Tất cả khiến chúng tôi ngỡ ngàng, tưởng đang lạc vào chốn cổ xưa khi vừa đặt chân đến. đó là làng cổ Hội Kỳ (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).
Nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử
Truyền thuyết còn lưu lại rằng, dân làng Hội Kỳ có nguồn gốc từ làng Hạ Cờ thuộc huyện Vĩnh Linh. Ông tổ của các họ: Nguyễn Văn, Dương Quang, Ngô Văn, Dương Văn và Trần là lớp dân cư đến sớm mở đất, lập làng vào nửa sau thế kỷ 16; điểm cư trú và sản xuất ban đầu ở tại Bụi Bậy (Hải Hòa). Bụi Bậy là vùng đất thấp trũng, hàng năm bị lũ lụt đe dọa, không đảm bảo cho việc định cư lâu dài nên dân làng quyết định ngược dòng Ô Lâu và định cư tại vùng quê Hội Kỳ hiện nay. Quá trình này diễn ra vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Hiện nay, ở Bụi Bậy vẫn còn lưu lại cồn đình của làng. Trong quá trình khai hoang, lập làng, dân làng Hội Kỳ đã tạo nên cảnh quan khá đẹp mắt và trù phú.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làng Hội Kỳ chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Dân làng đã cùng với quân dân cả nước đứng lên đấu tranh giải phóng vì hòa bình, độc lập dân tộc. Nhiều người dân làng Hội Kỳ can trường, không tiếc máu xương, không đầu hàng, khuất phục trước kẻ thù, mà luôn đấu tranh hết mình, sẵn sàng hi sinh để đất nước hòa bình, thống nhất, nhân dân hạnh phúc. Năm 1975, đất nước thống nhất, người dân Hội Kỳ được đoàn tụ, cùng nhau xây dựng quê hương.
Ai đã từng một lần đặt chân đến vùng quê Hội Kỳ, hẳn đều có cảm giác thật gần gũi, thân thuộc. Đi khắp ngôi làng cổ này, cảm giác thật khoan khoái khi tận mắt chứng kiến, cảm nhận vẻ đẹp hình bóng quê nhà xưa hòa quyện trong đời sống hiện đại hôm nay. Dòng Ô Lâu vẫn chảy mãi không ngừng, tạo nên điểm nhấn quan trọng cho bức tranh “xanh”. Ngôi làng xanh, bởi có những rặng tre xanh ngắt, những hàng dừa tàu xanh được cắt tỉa cẩn thận tạo thành những hàng rào tuyệt đẹp của mỗi gia đình, “ngăn mà không cách”.
Đi sâu vào bên trong bức tường xanh ấy là những hàng cau cao vút, những vườn cây ăn quả mướt mắt… Nhưng, lôi cuốn nhất là con đường làng với một bên là dãy nhà rường mà chủ nhân đều mang họ Dương, nằm giữa những khu vườn nhiều tầng cây cối xanh tươi; một bên là dãy tre ngà rợp bóng, chạy dài theo con sông Ô Lâu uốn lượn quanh co...
Dẫn chúng tôi đi quanh làng, trưởng thôn Dương Văn Cho cho biết: Làng Hội Kỳ hiện có hơn 50 ngôi nhà có rường gỗ trong số 110 nóc nhà của làng. Trong đó có khoảng 20 nhà cổ (sáu nhà ba gian hai chái và 14 nhà một gian hai chái) chạm khắc công phu. Ông Kitani Kenta - chuyên viên nghiên cứu Viện Di sản thế giới của UNESCO, Đại học Waseda, Nhật Bản từng nhận xét: “Những ngôi nhà rường ở Hội Kỳ mà tôi biết quá đẹp, cực kỳ tinh xảo với tay nghề thực hiện rất cao. Đó là giá trị nổi bật rất cần phải quảng bá. Theo tôi, nhìn chung các cung điện ở Huế không đạt độ tinh xảo, chi tiết như những ngôi nhà rường. Điều này có thể do cung điện có quy mô lớn hơn nhà dân, song đây cũng là điều rất thú vị...”.
Không chỉ hệ thống nhà rường, ông Cho còn “khoe” với chúng tôi về hệ thống đền, miếu, nhà thờ họ dày đặc và cổ kính của làng. Trong bốn ngôi nhà thờ họ thì có đến ba là nhà rường cổ rất đẹp hướng ra sông, của họ Dương Quang, Dương Văn và Nguyễn Văn trong làng...
Nếp nhà cổ bên dòng Ô Lâu
Đi qua lối nhỏ là hàng dừa tàu xanh ngắt được tỉa tót phẳng phiu, qua một khu vườn rộng, ông Cho dẫn chúng tôi đến với ngôi nhà rường có tuổi đời trên 120 năm của ông Dương Văn Mạnh. Hội Kỳ quả là một ngôi làng cổ với những con người rất hiếu khách, hiền hòa. Chúng tôi tiếp tục thăng hoa trong chiều sâu cảm xúc khi bước chân vào ngôi nhà rường, tận mắt chứng kiến những cổ vật, kỷ vật cùng những lời tâm sự bằng cả trái tim đam mê sưu tầm, lưu giữ tài sản vô giá cho quê hương của ông Mạnh.
Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà rường, ông Mạnh tự hào kể, nhà được xây dựng vào năm 1889, với kiến trúc 3 gian, 2 chái, 4 mái lợp so le 9 lớp ngói liệt với hơn 10 vạn viên. Nhà có bề ngang 12,3m, rộng 9,5m, hình chữ đinh, 18 lá cửa ban khoa được chia thành ba cụm tạo sự cân đối. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhà vẫn được ông giữ gìn nguyên vẹn. Bước vào ngôi nhà rường, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi chính là bức hoành phi Tích Khánh Đường, viết bằng chữ Hán (tạm dịch là Hội tụ niềm vui) được treo ở vị trí trang nghiêm chính giữa. Ban thờ tổ tiên được sắp xếp hợp lý, hài hòa ở gian chính diện.
Trên ban thờ vẫn còn nguyên nhiều bộ lư đồng, chân đèn, bát nhang… của cha ông để lại. Bốn bức liễn được treo ngăn nắp ở bốn cột trụ chính trong nhà, với những dòng chữ khuyên dạy con cháu bằng chữ Hán, tạm dịch là: “Con cháu xây dựng phúc ấm vĩnh cữu. Để tiếng thơm lưu truyền cõi thiên thu. Sống có hiếu mang đức sáng truyền lại. Thi thơ vẹn toàn xứng danh gia tộc”.
Các cột trụ của ngôi nhà đều được chạm nổi và chạm lộng rất tinh vi, nhiều chỗ khảm nạm xà cừ thành những hình ảnh sinh động, tuyệt đẹp. Trong ngôi nhà cổ, ông Mạnh còn bố trí từng gian phòng trưng bày đồ cổ, kỷ vật với mục đích để từng món đồ phát huy giá trị, và giúp người xem có thể dễ dàng quan sát, hiểu rõ về từng cổ vật, kỷ vật.
Như các bức trướng treo trang trọng trên ban thờ, hay các văn bằng, bút tích chữ Hán từ thời vua Thành Thái… mà ông chỉ nghe kể là có trước khi ngôi nhà được xây dựng, hoặc do các đời tổ tiên để lại. Vì thế, ông dốc hết sức hết lòng để sưu tầm, giữ gìn cổ vật tổ tiên để lại, xem như tài sản vô giá. Ông Mạnh vui vẻ chia sẻ: “Không có gì vui hơn, hạnh phúc hơn khi được giữ gìn và phát huy những tinh hoa của cha ông để lại. Đây chính là cầu nối đưa tôi trở về với truyền thống gia đình, với nét đẹp văn hóa quê hương”.