Để hạn chế những cái chết thương tâm này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt các các ngành chức năng, sự quan tâm của toàn xã hội và ý thức của chính những đứa trẻ.
Trẻ nhỏ tại khu vực nông thôn thường xuyên đi bơi những khu vực nguy hiểm không có sự giám sát của người lớn |
Hơn chục ngày trước, trên sông Kỳ Cùng (khu vực cầu Nà Pinh, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Ông Hoàng Văn Thụ, ở thôn Nà Pinh, xã Tân Liên, cho biết: Do nắng nóng, 2 học sinh lớp 8 trường THCS Hoàng Văn Thụ rủ nhau xuống sông tắm, nhưng vì không biết bơi nên đã xảy ra tai nạn. Phát hiện vụ việc, người dân địa phương chỉ cứu được một em, còn một em bị dòng nước cuốn trôi.
“Vừa rồi 2 cháu ra đây chơi kéo cây xuống tắm rồi các cháu bị đuối nước. Hàng năm tại địa phận xã Tân Liên này thường xuyên bị đuối nước hầu như năm nào cũng có”- ông Thụ nói.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn, năm 2018 toàn tỉnh có 25 trẻ em tử vong do đuối nước, chủ yếu do thiếu sự giám sát của người lớn khi trẻ tự do vui chơi tại những nơi nguy hiểm như sông, hồ, ao, suối. Và một phần nguyên nhân là do trẻ thiếu kỹ năng tự bảo vệ khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Nhằm giảm thiểu đuối nước cho trẻ, phía ngành cũng đã phối hợp với các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục việc phối hợp giữa gia đình với nhà trường. Hướng cho các cháu việc tập luyện để nâng cao khả năng tự bảo vệ mình cho các cháu. Hơn nữa là các gia đình chú trọng công tác trẻ em. Chúng tôi cũng vừa làm việc với các doanh nghiệp, kể cả các công trình xây dựng cần có tuyên truyền để có các biện pháp quản lý tốt các hố nước, các khu vực đào đắp, các khu vực đang thi công không để trẻ em vào đấy nghịch, chơi và rơi xuống”.
Hầu hết các vụ đuối nước xảy ra đều do trẻ thiếu những kỹ năng tự bảo vệ mình. |
Hiện một số đơn vị như Cung thiếu nhi, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Lạng Sơn đang liên tục mở hàng các lớp dạy bơi cơ bản và kỹ năng thoát hiểm dưới nước cho trẻ em. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng ý thức được nguy cơ đuối nước khi đi tắm suối hay vui chơi tại các khu vực sông, hồ.
Tử thần luôn rình rập dưới làn nước xanh mát để sẵn sàng cướp đi mạng sống của các em bởi sự chủ quan của trẻ, sự lỏng lẻo trong quản lý con cái của các bậc phụ huynh và cả quan niệm chỉ chú trọng việc dạy chữ mà bỏ qua việc dạy cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm trong những tình huống khẩn cấp.
Để không còn những cái chết thương tâm do đuối nước, rất cần sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục trẻ để các em phát triển một cách toàn diện cả trí lực, thể lực và kỹ năng sống.