Phân hóa các trường trong khu vực
Vấn đề ở chỗ số liệu thống kê chính thức không lưu ý tới sự phân hóa sâu sắc giữa các trường ở những thành phố lớn và nông thôn, sự khác nhau giữa các khu vực. Nếu như ở Moskva và Saint-Petersburg, tỉ lệ cạnh tranh việc làm đối với một vị trí giáo viên rất lớn, thì ở các tỉnh Amur, Pskov, Tver, tình hình hoàn toàn khác.
Theo bà Irina Abankina, Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục thuộc Đại học Nghiên cứu - Đại học Kinh tế cao cấp Moskva, vấn đề này trở nên bức xúc ở những nơi tỷ lệ cư dân nông thôn cao. Ngoài ra, số liệu thống kê chính thức không đề cập tới thời gian làm việc của giáo viên.
Nhiều người làm việc 22 - 24 giờ/tuần, còn định mức là 18 giờ. Nghĩa là về mặt hình thức thì nhu cầu tuyển dụng đã được đáp ứng, nhưng giáo viên làm việc nhiều hơn định mức.
Ví dụ, Trường Phổ thông Pokrovskaya ở quận Dolinsk, tỉnh Sakhalin chỉ có hơn 100 học sinh và 20 giáo viên. Khoảng 1/3 số giáo viên dạy vượt định mức. Bà Ludmila Pankratova, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện chúng tôi thiếu giáo viên địa lý, nhưng chưa tìm được người. Chỉ có một lối thoát. Giống như trường hợp môn Toán, Vật lý, các giáo viên bộ môn này dạy 25 giờ/tuần, nghĩa là vượt định mức 1/3”.
Thiếu GV ngoại ngữ
Tỉnh Penza gặp khó khăn nghiêm trọng về giáo viên ngoại ngữ. Mặc dù ở đây trong vòng ba năm đầu tiên, giáo viên trẻ được nhận 35.000 rúp/tháng (khoảng 12,6 triệu VND), song hai năm nay tại làng Batrak, người ta không tìm được giáo viên tiếng Anh. Không gì có thể thu hút được sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ về nông thôn, kể cả hệ số lương khu vực lẫn những ưu đãi khác.
Cho dù, lương giáo viên ở nông thôn Nga khá cao, hơn 22.000 rúp/tháng (khoảng 8 triệu VND), ngoài ra còn các khoản phụ cấp khác. Vấn đề chính là không có nhà ở cho giáo viên trẻ. Nếu họ biết rằng sau khi làm việc một thời gian nào đó, sẽ được phân nhà, có thể không xảy ra tình trạng thiếu cán bộ. Mà không có nhà ở thì họ biết sống ở đâu?
Bộ Giáo dục Nga chỉ rõ rằng, giáo viên ngoại ngữ ở nông thôn là một trong những vị trí nhạy cảm nhất trong các trường phổ thông Nga. Ở Daghestan, hiện nay thiếu 219 vị trí như vậy. Vì sao? Hàng năm dân số khu vực tăng gần 30.000 người, đó là một con số kỷ lục. Ở Daghestan, cộng hòa
Buryatia và Chechnya cho đến nay có gần 10.000 học sinh đang học ca ba. Tình trạng này phải được chấm dứt vào năm 2024. Nhà nước sẽ xây thêm trường mới và sửa chữa các trường cũ. Nghĩa là cần thêm nhiều giáo viên. Lấy đâu ra?
“Đối với các trường nông thôn cần đào tạo giáo viên đa năng có thể dạy một lúc nhiều môn khoa học tự nhiên (ví dụ: Lý và Hóa) hoặc xã hội nhân văn. Trên thế giới, nhiều nước đã làm như vậy. Ví dụ, ở Đức giáo viên có thể vừa dạy tiếng Đức vừa dạy thể dục. Nhưng để tạo ra những thay đổi như vậy cần hiện đại hóa một cách căn bản hệ thống đào tạo sư phạm.
Ngoài ra, cần phát triển sự tương tác của mạng lưới các trường phổ thông bằng việc hợp tác với giáo viên các trường bạn. Mua sắm xe ô tô buýt mới cho nhà trường. Ví dụ: Ở vùng Perm, chính quyền đia phương đã cho giáo viên thành phố thuê ô tô để họ về giúp đỡ các trường nông thôn - bà Irina Abankina cho biết thêm.
Ngoài ra, các chuyên gia đặt nhiều hy vọng vào dự án quốc gia “Môi trường giáo dục số hóa” do Bộ Giáo dục điều hành. Đến năm 2024, ở các trường phổ thông nông thôn phải xuất hiện Internet tốc độ cao, sẽ xây dựng trường điện tử Nga với cơ sở giáo dục trực tuyến khổng lồ, phòng thí nghiệm, bài thực tập ảo. Đây sẽ là một chỗ dựa vững chắc cho các thầy giáo.
Tiết học tiếng Nga ở trường nông thôn vùng Daghestan |
Chính sách cho giáo viên
Hiện nay, hầu như tất cả các khu vực ở Nga đều có dự án giáo viên nông thôn. Ví dụ, ở vùng Kalmykia, các giáo viên mới ra trường được trợ cấp một lần 100.000 rúp (khoảng 36 triệu VND). Ở tỉnh Sakhalin, các cán bộ trẻ được hưởng phụ cấp “nông thôn” 25%, trình độ đại học 20% và các khoản khác.
Trong vòng ba năm đầu tiên, họ được nhận 40% phụ cấp thêm vào lương lấy từ ngân sách tỉnh. Còn ở tỉnh Rostov, so với giáo viên thành phố, giáo viên nông thôn được nhận thêm 25% lương với khối lượng công việc như nhau. Ngoài ra, chính quyền thành phố còn thanh toán hộ các dịch vụ công cộng cho gia đình có giáo viên. Bạn có thể đến làm việc từ thành phố, và các khoản ưu đãi vẫn giữ nguyên.
“Ở trường chúng tôi, lương trung bình của giáo viên khoảng 28.000 rúp (khoảng 10,1 triệu VND), đối với nông thôn mức lương ấy là tốt. Giáo viên có thâm niên nhận nhiều hơn, gần 35.000 rúp (khoảng 12,6 triệu VND). Giáo viên trẻ thu nhập18.000 rúp (khoảng 6,5 triệu VND).
Khối lượng công việc khác nhau, một số người nhận 1,6 định mức. Nhưng vì ở trường chúng tôi 100% học sinh học 2 ca nên thực hiện điều này không khó. Ví dụ, có thể dạy 3 giờ ở ca thứ nhất và thêm 2 giờ ca thứ hai. Đó là một công việc hoàn toàn khả thi” - ông Igor Malinochka, Hiệu trưởng Trường Phổ thông ở Kuleshovka, quận Azov, tỉnh Rostov, cho biết.
Có thể giúp đỡ gì nữa cho giáo viên? Ví dụ, xây căn hộ hoặc nhà trẻ ngay trong trường. Mới đây Bộ trưởng Bộ Giáo dục LB Nga Olga Vasilyeva vừa đến thăm một trong những ngôi trường như vậy với 28 học sinh ở làng Khakasya rất xa xôi. Trường mới được khánh thành vào tháng 6 năm nay. Tất cả các bạn trẻ vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Abakan đều trở về quê hương mình làm việc.
“Đây là một dự án tuyệt vời. Trường có thể được gọi là “hai trong một”. Trong một tòa nhà có căn hộ dành cho giáo viên do chính quyền thành phố cung cấp, nhưng tất cả giáo viên làm việc ở đây đều có căn hộ của mình, vì vậy chính quyền quyết định xây một nhà trẻ nhỏ tại tòa nhà này.
Chúng ta đã có dự án “Bác sĩ nông thôn”, còn “Giáo viên nông thôn” thì chưa. Ý tưởng này đã được thảo luận từ lâu. Tuy nhiên, sẽ không đúng nếu với ai chúng ta cũng vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp rằng mời bạn đến với chúng tôi và nhận căn hộ, xe hơi…
Những khu vực không có điều kiện như vậy thì sao? Làm gì? Đất nước chúng ta rất rộng lớn và mỗi chủ thể liên bang Nga có những đặc điểm khí hậu, lãnh thổ riêng. Vì vậy, trước mắt mỗi khu vực cần chủ động quan tâm tới đội ngũ giáo viên của mình” – Bộ trưởng Olga Vasilyeva nhấn mạnh.