Nhưng tổn thương mà những đứa trẻ phải chịu có thể là nỗi ám ảnh cả cuộc đời. Làm sao để phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, giúp trẻ biết tự bảo vệ mình đang là vấn đề đặt ra cho toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của ngành GD.
Hãy lên tiếng
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ - Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình - Phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã tổ chức buổi truyền thông “Kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em” cho HS Trường THCS Nghi Hương. Qua đó, nhằm trang bị những kiến thức cần thiết để các em đối diện với vấn đề nhạy cảm này.
Mở đầu buổi truyền thông, cán bộ dân số đã thông tin cho HS một số vụ xâm hại tình dục đau lòng vừa mới được phát hiện như: Sự việc bé gái bị bố đẻ và ông nội xâm hại tình dục ở Long An; câu chuyện về một ông cụ 77 tuổi ở thành phố Vũng Tàu thường xuyên có hành động dâm ô các bé gái trong vùng; hay trường hợp bạn nam 15 tuổi vẫn hàng ngày chạy thể dục buổi sáng nhưng vô tình trở thành đối tượng bị một bác gái “dụ dỗ, xâm hại” và hậu quả là “bác gái” nay đã có thai.
Trước những câu chuyện này, HS Trường THCS Nghi Hương đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến. Em Hoàng Văn Huy, lớp 9A1 cho rằng: Những hành động trên là xâm hại đến sự trong trắng của tuổi học trò.
Người xâm hại tình dục trẻ em có thể là người lạ, nhưng cũng có thể là người thân, quen với nạn nhân. Nên có những biện pháp cụ thể để ngăn chặn những hành vi trên.
Có thể nói, những kiến thức về giáo dục giới tính, mà cụ thể về xâm hại tình dục trẻ em hiện nay không còn quá lạ lẫm với HS. Tuy mới học lớp 6, nhưng em Nguyễn Nữ Mai Anh bày tỏ: “Nếu bị ai đó có ý đồ xấu với mình thì em phải mách với bố mẹ, thầy cô giáo chứ không được im lặng chịu đựng.
Nếu không nói gì thì kẻ xấu càng lấn tới và sẽ làm hại mình nhiều lần”. Em Nguyễn Tiến Dũng, bạn học cùng lớp với Mai Anh cũng nói: “Xâm hại tình dục không chỉ xảy ra với trẻ em gái, mà các bạn nam cũng có thể là nạn nhân. Giống như trường hợp diễn viên Minh Béo bị cảnh sát Mỹ bắt giam vì tội ấu dâm với bạn nam nhỏ tuổi”.
Tầm quan trọng của giáo dục giới tính
Buổi truyền thông tư vấn về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em đã nhận được sự hưởng ứng cao từ phía HS. Tuy nhiên, trái ngược với sự muốn lên tiếng của các em, lại là sự né tránh của nhiều người lớn.
Buổi truyền thông cũng không có sự tham gia của các bậc phụ huynh. “Mẹ em nói đây là vấn đến nhạy cảm, không được nhắc đến, lo mà học hành đi cho tốt”, một nữ sinh lớp 9 nói. Cũng chính vì vậy mà thông tin về giáo dục giới tính chủ yếu do các em tự tìm hiểu trên sách báo.
Về phía các nhà trường, trên thực tế, việc trang bị những kiến thức về giáo dục giới tính một cách bài bản, có hệ thống thì hầu như chưa nơi nào thực hiện được.
Thời gian qua, các trường cũng đã lồng ghép vấn đề vào trong các tiết học kỹ năng, tiết học Giáo dục công dân, Sinh học, thành lập các câu lạc bộ “Giáo dục kỹ năng sống và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”; tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức sức khỏe sinh sản. Tuy vậy, lượng kiến thức vẫn còn ít ỏi.
Chia sẻ về điều này, cô Trần Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Hương cho rằng: Dù rất quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên ở các trường học do hạn chế về thời gian và áp lực về dạy học kiến thức văn hóa nên HS chưa được học nhiều về các kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Mặt khác, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho HS lâu nay vẫn được xem là vấn đề “nhạy cảm”.
Giữa việc “nói cho các em hiểu rõ” hay “vô tình vẽ đường cho hươu chạy”, “kích thích trí tò mò của lứa tuổi mới lớn” vẫn còn là nỗi băn khoăn của nhiều giáo viên, phụ huynh.
Bên cạnh đó, để nói chuyện về giới tính cho HS, cần những người tế nhị, am hiểu, có kiến thức chuyên môn để giải đáp được “nghìn lẻ một” những thắc mắc của HS.
Từ những điều trên, việc phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Dân số, cơ quan hội phụ nữ tổ chức các chương trình truyền thông kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em là rất cần thiết và có ý nghĩa.
Các hoạt động cần phải được tổ chức thường xuyên và lâu dài tạo cho HS một diễn đàn để các em tự đưa ra vấn đề và giải quyết. Từ đó trang bị cho HS những kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình, có lối sống lành mạnh, an toàn.