình quân và chi phí cho mỗi nhân viên, trung bình các khách sạn cao cấp chi trả tới gần 340 USD/tháng. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của nhóm ngành dịch vụ du lịch và khách sạn tại Việt Nam trong những năm tới. Trong đó, quản trị khách sạn đang được giới trẻ quan tâm bởi tính năng động và môi trường làm việc đẳng cấp.
Trong kỳ xét tuyển đại học năm nay, chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia theo tổ hợp các môn/bài thi tương ứng: A00, C00, D01...
Theo khảo sát, tại Trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM, hai chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch lữ hành và quản trị khách sạn có điểm xét tuyển đầu vào lần lượt là 18 và 21 điểm. So với năm 2016, điểm đầu vào của các ngành quản trị khách sạn và kinh doanh quốc tế đã tăng thêm 5 điểm.
Đại học Hà Nội, chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch lữ hành được giảng dạy bằng tiếng Anh, năm nay trong đợt 1 xét tuyển các thí sinh có điểm đầu vào trên 33 điểm, bao gồm 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ, trong đó điểm Ngoại ngữ được tính hệ số nhân 2.
Tại Hà Nội, các trường ĐH đào tạo ngành quản lý khách sạn bao gồm: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Viện Đại học Mở Hà Nội; Trường Đại học Thương mại; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân...
Nhiều thí sinh đăng ký
Ở hệ cao đẳng, theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) năm nay, chuyên ngành quản trị khách sạn, quản trị kinh doanh du lịch, nằm trong số 10 ngành nghề có số lượng tuyển sinh cao nhất. Các trường sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, hoặc sử dụng kết quả học tập bậc THPT để xét tuyển theo các khối A00, A01, C00, D01.
Hệ cao đẳng có thời gian đào tạo khoảng 2,5 năm, quá trình đào tạo sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng như: Nghiệp vụ buồng, lễ tân, tiền sảnh, quản trị chất lượng du lịch, phân tích du lịch, phương pháp xây dựng khẩu phần, thực đơn, dinh dưỡng học… Đồng thời, sinh viên được tiếp cận công việc thực tế tại các doanh nghiệp du lịch.
Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo cũng cam kết việc làm sau tốt nghiệp đối với các sinh viên có quá trình học tập tốt. Các trường cao đẳng đào tạo chuyên ngành quản trị khách sạn, quản trị kinh doanh du lịch tại Hà Nội hiện nay gồm: Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội; Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại; Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội.
Ngoài ra, các học sinh có nguyện vọng theo học quản trị khách sạn cũng đều có thể tìm hiểu thông tin ngành nghề tại các trường cao đẳng nghề tại địa phương.
Mặc dù thiếu hụt nhân lực là thực trạng chung tại nhiều nhà hàng khách sạn hiện nay, tuy nhiên đối với những khách sạn 4 - 5 sao, việc tuyển dụng nhân sự vẫn rất khắt khe và cẩn trọng.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khá lớn nhưng không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Để có thể tiếp cập công việc hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, các sinh viên cần phải khắc phục những yếu điểm cố hữu về kỹ năng mềm và củng cố trình độ ngoại ngữ để đáp ứng tốt các yêu cầu phục vụ khách hàng và tăng khả năng thăng tiến lên cấp quản lý.