Mỹ đang dần rút quân ra khỏi Afghanistan nhưng các nhà giáo dục và sinh viên tại đây vẫn nuôi hy vọng sự hỗ trợ của Mỹ đối với ngành giáo dục sẽ không kết thúc.
Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ biết chữ của người Afghanistan từ 15 tuổi trở lên đã tăng từ 31,4% vào năm 2011 lên 43% vào năm 2018.
USAID báo cáo rằng kể từ năm 2001, sinh viên đăng ký học đã tăng từ 900.000 sinh viên nam lên hơn 9,5 triệu sinh viên, 39% trong số đó là nữ giới, vào năm 2020.
"Trong suốt 20 năm qua, mọi chỉ số chính - ngoại trừ bạo lực và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ biết chữ, GDP bình quân đầu người, quyền lợi của phụ nữ, khả năng đi học của trẻ em gái…. tất cả đều tăng cao” - Seth Jones, Giám đốc dự án các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm CSIS cho biết.
USAID khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào giáo dục của Afghanistan, với lý do chính quyền của Tổng thống Biden trước đây cam kết tiếp tục gắn bó với chính phủ Afghanistan, theo người phát ngôn của tổ chức này.
Một trụ cột trong đầu tư giáo dục của Hoa Kỳ là Đại học Hoa Kỳ Afghanistan (AUAF). Được thành lập vào năm 2006 với sự tài trợ của USAID, ngôi trường mở ra ý tưởng thực hiện mô hình giáo dục đại học chất lượng cao của Mỹ.
Shafiqa Khpalwak, một cựu sinh viên tại AUAF và là giám đốc của Quỹ Musawer, nói với CBS News: “Cuộc sống của tôi thực sự thay đổi. Ngôi trường Đại học giống như cửa sổ mở ra thế giới với rất nhiều những cơ hội.” Khpalwak thành lập Quỹ hoạt động về văn học và giáo dục trẻ em khi 25 tuổi. Theo cô, AUAF là một di sản mà nước Mỹ hoàn toàn có thể tự hào.
Nhưng tiếc thay, giờ đây trong Khpalwak chỉ còn nỗi lo lắng cho sự ổn định trong tương lai của đất nước và trường đại học.
"Tôi giận dữ vì đây không phải là cuộc chiến hay cuộc xung đột của tôi. Đây không phải là vấn đề của tôi. Đây là vấn đề của thế giới. Và thật không may, nó lại xảy ra ở đất nước tôi", Khpalwak nói. "Họ cho chúng tôi hàng triệu đô la, nhưng chúng tôi đã trả lại bằng máu, bằng mạng sống của mình. Đây không phải là mối quan hệ một chiều và họ đang quên điều đó."
Tiến sĩ Victoria Fontan, Giáo sư Nghiên cứu về Hòa bình và Xung đột tại AUAF cho biết: “Trường đại học thực sự là một trong những di sản tích cực duy nhất của Mỹ ở Afghanistan.”
Trong năm ngoái, USAID đóng góp đến hơn 60% cho quỹ Đại học. Vào tháng 2 năm 2021, USAID đã trao cho AUAF một thỏa thuận hợp tác mới kéo dài đến ngày 31 tháng 1 năm 2022.
Các nhà cầm quyền tại Afghanistan tin rằng mối quan hệ với USAID sẽ tồn tại lâu hơn thời gian chiếm đóng quân sự. Nhưng đồng thời, chính quyền cũng đang nỗ lực để đa dạng hóa các nguồn tài trợ.
Tiến sĩ Ian Bickford trở thành chủ tịch AUAF vào tháng 3 năm 2021, trong thời điểm mọi lãnh đạo trường đại học đều gặp thách thức bởi đại dịch bùng nổ, thậm chí còn nặng nề hơn với tình trạng bất ổn chính trị. Bickford khẳng định trường đại học của Afghanistan vẫn đang và sẽ mãi ở tại đây.
"Ngay cả khi vai trò quân sự của Mỹ ở Afghanistan thay đổi, cam kết của chúng tôi với thế hệ lãnh đạo Afghanistan tiếp theo vẫn sẽ là lâu dài. Chúng tôi cam kết làm mọi thứ có thể để biến điều đó thành sự thật", Bickford nói với CBS News.
Nhưng sự thật là vẫn có những sự bất ổn, hiểm nguy thường trực xung quanh trường đại học. Năm 2016, trường đại học này đã phải hứng chịu một vụ tấn công khiến 13 người thiệt mạng. Một báo cáo tháng 7 của Liên hợp quốc cho thấy thương vong dân sự đạt mức cao kỷ lục trong tháng 5 và tháng 6 trong bối cảnh quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Các kế hoạch dự phòng được đưa ra trong trường hợp khuôn viên trường không còn an toàn, bao gồm cả việc số hóa chương trình giảng dạy hay thậm chí khả năng mở rộng sang các quốc gia khác đã được tính đến.
Omar Sharifi, phó giáo sư khoa học xã hội và nhân văn tại AUAF cho biết: “Hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi người Mỹ đến Afghanistan, chúng tôi đã được làm quen với một số khái niệm, nay đã trở thành một phần trong cuộc sống như quyền lợi cho phụ nữ nói riêng và quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận…”
Nhưng chính những lý tưởng đã khắc sâu trong tâm trí của người Afghanistan trong nhiều thập kỷ qua, giờ đây lại trở thành mục tiêu đàn áp.
Các chiến dịch tấn công chống lại các học giả và nhà báo đã diễn ra từ đầu năm nay.
Vào tháng 5, một quả bom đã phát nổ trên chiếc xe buýt chở sinh viên và giảng viên Đại học Al-Beroni khiến 4 người thiệt mạng. Vào tháng Tư, một tay súng đã bắn một giảng viên đại học ở Kabul.
"Mối quan hệ giữa các tổ chức phi chính phủ phương Tây và các cơ quan phát triển dân từ các chính phủ đang trở nên vô cùng căng thẳng, cho dù đó là USAID hay các cơ quan của Anh, và cả Taliban," Seth Jones chia sẻ trên CBS News.
Khpalwak cho biết: "Tôi là một nhà văn, nhà thơ và không ai có thể ngăn cản tôi mơ ước, tưởng tượng, suy nghĩ và viết. Tôi lo lắng cho thế hệ con em và cho cả những người phụ nữ khác. Tôi đang suy nghĩ về chính những đứa con gái của mình. Liệu chúng có cơ hội để đi học tiếp sau lớp 6 hay không?".