Như một bệnh dịch
Nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng, báo Đại Đoàn kết, từng có “thâm niên” theo dõi lĩnh vực di sản văn hóa, lịch sử cho biết: Nạn “vẽ bậy” lên di tích, từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia đã trở nên phổ biến. Thực trạng này thể hiện rõ ở ngay tại Thủ đô Hà Nội, nơi di tích, di sản được quan tâm bảo vệ bậc nhất của cả nước. Chỉ cần dạo một vòng hồ Gươm, để ý một chút sẽ thấy nhiều di sản đang bị xâm hại.
Tháp Hòa Phong, đối diện Bưu điện Hà Nội bị viết, vẽ lên đủ câu chữ, hình thù kì dị, theo kiểu “đánh dấu, lưu danh”, giống như “Tôn Ngộ Không đã đến đây chơi một lần”. Bốn góc tháp Hòa Phong bị phủ kín bởi những dòng chữ viết bằng bút sơn trắng, thậm chí người ta còn dùng cả vật nhọn để khắc lên cột tháp.
Những dòng chữ chồng chéo lên nhau, mực cũ chưa khô, mực mới lại đã xuất hiện. Từ chân tháp Bút, đài Nghiên phía ngoài đền Ngọc Sơn đến tháp chuông nhà Thái Học thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng cùng chung cảnh ngộ. Dẫu được bảo vệ bằng rào bao quanh và có biển báo cấm viết, vẽ nhưng tất cả vẫn không tránh được sự “phấn khích” của những khách tham quan thiếu ý thức.
- Vẽ bậy lên di tích ở Nhật Bản có thể bị tù đến 5 năm
- Cảnh sát tỉnh Tottori (Nhật Bản) đang truy tìm người khắc chữ lên tường, bệ đá cổ thuộc khu di tích Yonago, tòa thành có niên đại hàng trăm năm. Trong các ngày 26 và 30/10, nhân viên khu di tích đã tìm thấy chữ viết bằng tiếng Nhật và Latinh nguệch ngoạc trên các bệ đá. Đó là các ký tự “A”, “HÀO” cùng hai ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên một phiến đá. Các hình vẽ gây hư hỏng một diện tích có chiều dài 70cm và rộng 40cm. Dù chưa có kết luận chính thức, nhưng nếu bị bắt, nghi phạm có thể ngồi tù 5 năm và chịu phạt hành chính 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng.
Tìm hiểu thêm mới thấy, tình trạng viết vẽ bậy lên di tích lan truyền khắp nơi từ Bắc chí Nam. Thời điểm bùng phát “bệnh dịch” này chính là dịp lễ hội. Nếu đến thăm Thành nhà Mạc (Lạng Sơn), chắc hẳn du khách sẽ thấy buồn khi người thiếu ý thức không chỉ viết vẽ bậy lên tường, lên tượng… mà còn khắc cả lên lá những cây… dứa dại.
Tượng thánh cũng không tha, khi bức tường bao chân tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc (Hà Nội) cũng chi chít những lời tỏ tình, lưu danh, nguyện thề thủy chung son sắt của giới trẻ…
Cố đô Huế với hàng nghìn di tích, di vật của vương triều Nguyễn cũng không tránh khỏi tầm ảnh hưởng của “bệnh dịch” này. Từ bức tường rêu phong, đến cội cây già bên đền đài cổ kính đều bị chạm khắc. Tiêu biểu là đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ. Lòng chuông giống như một chiếc bảng, chật kín dòng chữ cầu an, nguyện cầu tình yêu. Nhiều người quan niệm rằng, mong muốn điều gì ghi lên chuông, khi tiếng chuông phát ra sẽ đến tai chư Phật và mong ước sẽ thành sự thật. Vấn nạn “vẽ bậy” kéo vào đến Sơn Trà (Đà Nẵng), đến cả di tích kiến trúc tháp Chăm - Tháp Đôi (Bình Định).
Tháp Hòa Phong bên Hồ Gươm cũng chi chít những dòng chữ và hình vẽ bậy |
Trông người lại ngẫm đến ta
Trước nạn viết, vẽ bậy, hầu hết ban quản lý các di tích đều né tránh trách nhiệm, cho rằng, lực lượng bảo vệ, thanh tra của họ còn quá thiếu, không đủ để ngăn chặn. Cách duy nhất vẫn đang được áp dụng rộng rãi là treo biển cấm và kêu gọi ý thức tự giác của du khách. Năm 2017, TP Hà Nội đã ban hành bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng gồm 4 chương, 14 điều, định hướng những việc nên làm và không nên làm tại những điểm công cộng trong đó có quy định về tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường.
Tuy nhiên, việc thực hiện những quy tắc này cũng còn chưa cụ thể và cần có lộ trình thực hiện. Giám đốc Trung tâm Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội Lê Xuân Kiêu cho biết, để “tuyên chiến” với “bệnh dịch này” tại di tích đã cho lắp đặt camera giám sát ở một số vị trí thiết yếu. Đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo nếu phát hiện tái phạm sẽ “cấm không cho vào di tích”.
Phải khẳng định rằng viết, vẽ bậy lên di tích là hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 1 và 2, Điều 13 của Luật Di sản văn hóa nghiêm cấm các hành vi: Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa. Tại Điều 7 của Luật nêu rõ, người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 23 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP nêu rõ hơn, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Sau đó, người vi phạm phải thực hiện hành vi khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định tại Điểm a, Điều 9 của Nghị định trên.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt như thế còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Với các di tích cấp quốc gia đặc biệt, hoặc các bảo vật quốc gia nên bổ sung hình phạt xử lý hình sự, nếu nghiêm trọng phải phạt tù...