Nga có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung

GD&TĐ - Duma Quốc gia Nga đã thông qua dự luật về việc dừng thực hiện Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) giữa Liên Xô và Mỹ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vào ngày 30/5, dự luật này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình lên Duma Quốc gia. Tài liệu nhận được sự ủng hộ của Ủy ban về các vấn đề quốc tế, Ủy ban an ninh và Ủy ban quốc phòng.

Tổng thống được trao quyền quyết định gia hạn thỏa thuận "nếu tình hình thay đổi và Mỹ quay trở lại để thực hiện nghĩa vụ của mình", Chủ tịch Duma Quốc gia, ông Vyacheslav Volodin nói.

Hội đồng Liên bang cho biết, các thượng nghị sĩ dự định sẽ xem xét dự luật tại một cuộc họp vào ngày 26/6.

Được biết, Hiệp ước về loại bỏ các tên lửa tầm trung (các tên lửa có tầm bắn từ 1 nghìn đến 5,5 nghìn km) và tầm ngắn (từ 500 đến vài nghìn km) là một thỏa thuận giữa Liên Xô và Mỹ, được ký vào năm 1987. Các bên cam kết sẽ tiêu hủy tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mặt đất với phạm vi được chỉ định, đồng thời không sản xuất, không thử nghiệm và không triển khai chúng trong tương lai.

Vào tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Washington sẽ rời khỏi Hiệp ước INF với lý do Moscow không tuân thủ những nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, phía Mỹ không đưa ra bằng chứng cho thấy Nga vi phạm Hiệp ước.

Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cho Moscow 2 tháng để trở lại hoàn thành các điều khoản của thỏa thuận. Cụ thể, Mỹ đã yêu cầu Nga từ bỏ tên lửa 9M729 (SSC-8). Theo Washington, tầm bắn của tên lửa này đã vi phạm các quy định của INF.

Moscow cho rằng những cáo buộc của Mỹ là không có cơ sở, đồng thời nhấn mạnh, Nga chưa chế tạo và thực hiện vụ thử tên lửa nào với phạm vi vượt quá giới hạn của thỏa thuận.

Hồi tháng 2, Nga tuyên bố ngừng tuân thủ các nghĩa vụ của Hiệp ước INF nhằm đáp trả các hành động tương tự từ phía Mỹ.

Theo Ria.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ