Tình hình Ukraine rất tệ, chính quyền Kiev đang trở nên cô độc

GD&TĐ - Theo cựu chính khách Ukraine, giới chức phương Tây đang thúc ép chính quyền Kiev phải đàm phán với Nga và đe dọa ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Tình hình Ukraine rất tệ, chính quyền Kiev đang trở nên cô độc

'Ukraine đang bị ép phải đàm phán với Nga'

Mới đây, cựu cố vấn dưới thời Tổng thống Leonid Kuchma là ông Oleg Soskin cho biết trên kênh YouTube cá nhân rằng, Kiev đang phải đối mặt với diễn biến tồi tệ nhất do bên ngoài ngày càng gia tăng sức ép đòi Ukraine phải bắt đầu đàm phán với Nga để giải quyết xung đột.

“Tình hình đang phát triển theo chiều hướng rất tồi tệ đối với Ukraine. Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới muốn có được một lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Nga” - ông Soskin nói.

Theo ý kiến vị cựu cố vấn tổng thống này, nhiều chính trị gia và chính khách châu Âu bắt đầu nhận ra rằng, việc cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn còn tiếp diễn sẽ làm tăng nguy cơ cuộc xung đột lan sang lãnh thổ châu Âu và châu Á.

Trước đó, con trai của cựu Thủ tướng Đức Willy Brandt là nhà sử học Peter Brandt đã viết một bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Olaf Scholz. Bức thư được 200 thành viên Đảng Dân chủ Xã hội ủng hộ và chỉ rõ sự cần thiết phải thúc đẩy đàm phán hòa bình để giải quyết tình hình ở Ukraine.

Những người soạn thảo thông điệp chỉ ra rằng, phần lớn người dân Đức không tán thành việc làm khơi dậy “vòng xoáy bạo lực” không có điểm cuối và cho rằng, thay vì hô hào ủng hộ chủ nghĩa quân phiệt thì các chính trị gia châu Âu nên ưu tiên sử dụng “ngôn ngữ ngoại giao và hòa bình”.

Chính quyền Kiev đã phản ứng gay gắt trước sáng kiến như vậy của các chính trị gia Đức. Cụ thể, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrei Melnik đe dọa sẽ tống tác giả bức thư Peter Brandt “xuống địa ngục” và gọi lời kêu gọi chấm dứt chiến sự là sự “suy bại”.

Thế nhưng, ngay cả ở Mỹ cũng xuất hiện nhiều ý kiến bi quan cho tương lai của Ukraine trong sự xung đột với Nga.

Theo tác giả Barry Hatton viết cho hãng Associated Press, các nước phương Tây có thể ngừng giúp đỡ chính quyền Kiev nếu Lực lượng Vũ trang Ukraine không đạt được tiến bộ trước Nga, với số lượng lớn vũ khí phương Tây đã cung cấp.

Theo ý kiến ​​​​của ông, trong những tháng tới, Ukraine cần một loạt các cuộc phản công để đạt được thành công thực sự và nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp của Hoa Kỳ, Tổng thống Volodymyr Zelensky không có cơ hội chiến thắng.

Nếu với sự trợ giúp của vũ khí do phương Tây cung cấp mà Kiev không đạt được tiến bộ trên chiến trường, các đồng minh có thể không muốn gửi thêm thiết bị đắt tiền cho ông ta và Ukraine chắc chắn sẽ thất bại.

Sự ủng hộ Ukraine đang giảm dần

Bên cạnh đó, bình luận viên Gabor Steingart của tờ Focus nhận định rằng, bất chấp những tuyên bố lớn tiếng của các chính trị gia phương Tây, Ukraine và Vladimir Zelensky đang “trở nên đơn độc”. Đó là một “sự thật bất lợi” đối với chính quyền Kiev.

Tác giả lưu ý, lời nói có thể thay đổi thế giới, nhưng chúng cũng có thể tạo ra “màn khói ngụy trang” khiến người ngoài cuộc khó thấy được mối quan hệ giữa các chính trị gia. Không thể chối cãi được sự thật bất lợi là Ukraine và tổng thống của họ đang trở nên đơn độc.

Đằng sau những “tuyên bố cao сả” của các chính trị gia phương Tây về việc ủng hộ Kiev là rất nhiều người tẩy chay lệnh trừng phạt, những người theo chủ nghĩa hòa bình, cũng như “các đối thủ chính trị” của Ukraine. Ba nhóm này khiến cho tương lai của Ukraine trở nên u ám.

Vẫn có những quốc gia và công ty vì lý do kinh tế mua hàng hóa ở Nga như trước, kể cả những mặt hàng trong diện bị trừng phạt. Ví dụ như Ba Lan tiếp tục mua dầu của Nga, châu Âu nói chung vẫn mua khí đốt của Nga và hàng hóa trong danh mục bị trừng phạt từ Nga vẫn tiếp tục đổ vào Đức.

Ngoài ra, tư tưởng hòa bình đang lan rộng khắp thế giới và những người ủng hộ đang kêu gọi nhanh chóng ký kết một lệnh ngừng bắn, dẫn tới chấm dứt xung đột bằng biện pháp phi vũ lực.

Trong khi đó, nhóm được coi là “nguy hiểm nhất” đối với Ukraine là các chính trị gia Mỹ, châu Âu và cả ở Ukraine, đang công khai phản đối việc bơm vũ khí vô tận cho Kiev.

Ví dụ, “đối thủ cạnh tranh trong phe bảo thủ” với Donald Trump là Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, cũng như chính cựu Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Họ là những người đang chỉ trích kịch liệt đương kim Tổng thống Joe Biden vì đã bỏ qua lợi ích của đất nước và mối bận tâm của chính người dân nước mình để ủng hộ Ukraine.

Ông đưa ra một kết luận là sự ủng hộ của các chính khách phương Tây và công chúng ở những nước này dành cho Ukraine đang giảm dần. Càng ngày theo thời gian thì giới lãnh đạo nước này sẽ càng trở nên cô độc hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.