Nỗ lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Đánh giá về những kết quả đạt được trong học kì 1 năm học vừa qua, ông Nguyễn Đức Lương- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Từ đầu năm học, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định và triển khai tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chỉ đạo các trường có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Kết quả, tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 58%. Thời gian dạy học buổi 2 được bố trí cho các hoạt động phụ đạo học sinh yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; tăng thời gian với các nội dung dài, khó dưới sự hướng dẫn của giáo viên; tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống; hoạt động văn nghệ, thể thao; tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo phù hợp với đối tượng học sinh.
Ngoài ra, ngành GD-ĐT tỉnh còn huy động tối đa trẻ khuyết tật học hòa nhập, giáo dục phù hợp đối tượng, điều chỉnh linh hoạt về tổ chức, chương trình, phương pháp dạy học, đánh giá, xếp loại học sinh khuyết tật.
Sở cũng chỉ đạo các nhà trường tiếp tục xây dựng chương trình môn học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Đến nay, 100% các trường THCS, THPT xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Các đơn vị, trường học tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học.
Sở đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, sử dụng sách giáo khoa lớp 1, tài liệu giáo dục địa phương, xây dựng các chủ đề/bài học tích hợp nội dung giáo dục STEM...
Các cơ sở giáo dục trung học tổ chức dạy nghề truyền thống của địa phương, nghề phổ thông, “Tìm hiểu kinh doanh” ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Các hình thức tư vấn, hướng nghiệp... được đẩy mạnh, gắn nội dung giáo dục hướng nghiệp với thực tiễn.
Các đơn vị đã tổ chức tuyên dương, vinh danh các tấm gương HSSV tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh; HSSV nghèo vượt khó, tham gia tích cực công tác xã hội, tình nguyện; sử dụng tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” trong nhà trường.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ HSSV trong học tập và rèn luyện; triển khai có hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội, hướng nghiệp, việc làm và hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; tổ chức Hội thảo, tập huấn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, công tác y tế trường học; công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh tiếp tục được đẩy mạnh. Các đơn vị thực hiện giảng dạy đầy đủ nội dung công tác an ninh quốc phòng, củng cố các tổ chức đội cờ đỏ, sao đỏ, thanh niên xung kích, an ninh trong trường học.
Các nhà trường đã phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức tốt hoạt động phòng chống dịch, bệnh; Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống tại các trường học, kiểm tra công tác ATGT.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên
Xác định đội ngũ giáo viên là lực lượng then chốt trong đổi mới giáo dục và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành GD-ĐT Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng và cơ cấu theo vị trí việc làm. Năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên đã từng bước được giải quyết.
Ông Nguyễn Đức Lương thông tin: Thời gian qua, Sở luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh; công tác xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn; nội dung giáo dục kĩ năng sống, giáo dục tích hợp liên môn…
Xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho giáo viên các cấp hoàn thiện bồi dưỡng theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, đảm bảo việc bổ nhiệm, thi/xét thăng hạng và xếp lương theo hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đúng quy định. Tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Sở đã tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng cho CBQL và giáo viên tham gia tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới, tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và công nhận 174 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc học mầm non và phổ thông. Chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 138/CT-BGD&ĐT ngày 18/01/2019 của Bộ GD&ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ trong nhà trường; Chỉ thị số 1737/CT-BGD&ĐT ngày 15/8/2018 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.
Một trong những thành tích nổi bật của ngành GD-ĐT Hòa Bình là tăng cường công tác giáo dục chính trị, củng cố các tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới trong các trường học. Hiện nay, toàn ngành GD-ĐT Hòa Bình có 568 Chi bộ, Đảng bộ với 11.704 đảng viên đạt tỷ lệ 63,7% so với tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, trong đó có 9.085 đảng viên nữ chiếm 77,6%, có 6.053 đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 51,7% so với tổng số đảng viên toàn ngành.
Các Chi bộ, Đảng bộ đã không ngừng tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức cách mạng cho đảng viên nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong, trong sạch của đội ngũ đảng viên, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Chi bộ.