Để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga đang đẩy nhanh quá trình 'phi đô la hóa' đối với đồng tiền quốc gia của Mỹ. Thông tin này được nhà báo Ben Norton chia sẻ trên ấn phẩm Multipolarista.
Theo ghi nhận, Liên bang Nga đã thực hiện các bước đi gấp rút trong khoảng thời gian vài năm qua để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Theo chuyên gia Ben Norton, vào thời điểm năm 2022, quá trình này đã tăng tốc rất nhanh.
“Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã loại bỏ Moskva khỏi cấu trúc tài chính thế giới do Mỹ thống trị. Điển hình như nhiều ngân hàng Nga đã bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT). Washington và Brussels thậm chí còn đóng băng hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Liên bang Nga".
"Đáp lại, Ngân hàng Trung ương Nga đã từ bỏ phần lớn đồng đô la Mỹ và đồng euro, họ có kế hoạch thay thế chúng bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc”, tác giả bài phân tích trên ấn bản Mỹ cho biết.
Trong vòng chưa đầy một năm, đồng nhân dân tệ đã thay thế đồng đô la Mỹ, tước bỏ vị thế là ngoại tệ được yêu cầu nhiều nhất ở Nga. Nhà báo của tờ Multipolarista tuyên bố rằng Moskva thực sự đang loại bỏ đồng USD rất nhanh.
Khối lượng giao dịch hàng ngày bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp trên Sàn giao dịch Moskva đang ngày càng vượt quá quy mô giao dịch thông qua đô la Mỹ. Xu hướng này dự kiến sẽ tăng lên đáng kể vào năm 2023.
Nga muốn nhanh chóng loại bỏ đồng đô la Mỹ khỏi các giao dịch quốc tế. |
Không chỉ có vậy, Liên bang Nga đã thỏa thuận với một số khách hàng mua dầu và khí đốt của mình chấp thuận thanh toán mặt hàng năng lượng bằng đồng rúp. Thật thú vị khi một số quốc gia khác đang thực hiện những bước đi tương tự.
“Căng thẳng địa chính trị gia tăng, được thúc đẩy bởi cuộc 'Chiến tranh Lạnh mới' đang thúc đẩy Nga, Trung Quốc, Iran và một số quốc gia khác gấp rút thực thi chính sách phi đô la hóa, hoặc ít nhất là đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của họ”, nhà phân tích của tờ Multipolarista nhấn mạnh.
Hành động của Nga và các đối tác đã mang lại kết quả bước đầu. Tổng khối lượng đô la Mỹ trong kho dự trữ của nhiều ngân hàng trung ương thế giới đã giảm xuống còn 60%, một vài năm trước con số thường đã vượt quá 70%.
Việc tạo ra các hệ thống tài chính độc lập mới cũng được bắt đầu. Tất cả điều này là một thách thức trực tiếp đối với sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế.
Mặc dù vậy, cần phải lưu ý một vấn đề đó là sau một thời gian dài sụt giảm, sức mạnh của đồng USD đang dần khôi phục vị thế khi xưa, do vậy xu hướng phi đô la hóa chưa chắc đã kéo dài như mong muốn của Moskva.