Nếu Kiev thất bại, Ba Lan sẽ đưa quân sang miền tây Ukraine?

GD&TĐ - Theo giới phân tích, Ba Lan sẽ tiến quân sang miền tây Ukraine trước khi cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine được tiến hành.

Nếu Kiev thất bại, Ba Lan sẽ đưa quân sang miền tây Ukraine?

Tổng thống Ukraine thăm Warsaw để chuẩn bị đàm phán với Nga?

Theo cựu Tư lệnh Lục quân Ba Lan là tướng Waldemar Skrzypczak chia sẻ với tờ báo Rzeczpospolita của nước này, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky có chuyến thăm chính thức tới thủ đô Warsaw của Ba Lan là để chuẩn bị trước cho các cuộc đàm phán với Nga.

Theo ý kiến của ông Skrzypczak, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã hình thành “sự bế tắc về chiến lược”, mọi diễn biến đều cho thấy rằng, thời điểm cuộc xung đột phải được chấm dứt “bằng các giải pháp chính trị” đang đến gần.

Ông nhấn mạnh rằng, tâm lý mệt mỏi ngày một gia tăng ở hàng loạt thủ đô châu Âu trước những diễn biến không như ý trong cuộc xung đột ở Ukraine cũng sẽ góp phần thúc đẩy các nhà lãnh đạo phương Tây ép buộc ông Zelensky phải ngồi xuống bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Do đó, ông Skrzypczak nhận định rằng, trong tương lai gần sẽ có những nỗ lực để tiến tới thỏa hiệp giữa Moscow và Kiev và hai bên đều muốn đạt được một thỏa thuận có lợi cho mình.

Điều quan trọng là theo quan điểm của ông Zelensky, đây không phải là chuyến tàu bí mật đến Warsaw vào ban đêm, mà là chuyến thăm chính thức của Tổng thống Ukraine tới gặp Tổng thống Ba Lan.

Trước đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng thông báo công khai rằng, ông Vladimir Zelensky có kế hoạch đến thăm Ba Lan vào ngày 5 tháng 4. Tuy nhiên, thông báo không nêu mục đích chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kiev và chương trình nghị sự của các cuộc gặp gỡ.

Chuyên gia Skrzypczak cho rằng, đây không phải là chuyến đi đầu tiên, mà chỉ là động thái đầu tiên trong một loạt các chuyến thăm viếng như vậy, sẽ diễn ra từ nay đến khi cuộc đàm phán Nga-Ukraine chính thức bắt đầu.

Theo nhận định của vị chuyên gia này, ông Zelensky cần bắt đầu tạo ra một không gian hỗ trợ chính trị xung quanh mình. Nhà lãnh đạo Kiev đã được hỗ trợ về quân sự, nhưng bây giờ, khi cuộc xung đột sắp kết thúc thì sự hỗ trợ về chính trị mới là thứ mà Tổng thống Ukraine cần.

Bình luận của vị cựu Tư lệnh Lục quân Ba Lan đã nhận được sự chú ý của đông đảo các chuyên gia và giới truyền thông. Một câu hỏi đang dấy lên là “tại sao trước thềm cuộc đàm phán giữa Nga với Ukraine, Tổng thống Vladimir Zelensky lại sang thăm Ba Lan?”.

Câu hỏi này có thể được giải đáp nếu chúng ta chú ý đến tuyên bố của Thủ tướng Hungary Viktor Orban và nhận định của ông Dalibor Rohats, thành viên cao cấp của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ trong bài báo dành cho tờ Foreign Policy.

Vì sao đàm phán với Nga mà Tổng thống Ukraine lại thăm Ba Lan?

Hôm 30/3 vừa qua, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố rằng, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần đến việc thảo luận về chủ đề “gửi lực lượng gìn giữ hòa bình nào đó” tới Ukraine, điều mà trước đây các nước EU thường tránh né đề cập đến.

Theo ông, trong các cuộc trò chuyện của các nhà lãnh đạo châu Âu, câu hỏi liệu các quốc gia thành viên EU có thể gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine đã được đề cập đến.

Mà để điều động lực lượng này thì chí ít là hai bên phải đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Mặc dù vị Thủ tướng Hungary không nêu thêm chi tiết nhưng giới chuyên gia phân tích cho rằng, mặc dù ý tưởng đó mới manh nha nhưng rất có thể điều này sẽ trở thành hiện thực.

Nếu quân đội Ukraine không giành được lợi thế nào trong cuộc phản công mùa xuân, lãng phí thêm những lô vũ khí mới mà các nước NATO mới gửi thêm thì phương Tây sẽ ép ông Zelensky phải ngồi vào bàn đàm phán với người đồng cấp Nga Putin để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, tạo cớ cho việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu.

Trước đó, một số chuyên gia quân sự đã nhận định rằng, có những dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể hậu thuẫn Ba Lan đưa quân sang quốc gia láng giềng dưới cái gọi là “Sứ mệnh hòa bình” của châu Âu, bảo vệ quốc gia láng giềng khỏi “sự xâm lược của Nga”.

Theo giới tình báo Nga, vào cuối tháng 4/2022, cái gọi là “Sứ mệnh hòa bình” của Ba Lan ở miền tây Ukraine đã được các quan chức Warsaw thảo luận với giới chức Washington và cho đến thời điểm này, các thỏa thuận sơ bộ để “hợp pháp hóa việc Ba Lan tiếp quản Ukraine” có thể đã được hoàn tất.

Nhà phân tích Dalibor Rohats hôm 01/4 cũng cho biết, kết thúc xung đột giữa Moscow và Kiev, Ba Lan và Ukraine sẽ tạo thành một Nhà nước Liên bang hoặc Liên minh, theo hình mẫu “Khối thịnh vượng chung”, mà trung tâm là Ba Lan, với một chính sách đối ngoại và quốc phòng chung.

Theo quan điểm của ông Dalibor Rohats, điều này sẽ rất có lợi khi Kiev trong chớp mắt sẽ trở thành thành viên của NATO và EU, trong khi một nhà nước Ukraine độc ​​lập sẽ phải mất nhiều thập kỷ để đạt được các tiêu chuẩn để gia nhập các khối này, hoặc là nhận được đảm bảo an ninh nào đó từ Hoa Kỳ.

Viễn cảnh một nhà nước liên minh Ba Lan-Ukraine cũng rất có lợi cho Hoa Kỳ và Tây Âu, bởi liên minh mới sẽ trở thành rào chắn tự nhiên giữa sườn phía đông của châu Âu với Nga.

Do đó, việc tìm mọi cách để đưa Ukraine vào một cơ cấu nhà nước liên minh với Ba Lan có thể được Mỹ chấp thuận, bất kể phản ứng của các thành viên NATO ở châu Âu là như thế nào.

Do đó, nhận định của cựu Tư lệnh Lục quân Ba Lan Waldemar Skrzypczak về mục đích chuyến thăm Warsaw hôm 05/4 của Tổng thống Ukraine Zelensky là để chuẩn bị trước cho các cuộc đàm phán với Nga, là hoàn toàn có cơ sở.

Theo các nhà quan sát, đây có thể là “chuyến đi tiền trạm” của nhà lãnh đạo Kiev trước khi tiến hành cuộc đàm phán với Moscow, dọn đường cho một “Sứ mệnh hòa bình” của Warsaw, trong kịch bản hợp nhất, hoặc chí ít là sáp nhập miền tây Ukraine vào Ba Lan, như các chuyên gia phân tích đã nhận định ở trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.