Nga: Các trường ĐH đua thăng hạng quốc tế

GD&TĐ - Số liệu thống kê cho thấy, hơn 2/3 du học sinh đến Nga là từ các quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Các trường ĐH Nga đang đẩy mạnh thu hút sinh viên quốc tế nhằm tăng thứ hạng quốc tế cũng như xây dựng “sức mạnh mềm”…

Nga: Các trường ĐH đua thăng hạng quốc tế

Lợi nhuận chỉ là thứ yếu

Khoảng 283.000 sinh viên quốc tế học tại các trường ĐH của Nga trong năm ngoái, đưa Nga trở thành thị trường lớn thứ 6 về số lượng du học sinh, chỉ xếp sau Mỹ, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Pháp và Australia - theo số liệu mới công bố của Viện Giáo dục quốc tế.

Con số trên tăng gấp 4 lần so với thời điểm 2001 - 2002, khi chỉ có khoảng 72.000 sinh viên quốc tế du học tại Nga. Riêng trong khoảng thời gian từ 2014 - 2015 đến 2015 - 2016, mức tăng đạt 13%. Đây là mức tăng nhanh nhất so với bất cứ thị trường du học nào.

Tuy nhiên, 69% trong tổng số du học sinh này đến từ Azerbaijan, Belarus và các quốc gia thành viên khác thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập - mà trước đây thuộc Liên bang Xô Viết, với khoảng 10.000 sinh viên từ các nước thuộc Liên Xô cũ nhận học bổng từ Nga - theo phân tích của Alena Nefedova, nhà nghiên cứu tại Đại học Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Moscow.

Về mục đích thu hút sinh viên quốc tế, “Nga không đặt mục tiêu vì tiền mà là để tăng sức mạnh mềm và ảnh hưởng thông qua giáo dục” - bà Nefedova nhận xét. “Các trường đại học Vương quốc Anh và Mỹ thu hút sinh viên quốc tế vì lợi nhuận nhưng các trường đại học công của Nga thu hút sinh viên quốc tế theo định hướng của chính phủ” - bà Nefedova nói.

Ví dụ, một nghiên cứu năm 2014 với 540 trường đại học có sinh viên nước ngoài - cho thấy chính xác một nửa số trường nói trên không thu được học phí từ nhóm du học sinh - Nefedova chỉ ra - Tổng thu nhập thu được từ số sinh viên quốc tế đóng học phí cũng chỉ ở mức 63,4 triệu USD - tức khoảng 269.000 USD.

Cho dù nguồn thu khá ít ỏi - lĩnh vực xuất khẩu giáo dục Nga vẫn thu hút tổng cộng khoảng 6 triệu sinh viên - các trường đại học Nga vẫn miệt mài thu hút sinh viên quốc tế bởi điều đó giúp cải thiện các chỉ số quốc tế hoá được sử dụng trong xếp hạng các trường ĐH toàn cầu - với trường có thứ hạng cao sẽ nhận được ngân sách quốc gia nhiều hơn.

“Đó là một cuộc đua thứ hạng - các trường càng thăng hạng thì càng nhận được nhiều tiền hơn từ chương trình 5 - 100 (dự án tài trợ ngân sách của chính phủ cho các trường ĐH hướng tới mục tiêu có 5 trường ĐH Nga nằm trong tốp 100 trường đại học hàng đầu thế giới)” - Nefedova nói.

Mở rộng cửa đón du học sinh

Chính phủ Nga mới đây đã chấp thuận kế hoạch tăng thêm 50.000 chỉ tiêu cho sinh viên quốc tế tới học các trường ĐH của Nga.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Lyudmila Ogorodova cho biết: “Chúng tôi đã phê duyệt đề xuất tăng hạn ngạch chỉ tiêu sinh viên nước ngoài trong năm nay. Các trường đại học quốc nội đã sẵn sàng tiếp nhận số lượng sinh viên tăng thêm này”.

Bộ Giáo dục cũng đã trình dự luật đơn giản hoá thủ tục visa đối với sinh viên quốc tế, theo đó sinh viên chỉ cần xin 1 visa cho cả quá trình học. Hiện tại, sinh viên phải xin thị thực riêng cho khoá dự bị đại học - trước khi xin tiếp thị thực cho giai đoạn học chính thức.

Nga cũng sẽ tăng số học bổng cho sinh viên nước ngoài từ 15.000 lên 20.000. Học bổng chính phủ này gồm cả học phí lẫn tiền tiêu vặt hàng tháng.

Dự án đầu tư 5 - 100 đã mang lại lợi ích cho giáo dục đại học Nga về nhiều mặt, như khuyến khích các trường đại học quốc tế hoá hơn và tăng năng lực nghiên cứu. Tuy nhiên, kinh phí eo hẹp từ nguồn thu học phí khiến cho chất lượng đào tạo cũng bị ảnh hưởng nhiều và nhiều cử nhân không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động châu Âu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ