Ngăn cản hay ủng hộ trẻ nuôi thú cưng?

GD&TĐ - Nhiều em nhỏ có tình yêu rất lớn với thú cưng. Xuất phát từ tình yêu đó, không ít cha mẹ coi thú cưng là phần thưởng cho những thành tích đặc biệt của con.

Ảnh minh hoạ: INT.
Ảnh minh hoạ: INT.

Phần thưởng xứng đáng

Câu chuyện được anh chủ cửa hàng thú cưng chia sẻ trên một fanpage những người nuôi thú cưng rằng: “Cậu bé Sun là hàng xóm ở kế bên nhà mình rất yêu thích chó mèo. Nhưng bố mẹ Sun không ủng hộ việc nuôi thú cưng vì điều kiện chưa cho phép. Với Sun, sở hữu một “bạn 4 chân” là niềm ao ước. Sáng nào trước khi đi học cậu cũng sang nhà mình cưng nựng chú cún và hai bé mèo rồi mới đi.

Đến chiều tối, cậu bé đi phụ bố bán quán cơm về, tắm rửa, ăn cơm xong rồi lại xin phép mẹ qua chơi với các bé chó mèo, tay cầm theo một ít xương thịt, cá mà cậu xin đồ thừa ở nơi làm để cho chúng.

Đã có lần mình nhã ý muốn tặng lại cậu bé một con mèo để nuôi nhưng cậu nói: “Anh cứ cho em sang chơi với các bạn là tốt lắm rồi. Bố mẹ em hứa nếu học tốt và biết vâng lời thì sang năm bố mẹ sẽ tặng cho một bạn thú cưng mà em thích nhất”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình, giảng viên khoá học “Happy parents” cho biết: “Mình rất thiện cảm với trẻ con biết yêu thương và chơi đùa nhẹ nhàng với động vật. Cho thấy trong trẻ sẽ hình thành được cảm xúc, đồng cảm, quý mến và xem động vật là người bạn. Nuôi thú cưng giúp trẻ sống tình cảm hơn từ đó dành sự quan tâm và tình cảm của mình với mọi người nhiều hơn, cũng là cách để trẻ học tập và phát triển những kỹ năng của mình”.

Phần lớn trẻ em chọn đồ chơi, đồ ăn hay quần áo đẹp làm phần thưởng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những em bé đã biết dành thành quả phấn đấu rèn luyện của mình để được quyền chăm sóc cho một động vật nhỏ thường rất tình cảm và trách nhiệm. Bởi con đã có chút ý thức về ước muốn của mình nên cha mẹ không nên ngăn cản mà hãy ngầm ủng hộ con.

Tuy nhiên, cần “giao kèo” với con tiêu chuẩn rõ ràng khi nào sẽ được nhận phần thưởng và hình dung quá trình chăm sóc thú cưng thế nào để việc này được duy trì tốt đẹp, không làm ảnh hưởng đến xung quanh.

Có thể nói, tình bạn giữa trẻ con và thú cưng là một sự gắn kết đáng yêu nhất trên đời. Chọn cho con một người bạn thú cưng, bên cạnh dạy trẻ việc trân trọng tình bạn và yêu thương loài vật còn là cách cha mẹ giúp con hình thành và rèn luyện tinh thần trách nhiệm nơi trẻ. Bởi nuôi một bạn thú cưng không đơn giản chỉ là việc thêm một thành viên trong nhà.

Thế nên, cha mẹ hãy xác định con mình có thật sự yêu thích và khả năng của con có đủ để chịu trách nhiệm chăm sóc người bạn này không. Tuy nhiên, đừng ép buộc trẻ phải nuôi thú cưng vì cha mẹ muốn. Khi chắc chắn rằng con đã sẵn sàng, cha mẹ hãy cùng con lựa chọn xem thành viên mới của gia đình là con vật gì.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

“Hợp đồng” khi nuôi thú cưng

Chị Hải Yến, biên tập viên nhà xuất bản chia sẻ, trong đợt giãn cách một chị đồng nghiệp mình phát động phong trào nuôi ba ba thú cưng. Để được nuôi ba ba, hai cậu con trai của chị vô cùng hào hứng dù phải vượt qua nhiều vòng thử thách của mẹ như: Ăn ngoan, tự học, dọn dẹp phòng, hoà thuận không cãi nhau… Chị Hải Yến cũng đưa ra ngay từ đầu một loạt những chữ “nếu” để cần thiết sẽ thu hồi quyền nuôi ba ba khi con vi phạm nguyên tắc.

Theo bác sĩ thú y Trần Văn Nên, Phòng khám thú y Hưng Yên, cha mẹ nên chuẩn bị trước cho trẻ về cách chăm sóc và cách cư xử, hành vi nếu muốn trẻ nhận được đầy đủ lợi ích của việc nuôi thú cưng. Khi một vật nuôi mới về nhà, hãy để thời gian cho trẻ làm quen. Đồng thời, cha mẹ cần quan sát cẩn thận hành vi của cả hai đặc biệt với những chú chó hay mèo đảm bảo cả hai bên không quá cáu kỉnh hay nóng giận.

Một cách để cho trẻ thích những người bạn bốn chân là để trẻ tiếp xúc với vật nuôi của bạn bè hoặc người thân trước khi mua một con vật về nhà.

Trước khi mua hoặc cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi của người khác, cha mẹ hãy chắc chắn trẻ phải dịu dàng. Hãy dạy trẻ cách nhẹ nhàng vuốt ve động vật, đảm bảo trẻ biết được rằng không nên cấu véo, giựt đuôi hay làm phiền các con vật khi chúng ăn hoặc ngủ. Và cũng cần chuẩn bị tâm lý, không nên tin tưởng bé sẽ tuân theo những quy tắc trên, do đó cần luôn để mắt tới con mọi lúc.

Với những trẻ dưới 12 tuổi thường không ý thức được những hành động khi chơi cùng thú cưng. Trong một số trường hợp, trẻ có thể vô tình gây thương tích và tổn thương tinh thần cho thú cưng mà không biết. Vì thế, hãy luôn bên cạnh mỗi khi trẻ chơi cùng thú cưng để hướng dẫn và đảm bảo cả con và người bạn thú cưng đều an toàn, vui vẻ.

Người lớn có thể ý thức được việc chịu trách nhiệm chăm sóc thú cưng nhưng trẻ em thì không. Do đó, cha mẹ hãy dần hướng dẫn trẻ cách quan sát thú cưng đang muốn gì, cần vệ sinh chỗ ở cho thú cưng, thú cưng ăn những đồ ăn gì. Cha mẹ có thể tặng trẻ một quyển sổ ghi chép những điều cần làm và cách làm để nuôi thú cưng. Vì vậy, qua mỗi lần tiếp xúc với thú cưng, cha mẹ có thể giúp trẻ hoàn thiện cách chăm sóc thú cưng hơn, dần dần trẻ có ý thức rõ hơn về hành động của mình và biết cách nuôi dưỡng tình bạn với thú cưng.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh - Công ty tham vấn, tư vấn trị liệu tâm lý Mạnh Linh school psychology: “Phần thưởng cho quá trình phấn đấu dài hơi của trẻ là một con thú cưng hoàn toàn xứng đáng và cần nhận được sự ủng hộ từ cha mẹ. Chăm sóc thú cưng sẽ khiến trẻ không dành thời gian cho chơi game, xem tivi hay những việc lướt web vô ích khác. Thay vào đó, trẻ sẽ tham khảo cách chăm sóc thú cưng. Hoặc vừa chơi với người bạn bốn chân vừa ôm cuốn sách yêu thích”.

“Một điều cần làm trước khi mang thú nuôi về nhà là đảm bảo vật nuôi đã được tiêm phòng các loại vắc-xin cần thiết. Và việc chăm sóc sức khoẻ vật nuôi cũng giống như việc chuẩn bị y tế trước khi có con, cha mẹ cần tìm hiểu về dịch vụ chăm sóc y tế hoặc bác sĩ thú y để chăm sóc cho vật nuôi khi cần thiết”, bác sĩ thú y Trần Văn Nên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.