Để thí sinh được rõ hơn thí sinh nên tham khảo các thông tin xét tuyển của 2 trường này, lời khuyên chung cho thí sinh lúc này là hãy chờ điểm thi chính thức công bố, trên cơ sở điểm của mình ở ngưỡng nào thì hãy nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Cần lưu ý là điểm xét tuyển các ngành học của Đại học Ngoại thương luôn được đánh giá cao hơn Đại học Hà Nội.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2015 của Trường Đại học Ngoại thương, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 nhà trường sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia (các cụm thi do các trường đại học chủ trì) để xét tuyển và xét tuyển theo từng tổ hợp khối thi.
Các tổ hợp khối thi như sau: Khối A: Toán, Lý, Hóa; Khối A1: Toán, Lý, Tiếng Anh; Khối D1: Văn, Toán, Tiếng Anh; Khối D2: Văn, Toán, Tiếng Nga; Khối D3: Văn, Toán, Tiếng Pháp; Khối D4: Văn, Toán, Tiếng Trung; Khối D6: Văn, Toán, Tiếng Nhật.
Điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển: Điểm trung bình chung học tập từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở trên. Hạnh kiểm từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ loại khá trở lên. Tổng điểm 3 môn thi theo từng khối thi đạt mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường (nhà trường sẽ thông báo sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu).
Điểm trúng tuyển sẽ được xác định theo từng chuyên ngành đăng ký, kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng khối thi; Điểm các môn thi nhân hệ số 1. Riêng các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật điểm ngoại ngữ nhân hệ số 2.
Điểm trúng tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật và các ngành học tại cơ sở Quảng Ninh được xác định riêng.
Trong 2.350 chỉ tiêu đại học của cơ sở phía Bắc, Đại học Ngoại thương dành 150 chỉ tiêu đào tạo (ngành Quản trị kinh doanh, ngành Kinh doanh quốc tế) tại cơ sở Quảng Ninh.
Còn Trường Đại học Hà Nội, kỳ tuyển sinh ĐH năm 2015 này trường xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, thí sinh có tổng điểm 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ của kỳ thi này đạt 15 điểm trở lên (theo thang điểm 10, chưa nhân hệ số) được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Việc xét tuyển sẽ theo ngành đào tạo mà thí sinh đã đăng ký trước. Tổng điểm để xét tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên (nếu có) và điểm của môn thi chính đã nhân hệ số 2. Danh sách công bố công khai và xếp từ cao xuống thấp.
Trường ĐH Hà Nội sẽ thực hiện xét tuyển nhiều đợt cho đến hết chỉ tiêu của từng ngành. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng kí xét tuyển ở các đợt xét tuyển sau. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng kí hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Thí sinh có quyền đăng ký xét tuyển vào bất kỳ ngành học nào còn chỉ tiêu trong các đợt xét tuyển tiếp theo nếu chưa trúng tuyển nguyện vọng.