Theo đó, các nước NATO đang cân nhắc khả năng mở rộng lực lượng phòng thủ tên lửa của liên minh, nguyên nhân là do việc chấm dứt Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn giữa Mỹ và Nga.
Trước hết, NATO sẽ tập trung tăng cường lực lượng phòng thủ tên lửa của Ba Lan và Romania nhằm tăng khả năng chiến đấu của các vũ khí này trong cuộc chiến chống lại các tên lửa hành trình của Nga.
Được biết, việc tăng cường khả năng kỹ thuật của các tổ hợp Aegis Ashore đã được thực hiện ở Romania. Những hệ thống này cũng sẽ được triển khai ở Ba Lan cùng với việc lắp đặt các radar bổ sung. Mặc dù các cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn còn ở giai đoạn ban đầu, tuy nhiên, những thay đổi có thể sẽ sớm được phê duyệt trong năm nay.
Theo các thông tin được cung cấp, dự thảo luật liên bang về việc đình chỉ Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn đã được Tổng thống Nga đệ trình lên Duma Quốc gia vào ngày 30/5 năm nay. Vào ngày 18/6, nó đã được thông qua bởi phiên họp của Quốc hội Nga và vào ngày 26/6, dự luật đã được Hội đồng Liên bang phê chuẩn.
Trước đó, Mỹ đã tuyên bố đình chỉ việc thực hiện Hiệp ước INF khi cho rằng, tầm bắn của tên lửa 9M729 do Nga chế tạo đã vi phạm thỏa thuận. Washington đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu Nga loại bỏ những tên lửa này. Về phần mình, Moscow đã từ chối các điều khoản của tối hậu thư, nhấn mạnh rằng Nga vẫn đang tuân thủ các điều khoản của hiệp ước.
Theo các chuyên gia, Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung INF rất quan trọng vì các tên lửa với tầm bắn này có khả năng tiếp cận mục tiêu chỉ trong vòng vài phút, khác với các tên lửa đạn đạo liên lục địa phải cần nhiều thời gian hơn để tấn công.