Công chức Nga sẽ phải báo cáo về mọi “nickname”, các trò chuyện (“chat”) và kể cả các “like” của mình trên mạng xã hội.
Đúng 6 năm trước đây, ngày 23/6/2016, trong chuyến thăm trụ sở hãng Twitter tại California (Mỹ), Tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev đã lập một tài khoản trên trang mạng xã hội phổ biến toàn cầu này và chính thức “khai trương” trào lưu “chơi mạng xã hội” trong giới quan chức nước nhà.
Song kể từ ngày 1/7 tới đây, ông cùng với hơn 1,5 triệu công chức và quan chức nhà nước Nga sẽ phải báo cáo về mọi “nickname”, các trò chuyện (“chat”) và kể cả các “like” của mình trên tất cả các trang mạng xã hội.
Theo luật mới “ra lò” ngày 22/6/2016, Hạ viện Nga quy định tất cả các công chức cấp quốc gia và thành phố, thậm chí các ứng cử viên vào vị trí này, đều phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan về những thông tin mình đăng tải trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn và các phần mềm “chat”, cũng như có nghĩa vụ phải cho phép lãnh đạo kiểm tra các thông tin đó.
Quy định chỉ đề cập đến các thông tin công khai và thông tin cho phép nhận diện cá nhân đăng tải. Công chức đã vào biên chế thì phải báo cáo trước ngày 1/4 hàng năm. Còn các ứng cử viên trước khi được tuyển dụng phải báo cáo về hoạt động của mình trên các trang mạng xã hội trong ba năm gần nhất. Những người từ chối cung cấp thông tin sẽ có thể bị sa thải hoặc không được tuyển dụng.
Các tác giả của luật mới chỉ ra rằng việc người đại diện của lãnh đạo có quyền tiếp cận thông tin trên internet không chỉ giúp họ ra quyết định tuyển dụng hay không tuyển dụng công chức, mà còn giảm thiểu các rủi ro tham nhũng và đảm bảo tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Trong những năm gần đây, hoạt động của quan chức Nga trên các trang mạng xã hội đã không ít lần trở thành đề tài chỉ trích của công luận. Một số vụ scandal trên mạng thậm chí đã kết thúc bằng các quyết định từ chức.
Đơn cử như vụ cựu Thống đốc tỉnh Tver đã đăng lên Twitter một bức ảnh từ buổi chiêu đãi tại Điện Kremlin chụp con sâu trong đĩa ăn. Ngay lập tức, Trợ lý Tổng thống Sergey Prikhodko đã đề nghị sa thải ông này vì “kém thông minh”. Thực tế, ông thống đốc cũng đã không tại vị lâu sau bức ảnh phản cảm đó.
Một “post” trên Facebook khác cũng đã khiến cho phó Thống đốc tỉnh Orlov phải mất ghế. Dịp Năm mới 2015 ông này đăng bức ảnh chụp tại khách sạn ở thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng của Séc Karlovy Vary và chú thích: khách sạn này có món “gan ngỗng tuyệt vời”. Tấm ảnh đã gây ra phản ứng dữ dội từ công chúng và ông này buộc phải đệ đơn từ chức.
Một lý do khác của những người phản đối thú “chơi phây (facebook)” của quan chức là họ dành quá nhiều thời gian làm việc cho việc đăng tải và bình luận trên mạng xã hội. Đó là trường hợp của Thứ trưởng Bộ In ấn Nga. Tính số lượng các “post” của ông này trong ngày có thể thấy rõ ông hoàn toàn không còn thời gian để làm việc.
Lãnh đạo Hội đồng Chiến lược quốc gia Nga Valery Khomiakov cho rằng sáng kiến “khai báo tài khoản internet” nằm trong xu thế “nâng cao kỷ luật” trong cả nước. Song ý kiến khác cho rằng luật khó có thể có hiệu lực trong thực tế. Ví dụ, để theo dõi hoạt động của công chức trên mạng xã hội sẽ cần phải thành lập một cơ cấu riêng, và đây là việc bất khả thi trong điều kiện hiện nay.
Thêm vào đó, làm gì trong thời gian rảnh rỗi là việc riêng của công chức, không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Còn về thói nghiện mạng xã hội trong thời gian làm việc thì dù có ra luật cũng làm sao cản được các công chức – “con nghiện” này tiêu phí thời gian được chi trả từ tiền đóng thuế để lướt Facebook, Twitter, Vkontakte, Odnoklassniki v.v. dưới những cái “nick” giả?