Nên hay không quy đổi thời gian soạn bài, chấm bài thành giờ dạy?

GD&TĐ - Đề xuất quy đổi thời gian soạn bài, chấm bài của giáo viên thành giờ dạy nhận được nhiều ý kiến khác nhau của nhà giáo.

Cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Lâm
Cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Lâm

Thảo luận tại hội trường sáng 20/11 về Luật Nhà giáo, GS.TS Thái Văn Thành, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đề xuất quy đổi thời gian soạn bài, chấm bài của giáo viên thành giờ dạy. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến khác nhau của nhà giáo.

Ghi nhận công sức

Theo cô Chung Thị Phương Thúy - giáo viên Trường THCS Huyền Hội (Trà Vinh), để có được 1 tiết dạy trên lớp, giáo viên phải mất 3 - 4 giờ soạn bài ở nhà. Đặc biệt với môn Ngữ văn, thời gian hoàn thành soạn một chủ đề có thể lên tới 3 - 5 ngày. Bên cạnh đó, giáo viên còn phải soạn giáo án điện tử, thiết kế các phiếu học tập... để giờ dạy được sinh động, hiệu quả. Thời gian làm việc ở nhà của giáo viên bởi vậy rất nhiều và vất vả không kém giảng dạy ở lớp học.

Với việc chấm bài, cô Chung Thị Phương Thúy cho biết: Với các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, thời gian chấm bài cho 1 lớp (từ 35 - 45 học sinh) khoảng 3 - 4 giờ. Nếu dạy nhiều lớp, thời gian chấm bài sẽ nhiều hơn. Môn Ngữ văn, mỗi học sinh có một sản phẩm riêng, đòi hỏi giáo viên cần nhiều thời gian đọc, nhận xét, đánh giá; nên từ 1 - 2 ngày giáo viên mới có thể hoàn thành 1 lớp.

“Từ những lý do trên, thời gian soạn bài, chấm bài của giáo viên được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong tuần, trong năm là hợp lý”, cô Chung Thị Phương Thúy nêu quan điểm.

Bày tỏ đồng tình với đề xuất thời gian chấm bài của giáo viên cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang chia sẻ: Tại trường phổ thông, hầu hết bài kiểm tra định kỳ thực hiện chung toàn khối, toàn trường, diễn ra tại cùng một thời điểm.

Các trường đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, phân công người lập ma trận, bảng đặc tả, đề kiểm tra, phân công người coi kiểm tra và chấm bài làm của học sinh. Hiện nay, chưa có quy định về thù lao ra đề, xây dựng ma trận, bản đặc tả và chấm trả bài, đáp ứng tương xứng với công sức bỏ ra của giáo viên.

“Tôi đề xuất giáo viên được phân công ra đề kiểm tra định kỳ sẽ hưởng 5 tiết/lần, giáo viên phản biện đề hưởng 2 tiết/lần; giáo viên tham gia coi kiểm tra định kỳ được tính số tiết như thực dạy; giáo viên chấm trả bài kiểm tra định kỳ được tính 2 tiết/lớp (45 học sinh)”, ông Trần Tuấn Khanh cho hay.

Cô Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) thì cho rằng, từ trước đến nay, soạn bài, chấm bài là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi nhà giáo. Giáo viên càng chuẩn bị kỹ kế hoạch bài dạy, chất lượng học sinh càng tốt.

“Thời gian làm việc (số tiết/tuần) của giáo viên từng cấp học được quy định rõ. Ngoài số tiết theo quy định, trong ngày giáo viên vẫn có thời gian để chuẩn bị bài dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh. Song để hoàn thành công việc này có chất lượng hơn nữa, giáo viên phải đầu tư thời gian, công sức nhiều hơn. Vì vậy, Bộ GD&ĐT có thể nghiên cứu giảm bớt một số tiết dạy/tuần đối với giáo viên từng cấp học so với quy định hiện nay. Chỉ quy đổi khi giáo viên tham gia làm đề, chấm bài khảo sát hoặc các kỳ thi do các cấp tổ chức.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị ĐH. Đề nghị các địa phương hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện luôn khi Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/12/2024, để đảm bảo quyền lợi và động viên đội ngũ nhà giáo”, cô Trần Thị Bích Hạnh đề xuất.

quy-doi-thoi-gian-soan-bai-cham-bai-thanh-gio-day-4805.jpg
Giờ dạy tại Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Còn có băn khoăn

Cho rằng quy đổi thời gian soạn bài, chấm bài thành giờ dạy là một đề xuất có ý nghĩa nhằm ghi nhận công sức của giáo viên, nhưng cô Trương Thúy Lê - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên 2, Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) cũng đồng thời có những băn khoăn.

Theo đó, việc quy đổi thời gian soạn bài, chấm bài thành giờ dạy sẽ gặp khó khăn trong xác định lượng thời gian chính xác mà giáo viên dành cho các công việc này. Mỗi bài giảng, tùy vào môn học, cấp học và yêu cầu giảng dạy, sẽ có mức độ phức tạp khác nhau. Có bài giảng chỉ cần soạn đơn giản, nhưng cũng có bài giảng đòi hỏi nhiều nghiên cứu, tìm tài liệu, soạn giáo án chi tiết.

Chấm bài cũng vậy, có thể mất ít thời gian với bài làm đơn giản, nhưng lại tốn nhiều công sức đối với những bài kiểm tra, bài luận, bài tập nhóm hay bài tập dự án. Ngoài các bài kiểm tra theo quy định của ngành thì mỗi giáo viên còn cho học sinh kiểm tra thêm nhiều bài để đánh giá được sự thay đổi của các em xuyên suốt quá trình học.

Bên cạnh đó, công việc soạn bài, chuẩn bị giảng dạy, chấm bài, phản hồi học sinh quan trọng nhưng không phải là tất cả công việc của giáo viên. Việc chỉ quy đổi những công việc này thành giờ dạy có thể không phản ánh hết tính chất của công việc; đặc biệt các nhiệm vụ như phát triển chuyên môn, tham gia tập huấn, họp phụ huynh, làm công việc hành chính hoặc kiêm nhiệm khác…

Chưa kể, nếu không được quy định rõ ràng và hợp lý có thể dẫn đến giáo viên phải “chạy đua” với thời gian, bỏ qua chất lượng giảng dạy, giảm đi sự sáng tạo trong việc soạn bài, chấm bài và thiết kế các hoạt động học tập.

“Tuy nhiên, nếu có một cơ chế quy đổi hợp lý, linh hoạt và tính đến tính chất công việc sẽ giúp giáo viên có mức đãi ngộ công bằng, đồng thời giúp nhà trường đánh giá được công sức của giáo viên chính xác hơn”, cô Trương Thúy Lê bày tỏ, đồng thời mong muốn việc cải thiện mức lương, chế độ cho giáo viên tiếp tục được quan tâm; có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ví dụ như được nghỉ thêm ngày thứ 7; có chế độ hỗ trợ giáo viên phát triển chuyên môn và giảm bớt áp lực công việc hành chính…

Riêng thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX – Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị thì cho rằng, đề xuất quy đổi thời gian soạn bài, chấm bài của giáo viên thành giờ dạy không thỏa đáng. Lý do, nghề giáo là nghề đặc thù, nhà giáo là viên chức làm việc theo hợp đồng định mức tiết dạy/tuần. Ví dụ, giáo viên THPT dạy 17 tiết/tuần, các hoạt động chuyên môn khác được quy đổi thành tiết dạy để hưởng bù vào tổng số tiết. Như vậy, việc soạn bài, chấm bài là công việc nghề nghiệp và trách nhiệm đương nhiên của nhà giáo.

“Từng có thời gian Nhà nước trả tiền thừa giờ chấm bài cho giáo viên, nhưng cũng rất bất cập nên sau đó không còn thực hiện nữa”, thầy Lê Văn Hòa cho hay.

Chất lượng đội ngũ là “then chốt” của đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên thực tế cho thấy, còn một bộ phận giáo viên không chịu học tập, cập nhật kiến thức, làm việc theo chủ nghĩa kinh nghiệm... Vì vậy, vấn đề phát triển đội ngũ cần được quan tâm nhiều hơn.

Luật Nhà giáo cần quy định rõ trách nhiệm về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên hằng năm, kèm theo nguồn lực tài chính để giáo viên được học, phải học và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan trong đánh giá giáo viên. - Thầy Lê Văn Hòa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.

PV Power từng bước chuyển mình 'xanh hóa'

GD&TĐ- PV Power đã, đang từng bước “xanh hóa” để phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp đã đề ra trong xu hướng chuyển dịch năng lượng hiện nay.