Theo mục tiêu của Đề án đề ra là nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên (HS, SV) trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy; ngăn chặn không để tệ nạn ma túy xâm nhập vào trường học, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy.
Đề án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2020” phấn đấu 100% các trường học tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các thành viên trong nhà trường về phòng, chống tệ nạn ma túy, tác hại của tệ nạn ma túy; 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tệ nạn ma túy cho các thành viên và gia đình HS, SV; 100% các trường học không để phát sinh người nghiện mới.
Ngoài ra Đề án cũng nêu ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để các cơ sở GD, các trường học thực hiện. Theo đó, các cơ sở GD, các trường học tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các ban, ngành và đoàn thể trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý trong trường học.
Tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống ma túy cho thành viên trong trường học trên các trang web, cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác; tổ chức mít tinh, tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, thi sáng tác các tác phẩm tuyên truyền về phòng, chống ma tuý; phát triển, hỗ trợ hoạt động hiệu quả của câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma tuý” theo các cụm trường nhằm tuyên truyền về các tác hại của ma túy, cách phát hiện và phòng tránh nghiện ma túy đến các thành viên trong trường học và gia đình SH, SV ở các khu vực trọng điểm về tệ nạn ma tuý.
Hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, tài liệu tuyên truyền phục vụ hoạt động của câu lạc bộ đối với các trường học thuộc khu vực kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực trọng điểm về tệ nạn ma tuý; phát triển, bồi dưỡng đội ngũ hạt nhân tuyên truyền về GD phòng, chống ma tuý.
Phát triển, bồi dưỡng đội ngũ hạt nhân tuyên truyền về GD phòng, chống ma tuý; Lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma tuý trong chương trình và hoạt động GD của các cấp học, trình độ đào tạo; tích hợp nội dung GD phòng, chống ma tuý trong chương trình chính khoá.
Bên cạnh đó, xây dựng chương trình GD phòng, chống ma tuý thông qua các hoạt động ngoại khoá; sửa đổi, bổ sung tài liệu GD phòng, chống ma tuý trong trường học; Tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho nhà giáo giảng dạy các nội dung về chuyên môn, nghiệp vụ phòng, chống ma tuý và phương thức tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho cán bộ thực hiện công tác phòng, chống ma tuý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội trong trường học; kiểm tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tệ nạn ma tuý và công tác phòng, chống ma tuý tại các trường học.
Ngành GD cần phối hợp với ngành Công an, ngành LĐ-TB&XH, ngành Y tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê danh sách thành viên trong trường học có liên quan đến tệ nạn ma tuý để xử lý theo quy định của pháp luật. Các trường học phối hợp với gia đình và địa phương tổ chức cai nghiện đối với các trường hợp thành viên trong trường học nghiện ma tuý.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra sức khoẻ người học theo định kỳ và kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện sớm thành viên trong trường học liên quan đến tệ nạn ma tuý; phát hiện sớm thành viên trong trường học có nguy cơ liên quan đến ma tuý và tư vấn, giúp đỡ kịp thời...