Ngàn năm soi bóng sông Hồng

GD&TĐ - Giữa một Hà Nội ồn ào tấp nập, vẫn thấp thoáng những không gian trầm mặc linh thiêng làm xao xuyến lòng người. Từ những bậc thềm đá đã in hằn dấu tích thời gian, cho tới mái ngói rêu phong đượm màu năm tháng. Từ huyền sử về một vị anh hùng cho tới những nét phù điêu đong đầy các giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc... Tất cả đã tạo nên câu chuyện đầy thu hút về một ngôi đình cổ bậc nhất Hà Thành.

Ngàn năm soi bóng sông Hồng

Huyền sử một vị anh hùng

Từ trung tâm thành phố, khi qua đền Vẽ, ngược dốc Kẻ ta sẽ thấy bóng dáng của một ngôi đình thâm nghiêm, sừng sững có niên đại hàng ngàn năm tuổi. Đó chính là đình Chèm. Đình soi mình xuống bến sông, thuộc đoạn ngã ba sông Hồng và sông Hát Giang giao với sông Nhuệ. Nơi đây từng được biết đến là chốn tấp nập, trên bến dưới thuyền của mảnh đất Thăng Long xưa.

Đình Chèm không chỉ mang nét đẹp cổ kính mà còn có cả sự duyên dáng, huyền ảo đến lạ kỳ! Bởi thế mà biết bao vua chúa, tao nhân mặc khách đã đến để thăm viếng, chiêm ngưỡng và đề thơ ca ngợi…Lật giở từng trang sách giới thiệu, ta còn được hiểu thêm một thời đại lịch sử dân tộc, chứng tích của một vị anh hùng.

Hai tòa Tiểu Phương đình và Phương đình mang dấu ấn phong cách kiến trúc thời Nguyễn
 Hai tòa Tiểu Phương đình và Phương đình mang dấu ấn phong cách kiến trúc thời Nguyễn 

Đình Chèm được dựng từ cuối thế kỷ 8 đầu thế kỷ 9 cách nay đã trên 1200 năm, thờ Đức Thượng đẳng thần Hy Khang Thiên Vương Lý Hiệu Uý tức Lý Ông Trọng hay dân gian còn quen gọi với cái tên Đức Thánh Chèm.

Trong không gian bảng lảng khói hương, lắng nghe những câu chuyện từ thời xa xưa của những cụ già lớn tuổi kể lại thì, Lý Ông Trọng là người có tầm vóc cao lớn lạ thường, văn võ song toàn, tính tình hiếu nghĩa, cương trực. Bấy giờ, đất nước thường xuyên có giặc phương Bắc quấy nhiễu biên thùy.

Lý Ông Trọng đã giúp vua giữ yên bờ cõi, lập nhiều công lớn. Cuối đời vua Hùng Duệ Vương, Văn Lang bị quân Tần xâm lược, ông hợp với Thục Phán cùng quân dân Lạc Việt đánh cho giặc phải lui về phương Bắc.

Vào thời kỳ giao hảo giữa Âu Lạc và Tần, nước Tần bị quân Hung Nô quấy nhiễu, vua Tần Thủy Hoàng không dẹp yên được. Biết danh tiếng của Lý Ông Trọng, vua Tần đã xin An Dương Vương cử ông sang giúp. Lý Ông Trọng được lệnh đi sứ sang Tần để giữ tình hòa hiếu giữa hai nước. Đến Tần, ông được phong Tư Lệ Hiệu Úy cùng 10 vạn quân đi trấn giữ đất Lâm Thao (Cam Túc, Trung Quốc).

Ngày thắng trận trở về, mến mộ tài đức của Lý Ông Trọng vua Tần liền phong chức Phụ Tín hầu và gả con gái là Bạch Tĩnh Cung với mong muốn giữ ông ở lại, nhưng Lý Ông Trọng một mực từ chối rồi đưa vợ con trở về quê hương. Khi ông mất, nhân dân tưởng nhớ công lao nên  đã lập đình Chèm để khói hương thờ phụng và tôn ông làm Thành hoàng.

Tượng Đức Thánh Chèm và Thánh Bà cao hơn 3m được thờ tại Đình Chèm
 Tượng Đức Thánh Chèm và Thánh Bà cao hơn 3m được thờ tại Đình Chèm

Không chỉ là câu chuyện lưu truyền trong dân gian, công lao của Đức Thánh Chèm còn được ghi chép cẩn thận trong những cuốn sử ký qua nhiều thời kỳ như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Lĩnh Nam chích quái... Và ngày nay nơi đây vẫn còn lưu giữ 127 mỹ tự và các đạo sắc phong tỏ lòng cung kính của vua chúa các triều đại phong kiến. Do đó, không chỉ là công trình kiến trúc cổ, đình Chèm còn là chứng tích về một vị anh hùng và tinh thần chống giặc ngoại xâm.

Lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc

Ngay từ khi thơ bé mỗi người chúng ta đã được thấy hình ảnh của mái đình phảng phất trong câu hát ru của mẹ. Và sau này lớn lên ở trong không gian những ngôi làng cổ Bắc Bộ, hình ảnh của cây đa, giếng nước, sân đình luôn in sâu vào trong tiềm thức của biết bao thế hệ. Cất công tìm hiểu về những giá trị văn hóa ẩn hiện phía sau mái đình, mới thấy thấm thía hơn, những tinh hoa của cha ông để lại.

Thăm đình Chèm, du khách sẽ bắt gặp 4 cột trụ đồng hiên ngang sừng sững. Gần đỉnh trụ đắp hình lồng đèn, đỉnh và thân trụ được trang trí tứ linh và đắp các câu đối chữ Hán ca ngợi Đức thánh Lý Ông Trọng. Phần Nghi môn ngoại này, mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn và có một sức hút kỳ lạ với bất cứ ai tới vãn cảnh đình.

Mái của tòa Phương đình với những chi tiết trang trí đắp nổi
 Mái của tòa Phương đình với những chi tiết trang trí đắp nổi

Nối tiếp phía sau là khoảng sân nhỏ có đôi rồng đá dẫn đến Nghi môn nội (thường được gọi là Tàu Tượng). Tàu Tượng là một nếp nhà bốn mái ba gian, hai chái. Mái lợp ngói mũi hài, các góc mái uốn cong tạo thành những đầu đao đắp nổi hình đầu rồng. Nghi môn nội có ba cửa lớn, cánh làm bằng phiến gỗ dày với chân là bánh xe. Đây là nơi đặt tượng ông quản tượng, voi chiến và ngựa chiến của Đức Thánh Chèm.

Đẩy cánh cửa Nghi môn hai tòa Tiểu Phương đình hiện lên uy linh, cổ kính. Hai công trình ấy, có kết cấu kiểu nhà vuông bốn mái có hàng cột đỡ, xung quanh để thoáng. Tại đây đặt tấm bia Thụy Phương đình bi ký từ thời Lê Trung Hưng và cũng là nơi hành lễ Mộc dục (tắm bài vị) của Đức Ông và Đức Bà.

Hai bên nhà bia là hai dãy nhà gọi là Tả - Hữu mạc, xây kiểu 4 mái 5 gian, 2 chái đây là nơi tiếp đón khách thập phương tới bái vọng. Chính giữa sân, tòa Phương Đình đứng đối diện với Nghi môn nội, được dựng kiểu chồng diêm hai tầng, tám mái với các đầu đao cao vút.

Hương án gian nhà Tiền tế được chạm trổ hoàn toàn bằng tay trong vòng 4 năm, có niên đại cách đây gần 300 năm
 Hương án gian nhà Tiền tế được chạm trổ hoàn toàn bằng tay trong vòng 4 năm, có niên đại cách đây gần 300 năm

Như những ngôi đình cổ khác, các công trình lớn nhất của quần thể di tích gồm tòa Tiền tế và tòa Đại bái. Hai tòa nhà có kết cấu giống nhau, mỗi dãy nhà gồm năm gian, nội thất sáu hàng chân cột gỗ đỡ mái, các cột đều được đặt trên đá tảng xanh. Ở các bộ vì, cửa võng, các bức cốn được chạm hình rồng mây, rồng cuốn thủy, cá hóa rồng, tứ linh với những đường nét mềm mại tinh xảo.

Tinh ý một chút, người tham quan có thể nhận ra rằng, trước cửa ra vào hai tòa nhà tế lễ là những bậc thềm đá lưu niên, vuông vức, đều tăm tắp. Khung cảnh cổ xưa được in đậm bởi hàng hàng, lớp lớp mái ngói cổ kính rêu phong hòa vào nền trời.

Cùng với đó là những bài thơ, bài vịnh cảnh đình của tiền nhân ẩn hiện trong hàng ngàn chi tiết hoa văn điêu khắc tinh xảo. Sao bàn tay của người xưa lại tài hoa đến thế, để hàng trăm năm sau người đời vẫn phải nghiêng mình vị nể!

Bài Vịnh cảnh đình được người xưa tạc trực tiếp trên xà gỗ tới nay vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn
Bài Vịnh cảnh đình được người xưa tạc trực tiếp trên xà gỗ tới nay vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn

Không chỉ có vậy, đình Chèm còn là nơi lưu giữ những bộ hoành phi, câu đối, đại tự hàng trăm năm tuổi, phần lớn có từ thời Lê Trung Hưng. Đây chính là kho tàng văn hóa bằng hiện vật cần nâng niu, trân trọng của đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trong hậu cung hai bức tượng thờ Đức Thánh Chèm và Đức Thánh Bà cao gần 3m oai nghiêm cùng với hàng chục pho tượng quan chầu với kích thước khác nhau, cách chạm trổ cũng nông sâu khác nhau nhưng đều vô cùng đẹp và độc đáo. Gương mặt ai cũng đầy thần thái với ánh mắt cương nghị thể hiện sự điêu luyện, khéo léo, tài tình. Chắc chắn đó phải là những người thợ học nghề từ nhỏ mới có được sự dẻo dai trong từng nét đục.

Năm 1916, trước nguy cơ lụt lội bởi sông Hồng, dân làng Chèm đã tiến hành một việc quan trọng và táo bạo là nâng toàn bộ ngôi đình lên cao thêm 2.4m bằng phương pháp thủ công. Đây cũng là câu hỏi thú vị cho hậu thế bởi bằng cách nào mà cha ông ta kiệu được cả khối gỗ nặng và kết cấu chặt ch với nhau như thế mà không ảnh hưởng đến công trình.

Ghé thăm đình Chèm, là thêm một lần chúng ta có cơ hội tìm hiểu về lịch sử và thấu hiểu được sức sống mãnh liệt của văn hóa cổ được để lại từ thời cha ông! Những dấu ấn kiến trúc và văn hóa ấy đã ngưng đọng, kết tinh hàng trăm năm tại nơi này, cần phải được quảng bá và giới thiệu nhiều hơn nữa. Để những người trẻ biết được rằng, giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến có một ngôi đình cổ, đã ngàn năm soi bóng mặt nước sông Hồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ