Thiện chí từ 2 phía
Suốt 3 năm trở lại đây, Pháp luôn tích cực ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chống Nga liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine; đồng thời thể hiện rõ lập trường “đối đầu” Nga trong các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề Syria. Quan hệ Nga – Pháp có lúc đã căng thẳng tới mức Tổng thống Putin hủy chuyến thăm Pháp hồi tháng 10/2016 sau khi Tổng thống Pháp Hollande lúc đó tuyên bố sẽ chỉ là chuyến thăm đơn thuần bàn về vấn đề Syria.
Mối quan hệ băng giá Nga – Pháp và lớn hơn là Nga – EU gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các phía. Về phía Nga, thiệt hại hàng trăm tỉ USD khi nền kinh tế rơi vào suy thoái trầm trọng. Về phía EU, trừng phạt thương mại Nga khiến mất đi hàng trăm ngàn việc làm và thiệt hại lớn kinh tế. Đặc biệt Pháp là một trong 4 nước EU bị ảnh hưởng nặng nhất, mất gần 150.000 việc làm và kinh tế giảm 0,5%, trong đó ngành nông nghiệp thiệt hại nhất.
Chuyến thăm Pháp của Tổng thống Nga không lâu sau khi ông Macron đắc cử cho thấy Nga mong muốn “phá băng” quan hệ tới cỡ nào - nếu biết rằng ông Macron có quan điểm độc lập nhất với Moscow so với các ứng cử viên Tổng thống Pháp trong chiến dịch tranh cử vừa qua (ứng cử viên Fillon bị tiếng là làm ăn với Nga, còn bà Le Pen bị cáo buộc nhận tiền từ Nga). Trong trường hợp khai thông bế tắc với Pháp, Nga cũng sẽ cải thiện quan hệ với EU.
Còn với Pháp, tân Tổng thống trẻ tuổi Macron cũng sẽ coi cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Pháp là cơ hội không thể tốt hơn để “ghi điểm” trong giai đoạn đầu nhiệm kì dẫn dắt nước Pháp. Phá băng quan hệ giúp giảm thiệt hại kinh tế trong nước, đồng thời ông Macron cũng thể hiện vai trò đưa Moscow trở lại quỹ đạo đối thoại với châu Âu.
Tiếng nói chung yếu ớt
Rõ ràng cả 2 nhà lãnh đạo đều có thiện chí cho cuộc gặp này nhưng kết quả “khai thông” đến đâu lại là một vấn đề khác bởi có quá nhiều rào cản mang tính căn nguyên.
Cuộc hội đàm kéo dài 3 tiếng đồng hồ tại điện Versailles, Tổng thống Putin nhìn nhận là “khó khăn” nhưng “thẳng thắn”. Ông Putin cho biết: “Chúng tôi tìm quan điểm chung đối với những vấn đề nghị sự quốc tế và tôi tin rằng chúng tôi có thể làm được, ít nhất là bắt đầu ngồi lại cùng nhau giải quyết những vấn đề chính”. Tổng thống Putin nhấn mạnh mặc dù vẫn có quan điểm khác biệt, đã có sự tiếp cận tương đồng về nhiều vấn đề.
Đặc biệt vấn đề chống khủng bố - 2 phía tìm được tiếng nói chung lớn nhất. Ông Putin đã nói rõ vai trò của Nga tại Syria với Tổng thống Pháp trong khi nhấn mạnh rằng chủ nghĩa khủng bố không thể bị đánh bại nếu phủ nhận vai trò nhà nước tại những quốc gia tồn tại xung đột (đề cập tới việc phản đối phương Tây muốn lật đổ chính phủ cầm quyền tại Syria - ND). Đáp lại, Tổng thống Macron khẳng định Nga có vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề trên thế giới. “Không có vấn đề lớn nào trên thế giới có thể được giải quyết mà không có Nga” – ông Macron nói. Ông Macron cũng nói rõ rằng Pháp quan tâm tới tăng cường hợp tác với Moscow, đặc biệt hướng tới chấm dứt xung đột tại Syria. Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng một giải pháp cho vấn đề như vậy chỉ có thể là giải pháp chính trị. Ông Macron cũng nhấn mạnh rằng đập tan tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS là một “ưu tiên tuyệt đối” với Pháp và đó chính là một trong những lí do tăng cường hợp tác với Nga.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Pháp diễn ra trong bối cảnh còn nguyên bất đồng mang tính gốc rễ nhiều vấn đề. Vì vậy thống nhất quan điểm chống khủng bố dù chỉ là tiếng nói chung yếu ớt – nhưng cũng có thể là điểm sáng thổi ấm dần lên quan hệ Nga – Pháp, Nga – EU trong thời gian tới.