Nhiều đêm, anh đứng chôn chân dưới cổng nhà chị, ngóng lên khung cửa sổ quen thuộc, chờ đợi một câu trả lời thỏa đáng, nhưng chiếc rèm cửa cũng chẳng hề động đậy.
Chị ngồi một mình trong phòng, lạnh lùng và dứt khoát. Người đàn ông chị sắp lấy làm chồng không phải người chị yêu, nhưng lại là người con rể đủ tốt trong mắt bố mẹ chị.
Trở thành vợ của người đàn ông ấy, chị có tất cả những thứ mà dường như người phụ nữ bình thường nào cũng mong muốn. Bố mẹ chồng chị đều cao tuổi nhưng họ rất giàu, một vài người nói với chị: "Ông bà ý có mấy ngôi nhà đang cho thuê, rộng lắm. Mày cố gắng đối xử tốt với họ, sau này tất cả sẽ là của mày hết".
Chị không phải người tham của, bản thân chị cũng có công việc tốt, chị có thể tự kiếm tiền nuôi bản thân, nhưng muốn con cái sau này có tương lai ổn định thì khoản thừa kế vô cùng quan trọng.
Nhìn ra xung quanh, những đứa bạn cùng lứa với chị "cố sống cố chết" kết hôn với mối tình đầu để rồi ôm nhau sống trong cảnh khó khăn, con cái nheo nhóc, thiếu thốn đủ thứ, chị rùng mình. Nhìn lại bản thân, chị thấy yên tâm vô cùng bên một người chồng chín chắn. Chị tin, ở bên nhau lâu, tình yêu ắt sẽ tới. Sự ổn định mới là yếu tố làm nên thứ tình cảm bền vững.
Chị dành năm đầu tiên trong hôn nhân để chăm sóc cho thứ "tình yêu không biết bao giờ sẽ tới" ấy, bên cạnh đó, chị cống hiến hết sức cho công việc để có được một vị trí ổn định trong xã hội, chị muốn trở thành một phụ nữ hoàn hảo trong mắt người khác.
Kỷ niệm 1 năm ngày cưới cũng là lúc chị thông báo với chồng và bố mẹ chồng rằng chị đã mang trong mình một thiên thần bé bỏng.
Con trai đầu lòng chào đời trong vòng tay yêu thương của gia đình. Kết thúc 6 tháng nghỉ sinh, chị tràn đầy năng lượng để trở lại với công việc. Con trai ở nhà được bà nội chăm sóc chu đáo khiến chị yên tâm phần nào. Nhưng về sau này, chị nhận ra cách dạy dỗ và bao bọc quá mức của bà khiến con trai chị trở thành một đứa trẻ nhút nhát, sợ đủ thứ. Xung đột giữa mẹ chồng - nàng dâu bắt đầu nhen nhóm.
Càng thành công trong công việc, chị càng muốn khẳng định vai trò quan trọng của mình trong gia đình, nhất là khi chồng chị bỗng nhiên mắc phải căn bệnh lạ, anh không thể làm việc được nữa, suốt ngày quanh quẩn trong nhà điều trị bệnh và giúp vợ chăm sóc con cái.
Ở nhà được khoảng 2 năm, chồng chị dần thay tính đổi nết. Từ một người đàn ông hiểu chuyện, anh ta bỗng trở thành một kẻ đa nghi và dễ nổi nóng.
Mỗi lần thấy chị xúng xính váy áo ra khỏi nhà, anh ta dường như phát điên lên: "Cô đi với thằng nào?". Thấy chị khóc tấm tức, mẹ chồng khuyên: "Người vợ tốt là người luôn biết cảm thông với chồng. Muốn tre ấm bụi thì hai đứa nên sinh thêm con".
Chị sinh đứa con thứ 2 với mong muốn hàn gắn những vết rạn đang lớn dần trong mối quan hệ với chồng. Nhưng khi chị vừa trở lại với công việc, cuộc sống gia đình càng trở nên rối rắm hơn. Mẹ chồng chị bị tai biến phải nằm một chỗ, sức khỏe của bố chồng cũng giảm nhiều.
Bệnh lạ của chồng chị đã khỏi nhưng anh ta không chịu đi làm vì đã quen thói ỷ lại. Tiền thu được từ căn nhà cho thuê, chị dồn hết vào việc thuê ô sin chăm sóc mẹ chồng và 2 đứa con. Chồng chị ở nhà cả ngày nhưng không giúp vợ được việc gì, anh ta chỉ thích bới móc những chuyện không hề có thật: "Cô có chửa với thằng nào thế?".
Tan tầm, chị về nhà mà không khác gì bước vào địa ngục. Tiếng người già quát mắng, tiếng con trẻ kêu khóc, tiếng đập phá đồ đạc của người chồng bất mãn với cuộc đời khiến chị có thể nổi điên bất cứ lúc nào. Nhưng vì sĩ diện của bản thân, chị gắng chịu đựng. Trong mắt người thân và đồng nghiệp, chị chưa bao giờ là kẻ thất bại.
Chị từng nghĩ, nếu cuộc sống không thể tệ hơn nữa, vì con, chị vẫn tiếp tục cố gắng. Nhưng chồng chị ngày oái oăm hơn. Hễ thấy chị về nhà là anh ta đòi tiền: "Tiền thuê nhà đâu rồi? Cô đưa cho tôi ngay". Chị gào lên: "Anh suốt ngày ở nhà thì cần gì đến tiền? Anh xem, tôi đã dồn hết tiền để thuê người chăm sóc bố mẹ anh, thuê người đưa đón con anh đi học, rồi còn tiền chợ búa, thuốc men... Anh còn muốn gì nữa? Cả nhà anh đang bóc lột sức lao động của tôi, anh không biết à?".
Anh ta điên một thì chị điên gấp mười lần. Trong lúc thiếu kiềm chế, chị đã nhắn tin cho một người bạn: "Tôi khổ quá bà ạ...". Người bạn ấy khuyên: "Bà cần giải thoát cho chính mình và những đứa trẻ". Chị không trả lời dòng tin nhắn ấy, cũng như bao lần khác, hễ nghĩ đến ánh mắt thương hại của những người xung quanh, chị thà chịu đựng thêm chút nữa...