Ngành GD vào cuộc quyết liệt nhằm giảm ùn tắc giao thông

Ngành GD vào cuộc quyết liệt nhằm giảm ùn tắc giao thông

(GD&TĐ)- Thành công nhất trong lần điều chỉnh đổi giờ học, giờ làm của TP.Hà Nội trong thời gian qua là hệ thống giáo dục Thủ đô đã tuân thủ tốt các chủ trương, chỉ đạo về giờ giấc góp phần làm giảm ùn tắc giao thông tại cổng các trường học cũng như trên toàn địa bàn thành phố mà không làm xáo trộn đến sinh hoạt của người dân thành phố. 

Đại diện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã khẳng định như trên trong buổi "Tọa đàm về công tác giáo dục An toàn giao thông trong trường học đối với hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh" được Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay 5/4 tại Hà Nội. 

Tọa đàm về công tác giáo dục An toàn giao thông trong trường học. Ảnh, gdtd.vn
Tọa đàm về công tác giáo dục An toàn giao thông trong trường học. Ảnh, gdtd.vn  

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý- Thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia đã chủ trì buổi tọa đàm. Dự buổi tọa đàm còn có đại diện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Sở GD-ĐT hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, các phòng GD-ĐT, các trường THCS, THPT trên địa bàn TP.Hà Nội, phòng CSGT Thành phố. 

Ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm đều nhất trí cho rằng: trong khi chờ có các giải pháp đồng bộ về giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, giảm thiểu tai nạn giao thông qua các năm thì các cấp các ngành, đều phải chung tay, góp sức cùng nhau tìm các giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; 

Trước mắt là thực hiện các mục tiêu đề ra trong kế hoạch năm Năm an toàn giao thông 2012 tại từng địa phương. Tại Hà Nội: đặt mục tiêu giảm tối thiểu 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn; giảm tối thiểu 20% số vụ ùn tắc; xây dựng lộ trình và xóa 50% “điểm đen” về tai nạn… mục tiêu của cả nước là giảm thiểu 10% các chỉ tiêu về giao thông và giảm 30% tai nạn giao thông... 

Đã có nhiều kinh nghiệm được chia sẻ tại buổi tọa đàm nhằm giảm ùn tắc giao thông và tăng cường ý thức của học sinh khi tham gia giao thông. 

TP.Hồ Chí Minh từ năm 2006-2007 đã giao quyền tự chủ cho các cụm trường học trên cùng tuyến phố họp bàn với nhau phân giờ vào lớp và tan học sao cho lệch nhau để tránh được ùn tắc giao thông cục bộ trên tuyến phố đó; tổ chức kí cam kết giữa Giám đốc Sở GD-ĐT với thủ trưởng các cấp QLGD, các trường và các quận, huyện trên địa bàn nhằm giáo dục học sinh khi tham gia giao thông;

Ngành GD vào cuộc quyết liệt nhằm giảm ùn tắc giao thông ảnh 2
 Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh, gdtd.vn

Thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã lồng ghép thêm tiêu chí: thầy cô giáo phải làm gương trong việc chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học trò noi theo. Kết quả ở hai huyện đơn cử về tình hình an toàn giao thông phức tạp và thường xuyên xảy ra ùn tắc như hai huyện cửa ngõ Thành phố là Bình Chánh và Thủ Đức đã giảm được 40% tình trạng ùn tắc có sự đóng góp không nhỏ của ngành giáo dục. 

Theo báo cáo, TP.Hà Nội có 2.434 trường và 1.573.611 học sinh với 110.441 giáo viên. Hàng ngày con số HSSV, cán bộ trong ngành giáo dục tham gia giao thông ước khoảng trên 1.684 ngàn người. 

Trong thời gian qua, Hà Nội đã nghiêm túc triển khai quyết định số 315/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội với gần 900 trường học các cấp và 600 ngàn HSSV các nhà trường nằm trong diện điều chỉnh.  

Thời gian đầu điều chỉnh đã bộc lộ một số hạn chế bất cập, xong 10 ngày sau, Hà Nội đã điều chỉnh giờ học của các trường theo nguyên tắc điều chỉnh linh hoạt, đồng thời phối kết hợp với các lực lượng an ninh, cảnh sát giao thông bên ngoài nhà trường đã cải thiện tình hình ùn tắc giao thông tại cổng trường và trên các tuyến phố có nhiều trường học; không gây xáo trộn đến sinh hoạt của phụ huynh học sinh và người dân trên địa bàn thủ đô. 

Theo đánh giá Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong thời gian qua, giao thông tại Thủ đô có hai nét chính đáng ghi nhận là đổi giờ học thành công và 2 năm liên tiếp chấm dứt được tình trạng đua xe gắn máy trái phép. 

Ban ATGTQG cũng yêu cầu ngành GD-ĐT, các Sở GD-ĐT tiếp tục giành nhiều thời gian hơn nữa cho việc tập trung giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, văn hóa giao thông cho học sinh; tiến tới tạo lập thế hệ người Việt Nam có ý thức cao trong văn hóa giao thông.  

Các địa biểu phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh, gdtd.vn
 Các địa biểu phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh, gdtd.vn

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều kiến nghị của các đại biểu xung quanh việc phối kết hợp giữa nhà trường, phụ huynh học sinh, các lực lượng cảnh sát giao thông, công an phường, thanh tra giao thông... để giảm hiện tượng  học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Các biện pháp ngăn chặn khác là xử lý các bãi trong giữ xe nhận giữ xe của học sinh, phụ huynh không cho con em mình đi học bằng xe gắn máy... Bên cạnh đó là các biện pháp tăng cường các tuyến xe buýt công cộng, xe đưa đón học sinh, tăng giao đất, vỉa hè, lòng đường cho giao thông khu vực cổng trường... để tránh ùn tắc giao thông cục bộ đầu và cuối giờ học. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quang Quý nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã sớm đưa nội dung giáo dục ATGT vào các trường học. Đây là bộ Luật được đưa vào giảng dạy sớm nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân với hệ thống giáo trình, giáo án, bài giảng được biên soạn đầy đủ, đồng bộ nhất. Hàng năm, các cấp quản lý giáo dục các địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc giành thời gian giáo dục ATGT nên học sinh các cấp học từ Mầm non đến phổ thông đã được nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. 

Thứ trưởng Trần Quang Quý đã biểu dương ngành giáo dục hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã vào cuộc quyết liệt trong đổi giờ học và các giải pháp, sáng kiến khác góp phần giảm ùn tắc giao thông đáng kể trên địa bàn hai thành phố. 

Trong thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ cùng các cấp quản lý giáo dục sẽ tăng cường giáo dục ATGT trong và ngoài giờ lên lớp. Sẽ lồng ghép giáo dục kĩ năng khi tham gia giao thông với phong trào "Xây dựng trường học thân thiện- học sinh tích cực" để học sinh trong nhà trường thi đua phấn đấu lẫn nhau trong việc chấp hành Luật ATGT và có ý thức hơn khi tham gia giao thông. 

Thứ trưởng đề nghị, Sở GD-ĐT hai Thành phố một mặt cùng với các nhà trường có biện pháp xử lý kỉ luật các học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ, có thông báo về nhà trường, đồng thời phải có thông báo cho các cơ quan chức năng để cùng phối hợp xử lý, giáo dục các học sinh này. Mặt khác, có biện pháp phối hợp với cha mẹ học sinh không cho học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi, có biện pháp giáo dục, ngăn chặn nhằm giảm tỉ lệ học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ. 

Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng mong rằng: các lực lượng chức năng tiếp tục hỗ trợ ngành giáo dục các cấp và đặc biệt là ở các thành phố lớn trong việc phối kết hợp với nhà trường giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, nhằm giảm ùn tắc giao thông, góp phần cùng toàn xã hội thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra trong năm An toàn giao thông 2012. 

Giang Đông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ