Năm học 2016- 2017, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và phát triển mạnh. Mạng lưới trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
GD&ĐT Thủ đô cũng đã thực hiện tốt 09 nhiệm vụ và 05 giải pháp cơ bản của ngành GD&ĐT như: Rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở GD&ĐT trên địa bàn; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; Phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngũ, đặc biệt là Tiếng Anh ở các cấp học; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục; Hiệu quả trong trao quyền tự chủ và xã hội giáo dục; Tăng cường hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục; Phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…
Ông Chử Xuân Dũng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Được sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố, Ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện.
Các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời. Với tinh thần chủ động tích cực, ngành đã tham mưu UBND TP để có nhiều giải pháp ổn định. Công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học.
Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao… Đội ngũ cán bộ giáo viên được tăng cường đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý kiểm tra đánh giá tiếp tục được đổi mới; nề nếp và kỷ cương được duy trì. Xã hội hóa giáo dục đạt nhiều kết quả tích cực, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tặng cờ cho các đơn vị xuất sắc |
Phát biểu tại Hội nghị thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã biểu dương thành tích của ngành GD&ĐT Thủ đô. Thứ trưởng nhấn mạnh: GD&ĐT Hà Nội cũng chịu nhiều áp lực của vấn đề tăng dân số cơ học. Tuy nhiên mạng lưới trường học của chúng ta đã được quy hoạch, sắp xếp và tiếp tục được củng cố mở rộng. Cơ sở vật chất cũng được tăng cường theo hướng chuẩn hóa.
Đặc biệt trong điều kiện Hà Nội khó khăn về đất đai nhưng hệ thống trường chuẩn của chúng ta đạt tỉ lệ cao; Chất lượng GD&ĐT cũng có nhiều chuyển biến, giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn thể hiện ở chỗ GD&ĐT Hà Nội đã tăng cường việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học và quan tâm đến hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học.
Trên cơ sở chất lượng đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn của Thủ đô vẫn giữ top đầu trong cả nước; Đội ngũ nhà giáo cũng không ngừng được quan tâm, phát triển về số lượng, chất lượng. Các thầy cô giáo đã luôn tích cực triển khai cách đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, đổi mới cách đánh giá.
Tại Hội nghị, với các thành tích xuất sắc, trong năm học 2016-2017, nhân dịp tổng kết năm học, các đơn vị thuộc ngành giáo dục thủ đô đã vinh dự được UBND thành phố Hà Nội tặng cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua” cho 44 tập thể; tặng danh hiệu “Tập thể xuất sắc” cho 375 tập thể và tặng Bằng khen cho 85 tập thể, 128 cá nhân.
Hà Nội hiện có 2.669 trường học và các cơ sở giáo dục, 52.839 nhóm lớp. 1.814.651 học sinh, 104.605 giáo viên các cấp học. So với cùng kỳ năm trước tăng 42 trường, tăng 1.041 nhóm lớp, tăng 92.247 học sinh, tăng 7.204 giáo viên. Theo kế hoạch, năm 2016 toàn thành phố xây mới được 66 trường học các cấp học với kinh phí khoảng 2.514,528 tỷ đồng. Năm học 2016-2017, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia toàn thủ đô đạt 48,5% (1.249 trường/2.576 trường), trong đó công lập là 57,3% (1.214/ 2.117 trường)