Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Nga, Valery Falkov, cho biết hệ thống giáo dục đại học quốc gia mới sẽ chính thức được triển khai vào đầu năm 2023. Điều này đồng nghĩa Nga sẽ loại bỏ tiến trình Bologna, sáng kiến cải cách giáo dục đại học của các nước châu Âu từ năm 1999.
Ông Falkov cho biết: “Hiện nay, Bộ đã thành lập nhiều nhóm công tác, là hiệu trưởng các trường đại học, các nhà khoa học... để xây dựng mục tiêu và nguyên tắc cho hệ thống giáo dục đại học quốc gia mới. Kế hoạch sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào tháng 10”.
Nhiều chuyên gia dự đoán hệ thống mới sẽ dựa trên nguyên tắc 2 + 2 + 2, tạo cơ hội linh hoạt cho sinh viên tiếp cận cơ hội giáo dục đại học. Theo đó, hai năm đầu đại học, sinh viên sẽ trau dồi các kiến thức nền tảng, còn hai năm tiếp theo học chuyên ngành. Hai năm cuối là các khóa học cấp cao để nângcao kiến thức chuyên ngành.
Với hệ thống này, sinh viên Nga có thể chọn chuyên ngành đào tạo từ năm thứ 3.
Ông Andrei Fursenko, Trợ lý của Tổng thống Nga, cựu Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục Nga, là một trong những người khởi xướng cải cách. Ông nhận định: “Hệ thống mới sẽ mang lại hiệu quả và tính linh hoạt hơn. Hiện, một số cơ sở giáo dục Nga đã sẵn sàng thử nghiệm sáng kiến này”.
Đại diện của các trường đại học hàng đầu của Nga tin rằng, việc chuyển đổi sang hệ thống mới sẽ góp phần tăng cường tiềm lực nghiên cứu và giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học trong nước.