Ngân hàng Trung Quốc bị Truyền hình Trung ương vạch mặt “rửa tiền“

Một sự kiện bất thường diễn ra ngày 9/7: Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tố cáo Ngân hàng Trung Quốc (BOC) phạm tội “rửa tiền” ở Úc và các nước khác!

Trụ sở ngân hàng BOC ở Trung Quốc
Trụ sở ngân hàng BOC ở Trung Quốc
Có thể nói đây là lần đầu tiên CCTV sử dụng biện pháp quay phim, để thực hiện cuộc tấn công trực tiếp vào BOC, một trong 5 ngân hàng thương mại quyền lực nhất do nhà nước Trung Quốc kiểm soát.
"Chúng tôi không cần biết tiền anh bẩn thế nào..."
Bằng chứng của CCTV trong chương trình thời sự phát buổi sáng 9/7 là một đoạn phim 20 phút do phóng viên giả làm một “khách hàng”, chiếu một nhân viên của chi nhánh BOC ở tỉnh Quảng Đông giới thiệu với “khách hàng” về cách chuyển một khối lượng tiền lớn ra khỏi biên giới Trung Quốc, rồi đổi số tiền này ra ngoại tệ.

Từ đó, “khách hàng” lách được các quy định về ngoại hối. Hành vi này vi phạm quy định kiểm soát nguồn vốn quốc gia: Luật Trung Quốc chỉ cho phép mỗi năm đem số tiền mặt tương đương 50.000 USD ra nước ngoài.

CCTV buộc tội BOC “công khai có gói dịch vụ “rửa tiền” cho người dân Trung Quốc giàu có” và giúp họ “thổi” tiền mặt ra khỏi đất nước, khi những người này có kế hoạch ra nước ngoài định cư.

Bên cạnh đó là BOC “chế” tài liệu giả thông qua sàn chuyển tiền Youhuitong của họ.

BOC còn cấu kết với cơ quan xuất - nhập cảnh để che giấu nguồn gốc số tiền của “thân chủ” và giúp họ chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư vào một cuộc sống mới. Đổi lại, BOC nhận một khoản “hoa hồng” hậu hĩnh, theo CCTV.

Trong đoạn phim, nam nhân viên khẳng định Úc là một điểm đến quan trọng cho “khách hàng”. Anh ta nói: “Chúng tôi không quan tâm nguồn gốc tiền của anh, làm cách nào anh có số tiền ấy, chúng tôi có thể giúp anh đem số tiền ấy ra khỏi Trung Quốc. Chúng tôi không quan tâm tiền của anh bẩn cỡ nào, chúng tôi sẽ tìm ra cách rửa nó và chuyển ra nước ngoài cho anh”.

CCTV nêu: “Thật choáng váng khi một ngân hàng nhà nước lớn như BOC lại nhảy vào một lĩnh vực làm ăn mờ ám như thế”.

CCTV còn nêu riêng chi nhánh BOC ở Quảng Đông đã “tuồn” 6 tỉ Nhân dân tệ ra khỏi Trung Quốc trong năm 2014 này. Nhiều chi nhánh BOC khác ở Bắc Kinh cũng có dịch vụ “rửa tiền” này.

Đến khuya 9/7, BOC phản ứng lại bằng một bản tuyên bố: sàn chuyển tiền Youhuitong chỉ là một phần của một gói dịch vụ thí điểm nhưng hợp pháp, mở từ năm 2011.

Bản tuyên bố nêu thông tin của CCTV là “chệch khỏi các sự thật” và có “cách hiểu sai” về dịch vụ Youhuitong. BOC nêu họ làm ăn đúng quy định của pháp luật, vốn yêu cầu phải kiểm tra nguồn gốc số tiền và mục đích lập tài khoản của khách hàng.

Họ nói chương trình này chỉ dành cho khách hàng muốn ra nước ngoài để đầu tư hoặc mua nhà ở nước ngoài.

Tiếp đó, BOC xóa tuyên bố này trên trang web của họ, rồi tải lại nhưng không còn các chữ “CCTV” hoặc “nhà điều hành”.

Trong tuyên bố khác gởi thị trường chứng khoán Hồng Kông, BOC nêu “thông tin truyền thông” về dịch vụ Youhuitong thì “không liên quan tình hình hiện tại”.
Một trụ sở của BOC
Một trụ sở của BOC
"Trên" đã bật đèn xanh cho CCTV ?

Cú đòn mà CCTV “giáng” vào BOC là một cú sốc cho các nhà phân tích. GS Ding Xueliang của khoa Chính trị thuộc Đại học Khoa học - Công nghệ Hồng Kông nói: “Vụ này quả bất thường. Rất hiếm khi các đơn vị nhà nước lại công khai chỉ trích nhau”.

Chỉ mới tháng Sáu, Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Trung ương đã có chỉ đạo, rằng các phương tiện truyền thông nếu chưa được cho phép thì không “đưa tin nhạy cảm” về các thể chế lớn thuộc chính phủ.

BOC và CCTV đều là các cơ quan chịu quyền giám sát của Hội đồng Chính phủ. Như vậy, để tung ra một sự tố cáo nghiêm túc và rất chi tiết chống lại BOC, hẳn CCTV đã được “trên” cho phép?.

Wei Wuhui - Nhà nghiên cứu báo chí ở Thượng Hải - nói: “Thật hiếm khi có chuyện CCTV truy một cơ quan thuộc nhà nước như BOC. 

Và không chỉ chĩa vào một chi nhánh, đó là cuộc tấn công vào toàn bộ BOC. Cáo buộc “rửa tiền” cũng là một lời buộc tội nghiêm trọng. Chưa bao giờ có sự cáo buộc nghiêm trọng và hiếm hoi như thế này”.

Một nhân viên xin giấu tên của một ngân hàng nhà nước khác, nói: “BOC không là ngân hàng duy nhất cung cấp các kiểu dịch vụ đó. Các ngân hàng lớn đều làm. 

Nhiều ngân hàng nhận chỉ đạo từ chính quyền rằng không được làm nữa, nhưng đấy đang là một lĩnh vực tăng trưởng và nguồn cầu rất khổng lồ”.

Một quan chức cấp cao của ngân hàng Thụy Sĩ nọ tại Thượng Hải, nói: “Đó là một bí mật mà ai cũng biết, rằng các ngân hàng ở Trung Quốc đều cung cấp các dịch vụ này, nhất là ở Hồng Kông, nơi không hề có chuyện kiểm soát ngoại tệ”.
Trong nước bất ổn, nhà giàu Trung Quốc tháo chạy

Đoạn phim “động trời” của CCTV khiến các nhà phân tích nhận định: Bắc Kinh phát tín hiệu rằng đang chuẩn bị siết chặt việc kiểm soát nguồn tiền chảy ra nước ngoài.

Trước đây, nền kinh tế Trung Quốc thu hút dòng ngoại tệ lớn nhờ xuất khẩu và từ các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng tiền này đổi ra đồng NDT ở ngân hàng trung ương, để đẩy thêm đồng NDT vào nền kinh tế.

Điều này giúp các ngân hàng dễ cho vay, công ty có thể phát triển, nhưng cũng gây ra lạm phát và tình trạng “bong bóng xà phòng” ở thị trường chứng khoán và bất động sản.

Khi dòng ngoại tệ rời Trung Quốc, quy trình trên bị lật ngược, không còn đồng NDT cho sự tăng trưởng kinh tế. Vài tháng qua, các nhà quản lý Trung Quốc nói họ sẽ tăng cường kiểm soát nguồn tệ “chảy lén” ra nước ngoài.

Tổ chức Minh bạch tài chính quốc tế (Mỹ) hồi năm 2013 đã có báo cáo, rằng kể từ năm 2002 đến năm 2011, Trung Quốc đã để thất thoát 1,08 nghìn tỉ USD ra nước ngoài qua các kênh lén lút.

Lãnh đạo Trung Quốc hiện tiến hành chiến dịch bài trừ tham nhũng, nhắm vào các cán bộ đảng viên bị nghi âm mưu tuồn tài sản bất chính ra nước ngoài. Các “quan” này bị gọi là “quan trần trụi” tức những người mà vợ con, tài sản đều đã ở nước ngoài.

Các nhà phân tích và kinh tế học cũng thừa nhận, rằng hệ thống kiểm soát tiền tệ của Trung Quốc có nhiều kẽ hở và các quy định tài chính bị phớt lờ.

Cộng với nền kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng và tình hình chính trị bất ổn tại Trung Quốc, người dân giàu có ngày càng muốn qua nước khác định cư. Họ đáp ứng các điều kiện di trú như đầu tư lớn vào các nước như Mỹ, Canada và Úc.

Mới đây, Hiệp hội bất động sản Mỹ nói trong 12 tháng qua, khách hàng Trung Quốc đã chi tổng cộng 22 tỉ USD để mua nhà ở Mỹ.

Theo motthegioi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ