Nga sẽ "buông" Tổng thống Syria Bashar Assad?

Nga sẽ "buông" Tổng thống Syria Bashar Assad?

(GD&TĐ) - Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, của chiến sự kéo dài và  khốc liệt tại Syria, các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ cùng đại diện đặc biệt của LHQ Lakhdar Brahimi đã gặp nhau tại Geneva nhằm thảo luận về tương lai của Syria. Mặc cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng cuộc gặp này không có nghĩa rằng sự ủng hộ của Moskva đối với Tổng thống Syria Bashar Assad sẽ giảm đi, nhưng với các nhà phân tích phương Tây  có vẻ như Moskva đang có dấu hiệu "buông" Bashar Assad.

Syria và cuộc chiến truyền thông

The Guarian đưa tin, cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng đặc phái viên của LHQ về Syria diễn ra trong không khí hết sức căng thẳng. Những thông tin về chiến sự tại Syria liên tục báo về. Nào là quân chính phủ đang ra sức đánh bật quân nổi dậy ra khỏi thủ đô Damascus, nào là quân nổi dậy đã chiếm được một phần thành phố có ý nghĩa chiến lược- Aleppo.

Ấy là chưa kể các thông tin từ tình báo Mỹ cho thấy quân chính phủ Syria đang có dấu hiệu sử dụng vũ khí hóa học...

Còn trước đó vài ngày, cuộc đàm đạo giữa Thổng thống nga V.Putin và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul đã không đưa ra được bước đột phá lớn nào, nhưng theo các quan chức Thổ, Moskva đã thừa nhận rằng Tổng thống Bashar Assad, người được Moskva hỗ trợ trong 12 năm qua khó có thể giữ chính quyền được lâu hơn nữa.

Trong bối cảnh ấy, Báo Pháp Le Mond đặt câu hỏi: Liệu nước Nga, một đồng minh cuối cùng của chế độ Damascus có thay đổi quan điểm của mình? Trong những tuần gần đây, khi phiến quân Syria giành lại những vị trí quan trọng, Kremlin đã hành xử thận trọng hơn- Bình luận viên Marie Zhego nhận định- V.Putin cũng không có phản ứng mạnh mẽ khi NATO đặt tên lửa Patriot trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Như vậy, Nga đang ở tư thế sẵn sàng thực hiện "những bước đột phá" khi cần thiết- Marie Zhego kết luận.

Sự suy yếu của chính quyền Bashar Assad liên quan đến những thắng lợi gần đây của quân nổi dậy đã rộ lên những suy đoán rằng Moskva muốn chuyển đến đồng minh lâu năm một thông điệp: Giờ là lúc phải ra đi- Patrick J. McDonnell viết trên The Los Angeles Times.

Cuộc gặp giữa Sergey Lavrov và Hillary Clinton ở Geneva không có bước đột phá
Cuộc gặp giữa Sergey Lavrov và Hillary Clinton ở Geneva không có bước đột phá

Chúng tôi không bàn về số phận của Bashar Assad. Tất cả mọi nỗ lực đều nhằm mục đích ngăn cản phương Tây bóp méo tình hình ở Syria- Serrgey Lavrov cam kết. 

Sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga V.Putin sẽ đi những bước đầu tiên trên con đường xa rời Bashar Assad- The Los Angeles Times khẳng định. Moskva không muốn trở thành đối tượng bị công kích nếu tiếp tục ủng hộ Bashar Assad- Andrew Tabler, một chuyên gia về Syria khẳng định.

Và quan điểm của người Nga

Trước sau như một, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định rằng Nga đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ ở Geneva không có nghĩa rằng Nga thừa nhận Bashar Assad phải ra đi. Ngoại trưởng Nga lên án Washington phao tin rằng Nga đã thay đổi quan điểm về Syria. Ngoại trưởng Nga cho rằng, Nga ngồi vào bàn đàm phán tại Geneva không có ý nào khác ngoài việc phải nhanh chóng chặn đứng đổ máu ở Syria.

Bình luận về những thông tin đăng tải trên báo chí phương Tây, Fedor Lukyanov- Tổng biên tập tạp chí "Nước Nga trong chính sách toàn cầu" cho rằng ông không nhìn thấy bất cứ sự thay đổi nào. "Nga không bảo vệ chế độ Syria mà chỉ bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế"- Fedor Lukyanov khẳng định. Còn Tổng thống Nga V.Putin cho rằng phương Tây đang đổ dầu vào lửa, không đánh giá được hậu quả những hành động gần đây của họ và không có chiến lược rõ ràng. Nga nhắc đi nhắc lại rằng không có ý định bảo vệ chính quyền Bashar Assad nhưng kiên quyết giữ quan điểm rằng chuyện của người Syria phải do chính người Syria giải quyết- Dmitry Peskov- Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Vậy là đã rõ, người Nga không “buông” Bashar Assad như báo chí phương Tây đồn đoán. Nói như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng bà không nghĩ những gì diễn ra ở Geneva là bước đột phá. Tuy nhiên, Hillary Clinton vẫn khăng khăng khẳng định rằng tương lai của Syria không có tên Bashar Assad. Cuộc gặp ở Geneva chỉ thổi lên niềm hy vọng về một khả năng hợp tác Nga-Mỹ nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu với tình hình Syria. Và tất cả chỉ có vậy. Cuộc khủng hoảng ở Syria đã bước sang tháng thứ 21 và tương lai của nó vẫn chưa được đoán định. Súng vẫn nổ, máu vẫn chảy và các cường quốc vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để chặn đứng cuộc chiến dai dẳng này.

Anh Phương (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ