(GD&TĐ) - Những công trình xây dựng khổng lồ của người Maya, được phát hiện ở Seibal, phía bắc Guatemala, đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quý giá về sự khởi đầu của nền văn minh này.
Từ hàng chục năm nay, có hai giả thuyết nổi lên trong các tranh luận về sự hình thành nền văn minh Maya. Theo giả thuyết thứ nhất, nền văn minh này tự tiến hóa trong các cư dân thuộc cái gọi là Khu vực trung tâm (vùng đất thấp bao gồm phần đất phía nam Mexico, phía bắc Guatemala và Belize). Giả thuyết thứ hai nói rằng nền văn minh Maya hình thành trên cơ sở những tác động của nền văn minh Olmec.
Trong giai đoạn năm 1000- 700 trước Công nguyên, khi tại Khu vực trung tâm bắt đầu xuất hiện những khu định cư lớn đầu tiên, xã hội Olmec đã là xã hội phát triển rực rỡ. Chính từ lý do đó mà nền văn minh Olmec được coi là “văn hóa mẹ đẻ” của người Maya, hoặc nói theo cách khác là nguồn sáng tạo văn hóa dưới dạng thể chế chính trị hay phong cách nghệ thuật.
Chẳng hạn trung tâm La Venta của người Olmec trên vịnh Mexico có các phong cách kiến trúc giống như phong cách kiến trúc của người Maya ở Seibal (thuộc Guatemala ngày nay). Vì thế, nói nghệ thuật Olmec là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các cư dân Seibal là có cơ sở.
Kim tự tháp của người Maya |
Trên tạp chí “Science” số ra mới đây, nhóm các nhà khảo cổ học từ Mỹ và Nhật Bản dưới sự dẫn dắt của Takeshi Inomata và Daniel Triadan (Trường Đại học Arizona ở Tucson, Mỹ) đã giới thiệu thành quả 7 năm nghiên cứu của họ ở Seibal.
Những kết quả này thật sự khiến giới khoa học chú ý. Dưới các lớp trầm tích dày đến 18 m, các nhà khảo cổ học đã phát hiện phần còn lại của một công trình kiến trúc mang tính tôn giáo. Xác định niên đại bằng phương pháp đồng vị carbon cho thấy công trình này hình thành vào khoảng năm 1000 trước Công nguyên, tức là 200 năm trước khi La Venta trở thành trung tâm lớn với các công trình xây dựng khổng lồ. Điều đó có nghĩa là La Venta không thể là khuôn mẫu chính cho Seibal.
“Công trình chủ đạo ở Seibal bao gồm quảng trường, kim tự tháp hoặc đàn tế phía tây cùng đồi nhỏ phía đông. Hệ thống như vậy được gọi là Nhóm E và có thể thấy nó hiện diện tại phía nam vùng Mesoamerica” - Nhà khảo cổ học Inomata giải thích.
Nhiều nhà nghiên cứu không muốn xếp công trình liên hợp ở La Venta vào Nhóm E; tuy nhiên Inomata lại có ý kiến ngược lại. Điều đáng chú ý là trong các trung tâm lâu đời hơn của người Olmec, chẳng hạn như San Lorenzo, không có những công trình kiến trúc giống như vậy.
Kết quả nghiên cứu ở Seibal cho thấy Nhóm E bắt nguồn từ những công trình xây dựng không lớn, có độ cao khoảng 2 mét. Tuy nhiên qua nhiều thế kỷ chúng lại được tái tạo và mở rộng về diện tích, trở nên ngày càng đồ sộ hơn, cho đến khoảng năm 700 trước Công nguyên thì những công trình này đã là những kim tự tháp với chiều cao 6-8 mét.
Theo nhà khảo cổ học Inomata, các công trình thuộc Nhóm E ở La Venta và Seibal dường như được sử dụng cho những mục đích giống nhau. “Các nghi lễ tôn giáo rất quan trọng đối với những nền văn minh đó. Tại quảng trường ở Seibal chúng tôi đã tìm thấy khá nhiều vật cúng tế, thông thường là những chiếc rìu bằng đá cẩm thạch hoặc các loại đá quý khác” - Inomata cho biết.
Những lễ vật này cũng được tìm thấy tại những trung tâm khác, trong đó có hai khu khảo cổ ở Chiapas có cùng niên đại với những công trình xây dựng ở Seibal.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, phát hiện của họ chứng tỏ rằng nền văn minh Maya ra đời sớm hơn nền văn minh Olmec và tiến hóa độc lập với nền văn minh này. Theo Inomata những công trình xây dựng cổ đại ở Seibal cho thấy nền văn minh Maya hình thành qua sự tiếp xúc với các tộc người khác nhau. “Chúng tôi thấy ở đây một dạng kiến trúc mới, phản ánh dạng xã hội và trật tự xã hội mới. Trật tự xã hội mới này không hình thành tại một trung tâm, chẳng hạn như bờ biển Olmec, mà xuất hiện do kết quả của sự giao tiếp giữa các tộc người khác nhau” - Nhà khảo cổ học Inomata giải thích.
Tuấn Sơn (Theo báo nước ngoài)