Nên xây hầm qua sông Hàn vì đã có nhiều cầu?

Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng ủng hộ xây hầm qua sông Hàn vì từ cầu Trần Thị Lý đến cuối hạ lưu chưa đầy 4km đã có 5 cây cầu (4 mới, 1 cũ). Xây thêm một cây cầu để giải quyết ách tắc giao thông sẽ làm mất đi không gian và vẻ đẹp dòng sông!

Nên xây hầm qua sông Hàn vì đã có nhiều cầu?

Sáng 28/3, ngay sau khi khởi đăng loạt bài phản ánh băn khoăn của các chuyên gia đối với các lý do mà Công ty CP tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- thuộc Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT – Bộ GTVT) đưa ra cho phương án xây dựng hầm qua sông Hàn, báo Infonet đã nhận được văn bản 08/PB-HQH của Hội Quy hoạch phát triển (QHPT) đô thị Đà Nẵng do Chủ tịch Hội, KTS Hoàng Quang Huy ký, gửi Thường trực Thành ủy, UBND TP và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng (LHHĐN) góp ý về dự án xây dựng hầm qua sông Hàn.

Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, từ cầu Trần Thị Lý đến cuối hạ lưu sông Hàn chưa đầy 4km đã có 5 cây cầu (4 mới, 1 cũ). Xây thêm một cây cầu để giải quyết ách tắc giao thông sẽ làm mất đi không gian và vẻ đẹp dòng sông (?!) - Ảnh: HC
Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, từ cầu Trần Thị Lý đến cuối hạ lưu sông Hàn chưa đầy 4km đã có 5 cây cầu (4 mới, 1 cũ). Xây thêm một cây cầu để giải quyết ách tắc giao thông sẽ làm mất đi không gian và vẻ đẹp dòng sông (?!) - Ảnh: HC

Để rộng đường dư luận và chuyển tải rộng rãi ý kiến của các chuyên gia tham mưu, góp ý cho lãnh đạo Đà Nẵng hướng đến sự phát triển hiện đại, văn minh và phồn thịnh của TP, Báo điện tử Infonet xin lùi phần 2 của bài viết (như đã giới thiệu) lại một ngày để gửi đến bạn đọc các ý kiến của Hội QHPT đô thị Đà Nẵng về vấn đề xây dựng hầm qua sông Hàn.

KTS Hoàng Quang Huy cho hay, tại cuộc họp lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia và các Hội ngành nghề cho việc “đầu tư xây dựng công trình hầm qua sông Hàn” do LHHĐN tổ chức chiều 9/3, do thời gian hạn hẹp mà số liệu mới cấp phát, không thể chủ quan đánh giá dự án nên đại diện của Hội QHPT đô thị Đà Nẵng xin được góp ý vào dự án sau khi tổ chức cuộc họp với Hội đồng khoa học của Hội và các thành viên trong Ban chấp hành Hội.

Ngày 12/3, Hội QHPT đô thị Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 6, đưa vấn đề “đầu tư xây dựng hầm qua sông Hàn” ra thảo luận (tài liệu đã photo và cấp cho các thành viên ngày 10/3 để có thời gian nghiên cứu đề xuất) và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp.

Trong đó có 20% ý kiến đề xuất xây cầu để kinh phí đầu tư rẻ hơn, chi phí vận hành duy tu bảo dưỡng hàng năm ít tốn kém, nhất là TP còn quá nhiều việc cần phải đầu tư ngay cho lĩnh vực giao thông, và 80% nhận định nên xây hầm.

Qua tổng hợp các ý kiến, KTS Hoàng Quang Huy cho hay, về tính cần thiết xây dựng hầm qua sông Hàn, các ý kiến cho rằng Đà Nẵng trong một thời gian không dài (kể từ khi thành đơn vị trực thuộc Trung ương 1997) đã xây dựng hơn 7 cây cầu nối qua bờ Đông sông Hàn, tạo ra một chuổi phát triển kinh tế rất lớn, đặc biệt là du lịch.

Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa đồng bộ nên nhiều cây cầu trên sông Hàn vẫn chưa sử dụng hết chức năng của nó và sự quá tải cho việc đi lại thường dồn nén tại cầu quay Sông Hàn bởi mật độ dân số tập trung.

Tính từ cầu Trần Thị Lý đến cuối hạ lưu sông Hàn chưa đầy 4km, dòng sông đã có 4 cây cầu mới và một cây cầu cũ (Nguyễn Văn Trỗi).

Vì vậy, việc xây thêm một cây cầu nữa để giải quyết ách tắc giao thông sẽ làm mất đi không gian và vẻ đẹp của dòng sông, vô tình biến nó như những con kênh thu hẹp, chật chội và làm xấu đi cấu trúc một đô thị vốn đã được thiên nhiên ban nhiều ưu đãi.

Do đó, theo Hội QHPT đô thị Đà Nẵng, để có thêm một cây cầu kết nối qua sông Hàn thì giải pháp đường hầm (tuynel) là giải pháp tốt nhất mặc dù phải tốn rất nhiều tiền cho việc thi công, duy tu, bảo dưỡng.

Vì vậy, TP cần xem xét, huy động lực lượng để nghiên cứu rõ các phương án và có sự phản biện của các chuyên gia, các thành phần khác trong xã hội.

Tuy nhiên, đối với các phương án xây dựng hầm qua sông Hàn do BRITEC đưa ra, Hội QHPT đô thị Đà Nẵng nhận định còn nhiều bất cập chưa có tính khả thi cao.

Theo đó, vị trí hầm phải nằm trong tổng thể quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất về chủ trương, UBND TP phê duyệt chi tiết. Tuy nhiên nội dung này chưa được thể hiện trong phương án của BRITEC.

Dự án ngoài kết nối với mạng lưới giao thông chính của đô thị tại khu vực hai bên bờ sông Hàn thì cần phải tính đến kết nối phát triển giao thông của Đà Nẵng trong tương lai (như sự kết nối chuổi giao thông sau khi di dời ga Đà Nẵng ra khỏi nội đô), đặc biệt là kết nối với mạng lưới giao thông vành đai và giao thông đối ngoại cũng như đối nội của TP.

Phải có điều tra, cập nhật số liệu phương tiện tham gia giao thông không phải cho hầm mà tính đến sự biến động của lưu lượng giữa hai bờ Đông – Tây sông Hàn với bao nhiêu loại phương tiện qua hầm và có xe tải hay không?

Cần phải tính đến sự phát triển của cảng Tiên Sa trong tương lai thì hướng tiếp cận của phương tiện giao thông qua hầm là có tải nặng. Đồng thời phải tính đến phương án kết nối với quy hoạch mạng lưới giao thông ngầm của TP trong tương lai. Vị trí này có tuyến metro đi qua không? Hay tính đến kết hợp hai trong một?

Ngoài ra, phương án của BRITEC cũng chưa nêu rõ phương án tái định cư, nhất là phía Tây sông Hàn (dân cư sinh sống có mật độ cao) và xử lý tác động của môi trường (tiếng ồn và bụi khói). Độ dốc, phương án nút giao lập thể như đề xuất quá phức tạp, sẽ làm cho việc lưu thông phức tạp, gây tốn kém cho việc đầu tư.

Từ đó, Hội QHPT đô thị Đà Nẵng đề xuất một số vấn đề khi thực hiện đầu tư xây dựng. Đó là dự án phải tính đến sự kết nối mạng lưới giao thông trong quy hoạch tổng thể tương lai và nghiên cứu lại vị trí đường hầm.

Vị trí như tư vấn đề xuất (tại nút giao thông đường Đống Đa – 3/2 – Trần Phú) là không phù hợp vì sẽ đi xuyên qua nhiều khu dân cư và xa với điều kiện kết nối với cảng và đường vành đai hướng biển phía Bắc (Nguyễn Tất Thành). Vì vậy, nên chọn vị trí gần cầu Thuận Phước, có khoảng cách để đảm bảo lối ra vào đường hầm ở hai đầu.

Hầm cần phải được giải quyết các phương tiện vận tải nặng để dung nạp và giải phóng được lưu lượng hàng hóa từ cảng Tiên Sa đi về hướng giao thông vành đai phía Bắc và có ý nghĩa an ninh quốc phòng. Đồng thời cần phải có tính toán và phân tích nhu cầu lưu thông cho các tuyến đường giao với nút hầm.

Riêng tuyến đường Đống Đa sẽ là tuyến chính ra vào hầm, cần phải tính toán trên cơ sở việc di dời ga đường sắt ra khỏi nội đô và việc hình thành nhiều trung tâm thương mại dịch vụ mới của TP như khu vực ga đường sắt sau di dời, khu vực sân vận động Chi Lăng, khu vực 150 Ông Ích Khiêm.

Hội QHPT đô thị Đà Nẵng cũng lưu ý, do kinh phí đầu tư xây dựng hầm qua sông Hàn lớn nên cần phải chú ý các vấn đề kỹ thuật thi công, quản lý, bảo đảm an toàn chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn khi mùa mưa bão... để đảm bảo điều kiện đầu tư thuận lợi, kinh tế, phát triển bền vững.

KTS Hoàng Quang Huy nêu rõ, chủ trương của Hội QHPT đô thị Đà Nẵng là đồng tình ủng hộ TP tiếp tục tạo dựng diện mạo mới của đô thị Đà Nẵng rộng mở, hiện đại, mỹ quan, nếp sống văn minh, môi trường lành mạnh, đầy sức sống, hấp dẫn xứng đáng là đô thị trung tâm của khu vực.

Do vậy, Hội kiến nghị lãnh đạo TP quan tâm, nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện nâng cao phát triển đô thị hướng Đông Nam và Tây Bắc. Lấy sông Hàn nối dài theo các sông Túy Loan, Cổ Cò, Cu Đê, Cẩm Lệ tạo ra chuổi liên kết phát triển du lịch trên sông nước với nhiều cây cầu nhằm mở rộng đô thị.

Cho nghiên cứu mở rộng mạng lưới giao thông chi tiết đường bộ, đường thủy và xác định vị trí khớp nối, mở rộng tương lai (đường,cầu…)

Đặc biệt, theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hội QHPT Đà Nẵng kiến nghị các cấp, các ngành cần rà soát, xem xét, đánh giá lại quá trình quy hoạch và xây dựng phát triển TP Đà Nẵng những năm 2000 cho đến nay.

"Việc quyết định đầu tư xây dựng hầm qua sông Hàn là một phương án táo bạo với tầm nhìn đúng khi nó giải quyết được mọi vấn đề về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng dù có tốn kém. Nhưng ngược lại nó sẽ tốn kém và lãng phí tiền của nhân dân khi không mang lại những hữu ích phát triển. Do đó cần phải tính toán thật cẩn trọng và tâm huyết, trách nhiệm.

Không nên vì cho đây là giải pháp để chống ùn tắc giao thông mà quyết định sớm, vội vàng. Vì vậy, Hội QHPT đô thị Đà Nẵng kiến nghị nên giãn thời gian để trưng cầu các ý kiến các chuyên gia và nghiên cứu rõ các phương án trước khi triển khai” – KTS Hoàng Quang Huy nhấn mạnh.

Theo infonet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ