Ngành giáo dục phải đi tiên phong trong phát triển bền vững và bảo vệ môi trường

GD&TĐ - Sáng nay, Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Tháng hành động vì Môi trường năm 2024.

Tham dự lễ phát động có Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, cùng đại diện lãnh đạo Vụ KHCN & MT, lãnh đạo các ban ngành tại TPHCM, tập thể sư phạm Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cùng hàng trăm sinh viên của nhà trường.

Chính phủ rất quyết liệt với mục tiêu Net zero

Phát biểu tại lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Tháng hành động vì Môi trường năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay, Việt Nam ta được đánh giá là quốc gia đang phải đối mặt với các vấn đề về hạn hán, xâm nhập mặn, thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường đất.

Dẫn số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Phúc cho biết: Việt Nam có gần 11.838 nghìn ha, chiếm 35,74% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa. Đặc biệt là tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và diễn ra với tốc độ nhanh chóng và phổ biến.

Tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2964/BTNMT-TITT ngày 9/5/2024, gửi các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024.

Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc. Ảnh: Quốc Hải

Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc. Ảnh: Quốc Hải

“Tôi rất vui mừng tham dự Lễ phát động Ngày môi trường thế giới tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, sau khi Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Tháng hành động vì môi trường của ngành giáo dục năm 2024 được tổ chức ngày 7/6/2024 vừa qua tại Trường Đại học Nha Trang. Chương trình này đã được tổ chức hết sức trang trọng với phần lễ phát động và cùng với các hoạt động, với các hành động hết sức thiết thực và có tính thực tế cao, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong nhà trường và xã hội, phù hợp với môi trường sư phạm Chất lượng - Sáng tạo - Nhân văn”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, nhận định.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Chính phủ Việt Nam đang rất quyết liệt với mục tiêu Net zero.

"Chúng ta không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng hay phát triển kinh tế. Chúng ta song song phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế hệ tương lai. Và ngành giáo dục chúng ta phải đi tiên phong trong phát triển bền vững và bảo vệ môi trường", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Phong trào thu gom pin cũ với thông điệp “Thu hồi pin cũ – bảo vệ Trái đất xanh" của Trường Đại học Sư phạm TPHCM và COCOON trong năm 2024 đã thu hồi được tới 10.532kg Pin cũ.

Phong trào thu gom pin cũ với thông điệp “Thu hồi pin cũ – bảo vệ Trái đất xanh" của Trường Đại học Sư phạm TPHCM và COCOON trong năm 2024 đã thu hồi được tới 10.532kg Pin cũ.

Lắng nghe ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho hay, được Bộ GD&ĐT tin tưởng giao, phối hợp thực hiện nhiệm vụ tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng ngày môi trường thế giới, tháng hành động vì môi trường năm 2024 của ngành giáo dục và chuỗi hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về “Hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ứng phó với biến đổi khí hậu”, nhà trường đã triển khai được hàng loạt các giải pháp, chương trình hành động và cơ bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Phong trào thu gom pin cũ với thông điệp “Thu hồi pin cũ – bảo vệ Trái đất xanh" của Trường Đại học Sư phạm TPHCM và COCOON trong năm 2024 đã thu hồi được tới 10.532kg Pin cũ.

Cụ thể, Nhà trường đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể và cơ bản như sau: Hoạt động 1 (Tổ chức phong trào thu gom pin cũ với thông điệp “Thu hồi pin cũ – bảo vệ Trái đất xanh”); Hoạt động 2 (Tổ chức lễ phát động phong trào học sinh, sinh viên bảo vệ môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, với các hoạt động: đạp xe vì môi trường, xóa điểm đen môi trường, đổi sách lấy cây xanh); Hoạt động 3 (Tổ chức Tọa đàm “Giáo dục nâng cao ý thức giảm thiểu rác thải nhựa và ứng phó với biến đổi khí hậu); Hoạt động 4 (Tổ chức Hội thi “Thiết kế sản phẩm STEM, STEAM trong dạy học và giáo dục bảo vệ môi trường từ các vật liệu tái chế”) và Hoạt động 5 (Tổ chức tổng kết chuỗi các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về “Hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ứng phó với biến đổi khí hậu”).

4 kiến nghị của Thứ trưởng để ngành giáo dục tiên phong trong bảo vệ môi trường

Cũng tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng đề xuất 4 giải pháp để ngành giáo dục góp phần tuyên truyền, vận động cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường, chống hạn hán và sa mạc hóa... hướng tới phát triển bền vững, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.

Một là, tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm với môi trường; nâng cao nhận thức về việc sống thân thiện với môi trường, khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên của Trái Đất và bảo tồn đa dạng sinh học.

Hai là, tích cực tham gia các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, từ những hành động nhỏ nhất như tiết kiệm năng lượng, nước, quản lý rác thải, cải thiện môi trường không khí và giữ gìn vệ sinh môi trường từ đó, lan tỏa tới cả cộng đồng lối sống xanh — thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Ba là, tích cực trong công tác phục hồi các hệ sinh thái rừng, trồng rừng và thêm nhiều cây xanh nhằm đạt mục tiêu Quốc gia nét zero CO2 (phát thải ròng bằng “0”) vào năm 2050.

Bốn là, phát hiện, biểu dương, khen thưởng và động viên kịp thời cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Từ những thành tựu đạt được trong công tác bảo vệ môi trường của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và người học của nhà trường, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa nhằm chung tay vì ‘Một môi trường sư phạm xanh - Thành phố xanh và vì Trái Đất xanh”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ