Nga chủ động chuẩn bị trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ

GD&TĐ - Các nhà phân tích cho biết, việc Nga lấp đầy kho bạc của nhà nước để tạo ra khoản dự trữ ngoại tệ 200 tỷ USD nhằm chống lại các mối đe dọa tương lai, chẳng hạn các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, là bước đi thận trọng, nhưng các nhà phân tích cho rằng Moscow sẽ phải chịu thiệt hại về tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế nước Nga đang phục hồi và tự tin về tăng trưởng trước những biện pháp trừng phạt kinh tế
Kinh tế nước Nga đang phục hồi và tự tin về tăng trưởng trước những biện pháp trừng phạt kinh tế

Tăng dự trữ, thắt chặt hầu bao

Với giá dầu cao, Nga đã dần trích xuất doanh thu từ xuất khẩu chính của mình sang Quỹ Tài chính quốc gia (NWF). Nga cũng đã tăng thuế ngành công nghiệp dầu mỏ, tăng thuế giá trị gia tăng, và - trong một động thái gây tranh cãi của Điện Kremlin - tăng mạnh tuổi lương hưu.

Bộ Tài chính Nga tin rằng, những thay đổi này sẽ tăng gần gấp bốn lần quy mô của NWF, lên 14.200 tỷ rúp (tương đương 216,1 tỷ đô la) hoặc 12% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2021. Con số này gần bằng 16,9% GDP mà chính phủ có kế hoạch chi tiêu trong năm 2021.

Các nhà phân tích nói chiến lược tiết kiệm của Nga được đặt ra trong kế hoạch ngân sách 2019 - 2021, theo cách vô cùng thận trọng. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo chiến lược này chỉ có thể phát triển tốt khi nền kinh tế ổn định, và sẽ là thách thức lớn đối với Tổng thống Vladimir Putin về mục tiêu đưa nước Nga gia nhập năm nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2024; chưa kể, chiến lược tiết kiệm cũng cho thấy Điện Kremlin đang lo lắng về nhiều biện pháp trừng phạt hơn.

“Điều này là tốt cho ngân sách và quan điểm ổn định tài chính, nhưng là điều xấu đối với quan điểm phát triển kinh tế” - Vladimir Tikhomirov, nhà kinh tế của ngân hàng BCS cho biết - “Dự trữ (ngoại tệ và vàng) sẽ tăng trưởng nhanh chóng, nhưng đồng thời sẽ có ít tiền hơn có thể được sử dụng để đổi mới nền kinh tế”.

Điện Kremlin không giấu việc họ có kế hoạch vay tiền để tài trợ cho các dự án phát triển, hơn là sử dụng tiền từ NWF. Điều đó cho thấy tiền đầu tư sẽ rất hạn chế.

Nước Nga tự tin

“Đó là một chính sách ngân sách thực sự khó khăn” - Alexandra Suslina, một nhà kinh tế với nhóm chuyên gia tư vấn kinh tế Nga, nhận định - “Không có nhiều sự tích cực ở đây, không có cảm giác rằng một tương lai tươi sáng đang chờ đợi chúng ta, ngoại trừ trong một dự báo kinh tế vĩ mô”.

Các quan chức Nga đã cởi mở về mong muốn tích trữ tiền mặt của họ, phòng trường hợp nền kinh tế bị tác động bởi một cú sốc bên ngoài, chẳng hạn những biện pháp trừng phạt mới (với những dấu hiệu đang ngày càng thấy rõ từ Mỹ) hoặc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.

Sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần sẵn sàng giúp Nga tự tin. Andrei Makarov, người đứng đầu Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Nga, cho biết: “Lần đầu tiên trong nhiều năm, chúng tôi đang có kế hoạch công bố thặng dư ngân sách khoảng 2.000 tỷ rúp (vào năm 2019)”.

Rõ ràng điều này sẽ cho phép Nga dành đủ tiền để “bảo vệ nền kinh tế của chúng tôi khỏi bất kỳ sự tác động nào từ thị trường dầu mỏ hoặc từ bất kỳ sự trừng phạt nào từ các lệnh trừng phạt có thể được áp dụng đối với Nga” - Makarov nói – “Tất cả các nghĩa vụ xã hội của chính phủ sẽ được đáp ứng và tôn trọng ngân sách mà không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố nào bên ngoài”.

Rút ra bài học

Chiến lược tích trữ ngoại tệ của Nga được thiết kế để tránh lặp lại tình cảnh năm 2014, khi Mỹ và các nước phương Tây đưa ra các đòn trừng phạt kinh tế do Nga sáp nhập Crưm và cáo buộc can thiệt vào Ukraine. Khi ấy, đồng rúp lao dốc không phanh. Ngân hàng Trung ương đã phải tiêu tốn một phần ba trữ lượng để cố gắng giảm thiểu tác động. Nền kinh tế Nga lao đao một thời gian ngắn, trước khi ổn định lại và bắt đầu tăng trưởng vào năm ngoái. Bài học được rút ra và từ đó, NWF ra đời.

Kirill Tremasov, cựu quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế Nga và hiện là người đứng đầu nghiên cứu tại Loko-Invest, cho biết kế hoạch xây dựng NWF.

Ngân hàng Trung ương Nga đã ước tính tăng trưởng GDP có thể đạt 1,7% trong năm tới, đạt 2,3% năm 2020 và 3% vào năm 2021, trên cơ sở đã tính toán các tác động từ bên ngoài. Một số trong số đó dự kiến sẽ được cung cấp bởi một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, do Tổng thống Putin thúc đẩy, dự kiến chi tiêu 13.000 tỷ rúp trong sáu năm.

Điều đó sẽ được tài trợ một phần bằng cách bán trái phiếu nội địa của OFZ (trái phiếu cho vay liên bang có lãi suất phát hành, do chính phủ Nga cấp). Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, Điện Kremlin dường như không mong đợi các công ty tư nhân giúp thúc đẩy tăng trưởng như trong quá khứ. Thay vào đó, chính phủ dường như xem doanh nghiệp lớn là nguồn cung và nơi dự trữ nguồn vốn quốc gia.

Tất nhiên các nhà kinh tế sẽ không thích điều này. Họ cũng đang chờ đợi sự tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy nhiều hơn, thay vì thắt lưng buộc bụng, nhưng bù lại, xếp hạng tín dụng của Nga có thể được hưởng lợi.

Cụ thể cơ quan xếp hạng Moody"s, vốn đã hạ cấp xếp hạng tín dụng của Nga sau vòng cấm vận đầu tiên từ phương Tây hồi năm 2014, vào tuần trước đã tuyên bố cân nhắc việc tăng chỉ số xếp hạng tín dụng lên cấp khuyến khích đầu tư vào năm tới, nếu Moscow giữ quyền kiểm soát tài chính chặt chẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ