>>Năm học của những thành tựu mới
>>Khởi đầu vững chắc trên con đường đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng các Thứ trưởng, lãnh đạo Công đoàn GDVN chủ trì hội nghị. Ảnh: gdtd.vn |
Chúng ta đã hoàn thành cơ bản mục tiêu năm học
Bổ sung thêm cho báo cáo tổng kết năm học 2009-2010 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, GDTX và GDCN do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trình bày tại Hội nghị đã được các đại biểu tham dự đồng tình cao cả về chủ đề, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp triển khai, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh thêm những thành tích đáng chú ý mà ngành giáo dục đạt được trong năm học vừa qua mà đầu tiên là về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Năm học vừa qua, theo Bộ trưởng là năm học chúng ta “bội thu” về vấn đề soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, chưa bao giờ chúng ta có được những kết quả, những thành tích như vậy. Bằng những cố gắng chung của toàn ngành và các cơ quan của Chính phủ, của nhân dân góp ý, trong năm vừa rồi, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục, thông qua 2 Nghị quyết: về cơ chế tài chính và giám sát giáo dục đại học.
Nghị quyết về cơ chế tài chính có tác động trực tiếp đến khối phổ thông, còn nghị quyết về giám sát giáo dục đại học dù không tác động trực tiếp nhưng ảnh hưởng rất quan trọng đến những định hướng, những chủ trương, giải pháp chúng ta triển khai trong toàn ngành, trong đó có khối mầm non và phổ thông. Chính những quyết định lịch sử của Quốc hội có ý nghĩa trực tiếp tới ngành GD trong việc triển khai năm học tới này và còn tác động sâu sắc nhiều năm tới nữa theo hướng rất thuận lợi.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn |
Thành tích tiếp theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh là về chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Bộ trưởng khẳng định, chưa bao giờ chúng ta làm tốt, làm nhanh như năm học này. Đó là cố gắng chung của toàn ngành, đặc biệt là các địa phương.
Cùng với đó là về tổ chức quản lý, việc thực hiện chủ đề năm học là đổi mới quản lý đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong nhận thức cũng như thay đổi trong tổ chức, chỉ đạo, quản lý. Một số văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này cũng đã được hoàn thành và sẽ được ban hành trong thời gian tới. Bộ trưởng bày tỏ sự tin tưởng, những thành công này tạo tiền đề cho chúng ta có điều kiện rất quan trọng để triển khai hoạt động đổi mới cũng như triển khai nhiệm vụ năm học tới.
Giáo dục vùng khó, giáo dục vùng dân tộc đã có những chuyển biến rất rõ rệt cả trên quy mô số lượng, chất lượng, cả về đội ngũ học sinh, thầy cô giáo, đặc biệt là về cơ sở vật chất.
Nhắc đến kết quả thi tuyển sinh, Bộ trưởng cho rằng, cũng có băn khoăn của công luận, nhưng qua báo cáo, phát biểu của các đại biểu và cả từ góc độ chủ quan của chúng ta trong ngành, từ đánh giá của các đồng chí lãnh đạo thay mặt cho tỉnh ủy, UBND các tỉnh, với tất cả tinh thần cảnh giác cao độ với sự quay lại của bệnh thành tích mà chúng ta phải chống trong mấy năm vừa rồi, chúng ta có thể tự tin nói rằng, chất lượng của GD phổ thông đã có sự chuyển biến.
Chúng ta cũng sẽ tiếp tục lưu ý những vấn đề dư luận nhắc nhở để tiếp tục đề phòng, tiếp tục cảnh giác với "căn bệnh" cũ có thể tái phát nhưng cũng phải rất tự tin khẳng định đã có chuyển biến chất lượng thực sự, nhất là ở những vùng trũng và đối tượng là các học sinh yếu kém.
Bộ trưởng cho rằng, những kết quả, thành tích của năm học vừa rồi là rất to lớn. Có được những thành công đó, trước hết là do có sự quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo và sự đầu tư lớn của Đảng, nhà nước và của nhân dân cho ngành. Chúng ta có thể báo cáo với Đảng, với nhân dân là đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu năm học, hoàn thành về cơ bản những chỉ tiêu mà các giám đốc sở, lãnh đạo Bộ đã ký vào dịp này năm trước và hoàn thành cơ bản nhiệm vụ mà Chính phủ giao. Thành công này cũng gắn với sự cố gắng không mệt mỏi của cả hệ thống các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý ở cơ sở cũng như ở cấp trung ương.
Bên cạnh những thành tích, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh thêm một số hạn chế: Thứ nhất, về tổng thể chất lượng giáo dục của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH, chưa đáp ứng kỳ vọng đòi hỏi của Đảng, của nhân dân và cũng là những đỏi hỏi của chúng ta. Thứ 2, trong một số hạn chế, khuyết điểm, cũng như nguyên nhân chúng ta cũng chỉ ra rồi nhưng việc khắc phục và sự tiến bộ trong quá trình khắc phục những hạn chế, nhược điểm đó còn chậm. Thứ 3, một số hiện tượng tiêu cực vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo và học sinh tuy là cá biệt nhưng nghiêm trọng và đặc biệt, không cho phép tồn tại trong môi trường sư phạm.
Trong những tồn tại hạn chế đó, Bộ trưởng cho rằng, có nguyên nhân khách quan nhưng phần nhiều là chủ quan, chúng ta nên nhìn nhận phần chủ quan về chúng ta để có biện pháp khắc phục.
Ký giao ước thi đua giữa Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT. Ảnh: gdtd.vn |
Những vấn đề quan trọng cần được tiến hành trong thời gian tới cũng được Bộ trưởng lưu ý như vấn đề phụ cấp cho giáo viên được điều động về làm cán bộ quản lý giáo dục; vấn đề các sở, các tỉnh làm nhiệm vụ tham gia quản lý nhà nước đối với các trường ĐH, CĐ trên địa bàn; công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo và quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn; vấn đề hoàn thiện chiến lược giáo dục; Đề án phổ cập mầm non 5 tuổi kèm theo đó là chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án lớn của các bậc học trong 5 năm tới…
Về vấn đề “nói không”, “chống” học sinh đánh nhau, ma túy, văn hóa phẩm độc hại, chống trò chơi điện tử bạo lực, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đã bàn và sẽ cần phải bàn tiếp. Việc “chống” phải kết hợp với việc “xây” thể hiện trong việc thực hiện phong trào Xây dựng “THTT-HSTC”, “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Vấn đề trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú cũng được Bộ trưởng đặc biệt chú ý ở tất cả các mặt như cả vấn đề chống bỏ học, phấn đấu giữ quy mô, tăng quy mô học sinh dân tộc, cả vấn đề nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả, vấn đề thầy, trò, vấn đề cho học sinh hòa nhập với các học sinh dân tộc khác, với học sinh dân tộc Kinh, đồng thời chú ý đến việc giữ bản sắc.
Liên quan đến vấn đề tiếp tục đổi mới quản lý, Bộ trưởng cho rằng, việc đổi mới quản lý sẽ phải làm trên cả hệ thống, cả hệ thống phải chuyển động, nhưng phải chuyển động từ bên trên. Và, tất cả các đổi mới phải hướng về cơ sở nhằm để cho cơ sở có điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời chú ý lắng nghe ý kiến từ cơ sở để nhân điển hình cơ sở thành kinh nghiệm chung. Trong đổi mới quản lý cũng đồng thời phải tăng cường tự kiểm tra, thanh tra, kết hợp với việc tăng cường mạnh thanh tra, kiểm tra giám sát các hoạt động của các cơ quan bên trên và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các Sở GD&ĐT. Ảnh: gdtd.vn |
Cần quan tâm nhiều hơn nữa đến GD phổ thông, nâng tỷ lệ học sinh khá giỏi
Phát biểu tại Hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến giáo dục phổ thông”.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình với những lời tâm huyết với GD nước nhà. Ảnh: gdtd.vn |
Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, giáo dục phổ thông là nền tảng của nền giáo dục quốc dân, đòi hỏi sự chỉ đạo, quản lý toàn diện của Bộ GD&ĐT. Theo Phó Chủ tịch nước, những năm qua, chúng ta đã có quan tâm đến giáo dục phổ thông, nhưng chưa thực sự đúng mức và cần phải quan tâm đến giáo dục phổ thông – nền tảng giáo dục của chúng ta hơn nữa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thay mặt Thủ tướng và Chính phủ đã chúc mừng những thành tích ngành giáo dục đạt được trong thời gian vừa qua, tán thành với chủ đề năm học “tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” của năm học mới, đồng thời đưa ra những ý kiến chỉ đạo, những vấn đề ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.
Đó là: Năm học vừa qua, chúng ta đã đạt được những chuyển biến nền tảng của ngành giáo dục phù hợp với quy luật, do đó, năm nay cần tiếp tục làm sâu hơn nữa.
Tiếp đó, trên nền cơ bản chúng ta đã đạt được, từng bước đi vào những mũi nhọn mới. Ví dụ, trên cơ sở thực hiện phổ cập tiểu học và THCS cần hướng tới mục tiêu phổ cập học nghề và THPT cho học sinh đến tuổi 18, làm sao hết tuổi 18, trên 90% học sinh hoặc học được 1 nghề hoặc tốt nghiệp THPT, đây là vấn đề đặt ra cho giai đoạn 10 năm tới. Hoặc, trong vấn đề giáo dục đạo đức nên chú ý đến cấu phần giáo dục gia đình, đưa nội dung về giáo dục giá trị gia đình ngay ở bậc học phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh giáo dục đạo đức cũng phải giáo dục cả kỹ năng sống. Điều này đã làm, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng cần phải làm sâu hơn nữa.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho các đơn vị. Ảnh: gdtd.vn |
Nội dung tiếp theo được Phó Thủ tướng nhấn mạnh chính là chất lượng giáo dục, chúng ta đã đầu tư phần nền, đã đến lúc cần nâng tỷ lệ học sinh khá giỏi. Đưa ra con số, cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh khá giỏi là 78%; đến THCS, tỷ lệ này giỏi là 15%, khá là 33%; THPT, tỷ lệ học sinh giỏi chỉ còn 5% và khá là 32%; cho đến thi tốt nghiệp thì tỷ lệ khá giỏi chỉ còn khoảng 11%. Như vậy, càng lên cao, tỷ lệ học sinh khá giỏi càng giảm. Đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ và trả lời.
Các vấn đề khác cũng được Phó Thủ tướng lưu ý là vấn đề phát triển trường chuyên; đẩy mạnh áp dụng tin học trong quản lý nhà trường và giảng dạy; vấn đề dạy học ngoại ngữ và xây dựng chương trình phổ thông mới sau năm 2015.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tặng hoa, quà chia tay các Giám đốc Sở GD&ĐT về hưu. Ảnh: gdtd.vn |
Cũng nhấn mạnh đến việc làm thế nào để tiếp tục tạo động lực cho tiến trình phát triển giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng, cần chú ý đến vấn đề bồi dưỡng hiệu trưởng, hiệu phó; chuẩn hóa giáo viên từ chuẩn hóa về bằng cấp sang chuẩn hóa kỹ năng nghề nghiệp; các biện pháp công nhận giáo viên dạy giỏi và tôn vinh nhà giáo (vấn đề này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT suy nghĩ và khảo sát xây dựng cơ chế chính thức nâng lương trước thời hạn cho giáo viên dạy giỏi, đạo đức tốt); tiếp tục phát hiện sáng kiến cơ sở về mô hình phụ huynh tham gia công tác quản lý nhà trường; tiếp tục triển khai cơ chế tài chính mà Quốc hội đã thông qua; vấn đề khách quan, công bằng chính xác trong đánh giá, Bộ phải đánh giá chính xác sở, sở phải đánh giá chính xác trường…
Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT cùng đại diện các Sở GD&ĐT đã ký cam kết thi đua. Hội nghị cũng đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 tập thể; trao tặng cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho 28 tập thể; trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 26 tập thể và 59 cá nhân.
Hiếu Nguyễn