Sáng 18/12, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã tổ chức Họp báo Thông tin về kết quả và các giải pháp thu ngân sách, thu hồi nợ thuế phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế 11 tháng đầu năm đạt 105,16 tỷ USD, tăng 7,97% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu có thuế đạt 99,36 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng chú ý, số thuế thu tăng chủ yếu từ một số nhóm hàng nhập khẩu chính như dầu thô, ô tô nguyên chiếc. Số thu từ nhập khẩu dầu thô, ô tô nguyên chiếc trong 11 tháng đầu năm đạt 46.080 tỷ đồng, tăng 21.614 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Số thu từ hàng hóa khác tăng 14.720 tỷ đồng (tương đương tăng 5,8%) so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu đạt 135.230 chiếc, trị giá đạt 2,91 tỷ USD, tăng 100,4% về lượng và tăng 97,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Số thuế phải thu từ mặt hàng này đạt 38.202 tỷ đồng, tăng 19.323 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Lượng dầu thô nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm đạt 7,07 triệu tấn, trị giá đạt 3,33 tỷ USD, tăng 58% về lượng và tăng 38% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Số thuế phải thu từ mặt hàng này đạt 7.877 tỷ đồng, tăng 2.290 tỷ đồng.
Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu Lê Mạnh Hùng đánh giá: Những năm vừa qua Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn với các nước trên thế giới và khu vực. Các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với hầu hết các đối tác lớn đã tạo sự cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, mở rộng đầu tư và thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc ký kết và đưa vào thực hiện các hiệp định thương mại tự do thương mại (FTA) đã tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Mặt khác, Tổng cục Hải quan cũng đã nỗ lực, chủ động hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019. Tích cực thực hiện các giải pháp chống thất thu bằng cách tăng cường ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Liên tục thanh, kiểm tra các doanh nghiệp theo đúng quy định…
Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu Lưu Mạnh Tưởng cho biết, ngành Hải quan cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh cũng như nộp thuế.
Tổng cục Hải quan đã thực hiện ký kết thoả thuận hợp tác với 42 ngân hàng thương mại, trong đó có 30 ngân hàng thương mại đã triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Đến cuối năm 2019, Tổng cục Hải quan cũng đã kết hợp với 5 ngân hàng thực hiện chương trình doanh nghiệp nhờ thu. Qua đó, tỷ lệ doanh nghiệp xuất nhập khẩu nộp thuế điện tử qua ngân hàng đạt khoảng 96% tổng thu của ngành Hải quan.
Ông Lưu Mạnh Tưởng cũng cho biết, nợ thuế từ những năm trước rất khó thu hồi, nhất là những doanh nghiệp đã chuyển địa điểm. Hằng năm, số thu hồi và xử lý nợ thuế không lớn nhưng đang làm giảm dần số nợ thuế, những nợ thuế không thể thu hồi được thì cũng đủ điều kiện để xóa nợ theo quy định, nghị quyết. Tuy nhiên, kết quả thu hồi và xử lý nợ thuế đến 30.11 đạt 992 tỷ đồng.