Nên lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp nhất với năng lực

Nên lựa chọn  phương thức xét tuyển phù hợp nhất với năng lực

Do tác động của dịch Covid–19, mùa tuyển sinh năm 2020 có nhiều thay đổi. Ngoài việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho kỳ thi THPT quốc gia,  việc xét tuyển vào các trường ĐH cũng có nhiều phương thức khác nhau.

Đa dạng phương thức xét tuyển

Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), hiện tại nhiều trường ĐH đã công bố phương thức tuyển sinh, trong đó, cho phép thí sinh có thể lựa chọn nhiều phương thức đăng ký xét tuyển khác nhau. Điều này, một mặt tăng thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh nhằm đảm bảo chọn được ngành học, trường học như mong muốn, nhưng mặt khác, lại vô tình làm “loãng” đi sự lựa chọn. Vì vậy, khi xét tuyển vào các trường ĐH, thí sinh cần lưu ý lựa chọn  phương thức xét tuyển phù hợp nhất với năng lực của bản thân mình.

Theo đó, thí sinh cần phải tìm hiểu kỹ phương thức xét tuyển của trường ĐH mà mình muốn đăng ký. Trên cơ sở đó để thấy phương thức nào là phù hợp với năng lực của bản thân. Sự phù hợp không chỉ là lực học mà còn là điều kiện về tài chính, học phí, các chính sách về học bổng và chăm sóc người học trong và sau quá trình học.

“Khi đăng ký xét tuyển ĐH, thí sinh nên lựa chọn phương thức xét tuyển mà với phương thức đó, bản thân có nhiều ưu thế nhất để đảm bảo cơ hội trúng tuyển cao nhất. 

Ngoài ra, các trường ĐH thường có các chính sách học bổng đi kèm, do đó, khi cơ hội trúng tuyển cao thì cơ hội thí sinh nhận được các gói học bổng này cũng tương ứng như thế. Chẳng hạn, ở Trường ĐH Lạc Hồng, rất nhiều loại học bổng được trao cho thí sinh khi trúng tuyển, như học bổng thủ khoa (cho thí sinh có điểm đầu vào cao nhất ngành/khoa), học bổng KHCN (cho thí sinh đạt giải trong các kỳ thi KHCN), học bổng sinh giỏi (cho thí sinh đạt giải tại các kỳ thi HSG tỉnh/Thành phố), với mức học bổng bằng 100% học phí...” – TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.

Nên lựa chọn  phương thức xét tuyển phù hợp nhất với năng lực ảnh 1
Hoạt động tư vấn tuyển sinh. Ảnh minh họa

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cũng đã điều chỉnh phương thức xét tuyển ĐH năm 2020. Bên cạnh các phương thức đã công bố (xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực 2020 của ĐHQG TPHCM và xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn), nhà trường áp dụng thêm một hình thức là xét tuyển học bạ 3 học kỳ, cho phép thí sinh dùng kết quả học tập của học kỳ 1 lớp 12 (đã hoàn tất trước thời điểm học sinh cả nước nghỉ do ảnh hưởng Covid-19) và hai học kỳ của lớp 11 để xét tuyển.

Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh - Truyền thông HUTECH), việc nhiều trường ĐH cũng điều chỉnh đề án tuyển sinh, bổ sung hoặc thay đổi chỉ tiêu xét tuyển ở từng phương thức… chủ yếu nằm ở việc bổ sung phương thức mới dựa trên kết quả học tập (xét điểm học bạ THPT) để thí sinh có thể tận dụng xét tuyển, không cần phụ thuộc hoàn toàn vào điểm thi tốt nghiệp THPT; hoặc điều chỉnh các mốc thời gian nhận hồ sơ cho phù hợp với tình hình mới. 

Theo phương thức nào cũng phải tốt nghiệp THPT 

Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh, thí sinh nên tham khảo mức điểm chuẩn của từng ngành ở các năm trước đó để có lựa chọn phù hợp nhất. Ngoài ra, thí sinh cũng cần tìm hiểu điều kiện xét tuyển của từng trường để chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ cần thiết. Trong các phương thức xét tuyển, phương thức xét tuyển bằng học bạ đang được nhiều thí sinh lựa chọn vì thủ tục đơn giản, đỡ tốn kém thời gian, chi phí, không tạo áp lực cho thí sinh và có kết quả nhanh hơn so với các phương án xét tuyển khác.

Hiện tại, phương thức xét tuyển bằng học bạ của Trường ĐH Lạc Hồng cũng khá đa dạng. Thí sinh có thể lựa chọn 1 hoặc cả 3 phương thức: (1) Xét tuyển dựa vào điểm trung bình của năm lớp 12 từ 6.0 điểm; (2) Xét tuyển dựa vào tổng điểm trung bình của 3 học kỳ từ 18.0 điểm (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12, hoặc thí sinh chọn 3 học kỳ có điểm trung bình cao nhất của các năm lớp 10, 11, 12); (3) Xét tuyển dựa vào tổng điểm của tổ hợp 3 môn xét tuyển từ 18 điểm.

“Ngoài ra, nhiều trường ĐH cũng thực hiện nhiều phương thức khác như tuyển thẳng và cấp học bổng cho những thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi hoặc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh trở lên. Xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của trường hoặc điểm của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM. Xét tuyển thẳng với thí sinh học ở các trường chuyên, trường thuộc top 200 trường THPT hàng đầu Việt Nam, thí sinh có học lực khá 3 năm THPT, học sinh các trường kết nghĩa, hợp tác giáo dục với nhà trường, và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT” – Phó Hiệu trưởng LHU thông tin thêm.

Nên lựa chọn  phương thức xét tuyển phù hợp nhất với năng lực ảnh 2
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung (giữa) trong một đợt tư vấn cho thí sinh.

Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh - Truyền thông HUTECH), để tận dụng hiệu quả lợi thế thay đổi phương thức xét tuyển, thí sinh cần chủ động theo dõi thông tin của các trường ĐH mà mình quan tâm, tìm hiểu đề án tuyển sinh và sự thay đổi trong các phương thức, từ đó có cơ sở lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp nhất cho bản thân hoặc có thể kết hợp nhiều phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển. 

"Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất của thí sinh trước mắt vẫn là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh phải tốt nghiệp THPT thì mới đủ điều kiện để được công nhận trúng tuyển ĐH, dù xét tuyển theo phương thức nào. Ngoài ra, nhiều trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển ĐH, như HUTECH giữ nguyên chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT (65% tổng chỉ tiêu xét tuyển), hoặc nhiều trường cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển đồng thời theo nhiều phương thức, nên thí sinh có kết quả tốt ở kỳ thi tốt nghiệp THPT chắc chắn vẫn sẽ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc đua vào đại học" - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung lưu ý. 

Đồng thời, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung cũng cho rằng, thời gian đến ngày thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều. Thí sinh không nên đợi đến khi kết thúc năm học mới bắt đầu ôn thi tốt nghiệp hay tìm hiểu thông tin xét tuyển đại học, mà nên bắt đầu ngay từ hiện tại. 

"Các bạn cần xác định bài thi tốt nghiệp THPT phù hợp với bản thân và có thể dùng xét tuyển đại học (nếu có nguyện vọng xét điểm thi), lên kế hoạch ôn tập các nội dung kiến thức đã học, thử sức với các bộ đề minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố để làm quen với cấu trúc đề thi,... Chuẩn bị chu đáo cả về kiến thức lẫn về thông tin xét tuyển đại học luôn là nền tảng để thi cử và xét tuyển hiệu quả trong mọi hoàn cảnh, chứ không chỉ riêng trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh" - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung nhắn gửi đến các thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang Hải cân nhắc tiếp tục xuất ngoại.

Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại?

GD&TĐ - Quang Hải hiện đang nhận được sự quan tâm của một số câu lạc bộ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan nên cân nhắc xuất ngoại thêm một lần nữa.
HLV Zidane có cơ tái hợp CLB Real Madrid.

HLV Zidane có bến đỗ lý tưởng

GD&TĐ - Chủ tịch Florentino Perez và HLV Zidane đang thảo luận bàn về việc tái ngộ của cả 2 tại Santiago Bernabeu vào mùa hè 2024.