Nga: Học nghiên cứu xã hội từ trường phổ thông

GD&TĐ - Ở trường phổ thông Nga, môn nghiên cứu xã hội trước đây được gọi là Giáo dục công dân. Đây là môn học dựa trên những kiến thức, quan điểm, phương pháp của không phải một, mà nhiều khoa học. 

Một tiết học ở trường trung học phổ thông Nga
Một tiết học ở trường trung học phổ thông Nga

Bài viết sau đây của TS Triết học Nga Elena Bryzgalina bàn về vấn đề giảng dạy môn nghiên cứu xã hội nói riêng và những khó khăn của việc giảng dạy các môn khoa học xã hội nhân văn nói chung ở Nga hiện nay.

Tính chất liên môn

Cơ sở của việc giảng dạy khoa học xã hội ở trường phổ thông là các kiến thức trong lĩnh vực triết học, xã hội học, chính trị học, kinh tế, luật và tâm lý xã hội. Chính sự độc đáo và đồng thời là cái khó của môn học được xác định bởi tính chất liên môn này.

Do nghiên cứu xã hội dựa vào các khoa học khác nhau, nên cấu trúc chương trình giảng dạy của nó ở trường trung học khá phức tạp. Từ lớp 5 - 7, việc giảng dạy khoa học xã hội giúp học sinh tìm hiểu các thiết chế chủ yếu mà người học đã biết, ví dụ như thiết chế gia đình. Tiếp theo, học sinh được biết xã hội là một hệ thống, trong đó có những thành phần chủ yếu – hệ thống con hay những lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở giai đoạn này, học sinh nghiên cứu các lĩnh vực xã hội: Kinh tế, chính trị, tinh thần, những vấn đề đạo đức và pháp luật như những phương thức chính điều chỉnh hành vi của con người trong các lĩnh vực này.

Ở lớp 10 và 11, môn nghiên cứu xã hội thay đổi chút ít. Con người trở thành trung tâm của việc giảng dạy. Ví dụ, con người trong hệ thống các mối quan hệ kinh tế, trong hệ thống các thể chế chính trị... Nghĩa là, nội dung của giảng dạy khoa học xã hội không chỉ gắn liền với sự phức tạp ngày càng tăng.

Hiện nay, ngành GD Nga còn bàn luận về nhiệm vụ chuẩn hóa chương trình giảng dạy các khoa học khác nhau. Nhưng do tính chất đặc thù, việc chuẩn hóa giảng dạy môn nghiên cứu xã hội cực kỳ phức tạp, bởi ở đây đặt ra mức độ và thời lượng nội dung các môn triết học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học.

Môn học được nhiều học sinh lựa chọn

Nghiên cứu xã hội hiện nay là môn học đứng đầu trong số những môn được học sinh tốt nghiệp phổ thông lựa chọn tại kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và vào đại học ở Nga. Bởi vì nhiều chuyên ngành đại học được ưa chuộng đòi hỏi kết quả của môn nghiên cứu xã hội. Ví dụ, năm 2014, hơn một nửa số học sinh tốt nghiệp lớp 11 ở Mátxcơva đã lấy nghiên cứu xã hội làm môn tự chọn.

 Cái khó của việc giảng dạy môn nghiên cứu xã hội cũng như các môn xã hội nhân văn khác chính là mâu thuẫn tồn tại không phải trong nhà trường, không phải trong giáo trình, mà trong đời sống chúng ta, mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm

Một trong những nhiệm vụ cấp bách có nội dung phong phú trong lĩnh vực giảng dạy khoa học xã hội cho học sinh phổ thông là thực hiện phương pháp tổng hợp liên môn. Do các chủ đề được nghiên cứu trong các giáo trình khoa học xã hội ở trường phổ thông rất phong phú, nên có điều kiện thu hút kiến thức, thu hút kinh nghiệm hàng ngày của học sinh vào việc thảo luận những vấn đề rất khác nhau, tạo ra mối liên hệ giữa nghiên cứu xã hội và môn văn, nghiên cứu xã hội và môn sử. Vì vậy, việc giảng dạy khoa học xã hội không thể được coi là hoàn toàn gói gọn trong khuôn khổ môn nghiên cứu xã hội.

Trong giảng dạy môn nghiên cứu xã hội hiện nay, xuất hiện những vấn đề rất bức thiết mà học sinh phải đối mặt bên ngoài nhà trường. Ví như thông tin từ TV, trên báo chí, trên Internet...

Không thể nói văn hóa đại chúng là hoàn toàn xấu, nhưng phải thừa nhận rằng, những yêu cầu về lối sống được áp đặt bởi các chuẩn mực của văn hóa đại chúng mâu thuẫn với những gì mà người giáo viên truyền thụ trong chương trình môn nghiên cứu xã hội ở nhà trường. Những lý tưởng do các tổ chức phi chính thức áp đặt dễ tiếp thu hơn những gì được trình bày trên cơ sở các kiến thức khoa học xã hội.

Môn nghiên cứu xã hội như bất cứ môn khoa học xã hội nhân văn nào, được chuyển tải thông qua văn bản, lời nói. Vai trò của lời nói rất quan trọng. Nhưng nếu như lời nói và hành động trái ngược nhau thì phần lớn mọi người trong cuộc đời sẽ tuân theo những gì họ nhìn thấy qua việc làm, chứ không phải lời nói. Vì vậy, cái khó của việc giảng dạy môn nghiên cứu xã hội cũng như các môn xã hội nhân văn khác chính là mâu thuẫn tồn tại không phải trong nhà trường, không phải trong giáo trình, mà trong đời sống, mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm.

Giáo dục chuyên ban và nghiên cứu xã hội

Học sinh ngày nay rất khó tập trung trong giờ học
Học sinh ngày nay rất khó tập trung trong giờ học 

Nhà trường phổ thông Nga đang áp dụng thí điểm giáo dục chuyên ban. Đối với HS lớp 11, môn nghiên cứu xã hội có thời lượng giảng dạy là 70 giờ. Đối với nhà trường chuyên ban hay lớp chuyên ban, thời lượng giảng dạy môn học này lên tới 105 giờ. Ngoài ra, học sinh có thể học thêm các phần của nghiên cứu xã hội như kinh tế và luật.

Hiện nay thường xuất hiện những cuộc tranh luận về việc có nên duy trì sự đa dạng của các khoa học mà môn nghiên cứu xã hội dựa vào không. Ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến về việc thay thế chương trình khoa học xã hội tích hợp bằng chương trình dựa trên một môn học, ví dụ như luật hay giáo dục công dân. Đồng thời các lập luận đưa ra khá nghiêm túc: Đào tạo người công dân của đất nước thì phải bổ sung kiến thức về pháp luật của đất nước đó hơn là cho HS học về sự đa dạng của các mô hình hệ thống chính trị. Như vậy, nội dung, chương trình môn nghiên cứu xã hội vẫn đang tiếp tục được cải tiến cho phù hợp với thời cuộc.

Theo Báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ