Nếu muốn tự chủ tốt, công tác thanh tra, kiểm tra phải đặt lên cao hơn

GD&TĐ -   Theo ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT: Nếu muốn tự chủ tốt công tác thanh tra, kiểm tra phải đặt lên cao hơn, quan trọng hơn, thiết thực hơn trước kia rất nhiều.  

Các học viên tham dự lớp bồi dưỡng công tác thanh tra
Các học viên tham dự lớp bồi dưỡng công tác thanh tra

Chiều nay (6/9), Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ, viên chức làm công tác thanh tra nội bộ và cộng tác viên thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học. Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã đến dự và sẽ trực tiếp truyền đạt một số nội dung liên quan đến công tác này.

Các trường nên tự thanh tra, kiểm tra

Tham gia lớp bồi dưỡng có 115 học viên là cán bộ, viên chức làm công tác thanh tra và cộng tác viên thanh tra của 48 trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Nội dung bồi dưỡng gồm các các nhóm chuyên đề như:

Tổng quan về thanh tra giáo dục, thanh tra nội trong cơ sở giáo dục đại học và cộng viên thanh tra giáo dục; Kỹ năng tham gia hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học; Kỹ năng tham gia giải quyết tố cáo, kỹ năng tham gia giải quyết khiếu nại...; Kỹ năng tiếp công dân và xử lý đơn thư và thảo luận, viết tiểu luận.

Phát biểu khai mạc GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục - khẳng định: Việc mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ, viên chức làm công tác thanh tra nội bộ và cộng tác viên thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học ở thời điểm này là cần thiết. Qua đó, giúp các học viên nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác thanh tra.

"Làm thanh tra cần nắm chắc luật, bài bản, khoa học và phải có tâm, có tầm. Nếu không xử lý hoặc không xử lý tốt có thể làm hỏng cả một tổ chức" - GS.TS Phạm Quang Trung nhấn mạnh.

Phát biểu tại lễ khai giảng lớp bồi dưỡng, Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - cho biết: Nói về lịch sử thanh tra giáo dục thì đây là một dấu ấn có ý nghĩa, bởi lẽ: Chúng ta đang đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT; trong đó có hai khâu then chốt đó là đội ngũ nhà giáo và đổi mới quản lý giáo dục.

Đổi mới quản lý giáo dục đang theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở, tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản trị của các trường. Nếu muốn tự chủ tốt thì công tác thanh tra, kiểm tra phải đặt lên cao hơn, quan trọng hơn, thiết thực hơn trước kia rất nhiều.

"Khi tăng tự chủ rồi, thì một trong những giải pháp hữu hiệu là các trường nên tự thanh tra, kiểm tra; Không gì tốt hơn là tự mình quyết định ở bên trong, bần cùng lắm mới phải bên ngoài vào cuộc" - Ông Nguyễn Huy Bằng nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Huy Bằng: Trong hơn một năm qua, đã bồi dưỡng được hơn 8.000 cộng tác viên thanh tra của 48 Sở GD&ĐT.
Ông Nguyễn Huy Bằng: Trong hơn một năm qua, đã bồi dưỡng được hơn 8.000 cộng tác viên thanh tra của 48 Sở GD&ĐT.

Rất cần trang bị thêm những kỹ năng trong hoạt động thanh tra

Cũng theo ông Nguyễn Huy Bằng, trong quá trình tự chủ, nhiều cơ sở đại học chưa ý thức được vị trí, vai trò, không để ý đến việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật để làm đúng. Nhiều đơn vị không để có bộ phận giúp việc cho công tác này; do đó dẫn đến những sai phạm có thể do cố ý hoặc vô ý.

Bộ GD&ĐT đã đổi mới hoạt động thanh tra theo hướng gắn với quản lý giáo dục. Hiện nay, đối với khối phổ thông đổi mới thanh tra khá tốt, mạch lạc. Một phần là từ sự nỗ lực của họ, nhưng một yếu tố khác góp phần quan trọng đó là nhờ vào việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức thanh tra.

Riêng khối đại học, các phòng thanh tra hoạt động chưa đều, nhận thức chưa rõ, chưa chuẩn. Có trường định hướng thì đúng nhưng vẫn còn lúng túng trong cách làm và làm mang tính giám sát. Có những chỗ chưa nhận thức được thì vẫn làm theo kiểm giám sát về đào tạo là chính. Vì thế không đáp ứng được yêu cầu về đổi mới công tác quản lý.

Mặt khác, một số cán bộ thanh tra vẫn có thói quen: Ngày xưa mình không học cái này và chưa cần cái này... Một số người làm việc với tâm thế không tự tin, làm việc theo tâm lý "cài số lùi". Lý do là nhiều đồng chí khi được điều động lên phòng thanh tra cảm thấy không thỏa mái và vẫn muốn làm việc ở phòng, khoa chuyên môn.

Trước thực trạng trên, Thanh tra Bộ GD&ĐT cùng với Học viện Quản lý Giáo dục quyết tâm mở lớp tập huấn này. "Qua lớp học này, chúng tôi sẽ trực tiếp chia sẻ, truyền đạt một số nội dung liên quan đến hoạt động thanh tra. Qua đó, giúp các đồng chí có thêm những kỹ năng và bản lĩnh đối với hoạt động thanh tra.

Ngược lại, Bộ GD&ĐT cũng hiểu thêm về bức tranh toàn cảnh để tiếp tục đổi mới hoạt động thanh tra được tốt hơn. Vì thế, rất mong các học viên tranh thủ tối đa thời gian học tập và học tập nghiêm túc, hiệu quả nhất.

Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, giúp việc đổi mới quản lý của ngành Giáo dục được tốt hơn" - Ông Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh.

Được biết, chương trình tập huấn sẽ mang tính thực hành cao, thời gian bắt đầu từ hôm nay (6/9) đến hết ngày 12/9/2017. Kết thúc khóa tập huấn, học viên đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ, sau đó Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để cấp thẻ cộng tác viên thanh tra cho các học viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...