Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và những 'lùm xùm' gần đây

GD&TĐ - Bên cạnh 'lùm xùm' khi một loạt cán bộ bị truy tố, BIDV cũng vướng vào rủi ro liên quan đến việc huy động trái phiếu doanh nghiệp.

BIDV huy động gần 22.000 tỷ đồng trái phiếu trong 9 tháng đầu năm. Ảnh minh họa.
BIDV huy động gần 22.000 tỷ đồng trái phiếu trong 9 tháng đầu năm. Ảnh minh họa.

Từ vụ án khiến loạt cán bộ của BIDV bị truy tố

Vừa qua, Viện KSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 7 bị can nguyên là cán bộ Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định tại điều 179, khoản 3, Bộ luật hình sự năm 1999.

7 bị can gồm: Đỗ Quốc Hùng (SN 1963, nguyên giám đốc BIDV Thành Đô); Lưu Thị Bích Thủy (SN 1962, nguyên phó giám đốc); Phạm Anh Tài (SN 1961, nguyên trưởng phòng tín dụng); Nguyễn Văn Hà (SN 1978, nguyên phó trưởng phòng tín dụng); Lại Minh Ngọc (SN 1975, nguyên trưởng phòng thẩm định).

Theo cáo trạng, Dự án Việt Hòa – Kenmark do Công ty Kenmark (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) thực hiện trên khu đất hơn 46 ha tại tỉnh Hải Dương với tổng vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng.

Ngày 8/11/2007, Công ty Kenmark có giấy đề nghị vay vốn gửi tới BIDV chi nhánh Thành Đô đề nghị vay số tiền là 69.320.178 USD với thời gian vay là 84 tháng để có tiền thực hiện dự án.

Ngày 19/10/2007, ông Đỗ Quốc Hùng đã ký tờ trình Tổng Giám đốc BIDV đề nghị đồng ý cho tiếp nhận hồ sơ vay vốn và là ngân hàng đầu mối thẩm định Dự án và được BIDV đồng ý tại văn bản số 6295/CV-TD1 ngày 26/10/2007.

Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô.
Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô.

Trong thời gian từ 4/12/2007 đến 18/5/2010, Tổ thẩm định Dự án Việt Hòa – Kenmark thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn đối với Công ty Kenmark đã đánh giá không đúng mức về các yếu tố rủi ro, đề xuất cho Công ty Kenmark vay vốn.

Trong khi đó, hồ sơ của công ty này không đầy đủ theo quy định; dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hiệu quả, khả thi; năng lực tài chính không đảm bảo khả năng trả nợ trong thời gian cam kết.

Thế nhưng Tổ thẩm định vẫn báo cáo kết quả thẩm định xác định Công ty Kenmark đáp ứng được các điều kiện cho vay theo quy định…dẫn đến quyết cho vay gần 53 triệu USD và gần 57,5 tỷ đồng trái quy định, không đúng yêu cầu về hình thức giải ngân 2 bước theo chỉ đạo của BIDV.

Điều này dẫn đến khi Công ty Kenmark dừng hoạt động, đại diện pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam, các ngân hàng thu nợ và bán đấu giá tài sản đảm bảo của công ty trên, đối trừ vào số tiền cho Công ty Kenmark vay thì dư nợ không có khả năng thu hồi của công ty này là hơn 360 tỷ đồng.

Đến rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp

Thời gian qua, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp ồ ạt thiếu kiểm soát, quản lý, nhất là việc chuyển vốn huy động từ phát hành trái phiếu “lòng vòng” qua các doanh nghiệp khác, sử dụng vốn sai mục đích tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nỗi lo nợ xấu từ trái phiếu cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong số các doanh nghiệp lớn có vốn nhà nước liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là một cái tên đáng chú ý.

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 3/2022, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt mức 14.098,4 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hoạt động ngoài lãi cũng ghi nhận mức tăng trưởng tương đối khả quan.

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng của Ngân hàng BIDV đang có dấu hiệu đi xuống khi tổng nợ xấu tính đến ngày 30/09/2022 tăng hơn 48,5% so với hồi đầu năm lên mức hơn 20.125 tỷ đồng.

Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 2,8% lên mức hơn 2.834 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 18,6% lên mức 4.160 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng đến 1,8 lần so với đầu năm lên mức gần 13.131 tỷ đồng, chiếm hơn 65% tổng nợ xấu của BIDV. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng cũng tăng từ 1% hồi đầu năm lên 1,35% tại thời điểm 30/9.

Đặc biệt, vừa qua, khi Bộ Tài chính công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022, Ngân hàng BIDV đã phải mua lại hàng loạt lô trái phiếu trước hạn.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 4 đến tháng 9/2022, BIDV đã mua lại toàn bộ lại 17 lô trái phiếu khác nhau với tổng giá trị 12.672 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này chủ yếu được phát hành trong năm 2020, có kỳ hạn 7 năm.

Đỉnh điểm nhất, từ tháng 7 đến tháng 8/2022, Ngân hàng BIDV tiếp tục mua lại toàn bộ trước hạn 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.859 tỷ đồng.

Song rủi ro từ trái phiếu của ngân hàng BIDV không những không giảm xuống mà còn tăng trưởng mạnh mẽ. Nguyên nhân là do BIDV phát hành tới 28 lô trái phiếu có giá trị tới đến 21.872 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Tính đến ngày 30/9/2022, Ngân hàng BIDV đang lưu hành tới 109 lô trái phiếu với giá trị hơn 55.948 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ