Nhiều bậc phụ huynh không hiểu được tầm quan trọng của việc đào tạo con cái thành người độc lập. Như trường hợp của chị Hoàng Lan (Bình Chánh, TPHCM), vốn lớn lên trong một gia đình mà mẹ rất kỹ tính. Vì thế, khi có con, cô tự hứa rằng sẽ không bao giờ nói "Không" với bé. Và bây giờ con trai cô đã 15 tuổi nhưng anh chàng vẫn không biết tự lo cho bản thân, thậm chí từ những việc nhỏ như là áo quần khi đi học, nấu một món ăn khi mẹ vắng nhà.
Còn bé Minh, 4 tuổi, con chị Thanh Nga (Quận 7, TPHCM) là một đứa bé thành thạo và năng động. Vấn đề là nó không muốn tự làm. Chị Nga luôn than phiền con “không chịu mặc áo, dọn dẹp đồ chơi, thậm chí còn tè ra quần!”.
Dạy con tính tự lập ngay từ khi con nhỏ giúp trẻ lớn lên tự tin và vững vàng hơn. (Ảnh minh họa) |
Nhưng bố mẹ lại nghĩ: để mẹ đút cơm cho sẽ không bị rơi vãi, để mặc quần áo cho sẽ nhanh hơn, để mẹ thu dọn đồ chơi cho sẽ gọn gàng hơn… Hậu quả là họ mệt mỏi vì chạy theo chăm sóc con, cô giáo cũng stress khi trẻ đến tuổi đi học vì phải bắt đầu tập cho trẻ ăn, ngủ, vệ sinh. Mẹ đừng quên rằng không ai sinh ra đã biết làm thành thạo, cần phải có thời gian và nỗ lực bản thân để tự hoàn thiện. Không biết làm và lười biếng hoặc ỷ lại là những điều khác nhau.
Các nhà nghiên cứu sau nhiều năm quan sát đã chỉ ra rằng: Trẻ từ 18-24 tháng có thể tự dùng cốc uống nước, có thể tự nhặt lấy đồ chơi; từ 2-3 tuổi có thể học cách tự mình đi đại tiểu tiện, ăn cơm, mở phéc-mơ-tuya và mặc quần áo; từ 3-4 tuổi, tính độc lập của trẻ đều phát triển mạnh, những kỹ năng đã học được ở trên đều trở nên thành thục hơn, gần như trẻ có thể làm mà không cần sự giúp đỡ của người lớn; từ 5-6 tuổi, trẻ có thể học cách tự rửa bát, sắp xếp đồ đạc của mình ngay ngắn…
Tính tự lập là một trong những tính cách cơ bản, đóng vai trò quan trọng giúp con bạn sau này khi trưởng thành có thể bản lĩnh hơn, tự tin hơn, vững vàng hơn, thành công hơn trong cuộc sống và đặc biệt là bé có thể tự lo cho mình thật tốt dù không có ba mẹ bên cạnh hay gặp bất kỳ tính huống khó khăn nào.
Học người phương Tây dạy trẻ tự lập
Chia sẻ trong buổi hội thảo “Tự lập và kỷ luật tự nguyện cho trẻ mầm non”, TS Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, trong lần công tác đến một trường mầm non có nhiều học sinh Việt Nam ở Thụy Điển, giáo viên ở đây đã rất thắc mắc khi biết nhiều cha mẹ Việt cầm bát chạy theo con trong giờ ăn tối, trong khi buổi trưa ở trường các cháu vẫn tự ăn bình thường.
Theo TS Hiền, ở các trường mầm non Thụy Điển, trẻ phải tự bơm nước để dùng, trẻ từ 1,5 tuổi đến 3 tuổi phải tự phục vụ bữa ăn cho mình. Tất cả các lớp mầm non đều có chổi và dụng cụ xúc rác nhỏ, treo thấp để trẻ tự dọn dẹp khi cần. Đối với trẻ từ 3 đến 6 tuổi, trường sẽ trang bị góc giặt và phơi quần áo, tự rửa chén sau khi ăn, tự vắt nước cam để uống. Ở quốc gia này, khả năng tự phục vụ của trẻ rất được chú trọng.
Người Mỹ cũng cho rằng, nắm bắt các kỹ năng tự phục vụ có thể giúp trẻ tăng cường tính độc lập và cảm giác về sự thành công. Nó không chỉ có lợi cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp ích rất nhiều cho chính những người lớn. Những người làm công tác giáo dục mẫu giáo ở Mỹ đều được nhấn mạnh việc giáo dục cho trẻ những kỹ năng tự phục vụ.
Theo quan điểm của mẹ Pháp, dù có là người mẹ tốt nhất trên thế giới thì mẹ vẫn là mẹ chứ không phải thứ dịch vụ hễ cần là có của con trẻ và họ chọn vai trò đứng từ xa quan sát, khích lệ con, thay vì sà đến tận nơi nâng đỡ hoặc làm thay mọi thứ.
Những bậc phụ huynh phương Tây đã hướng đến mục tiêu nuôi dạy con độc lập, họ hiểu rằng việc dạy con độc lập có thể khiến bé không hài lòng và yêu quý cha mẹ trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, bé sẽ hiểu bạn đủ yêu con để không can thiệp nếu như bé tuân theo các quy định của bố mẹ. Khi được đào tạo tốt, trẻ sẽ có thể tự bay trên đôi cánh của riêng mình và tự chăm sóc được bản thân.
Nguyên tắc dạy trẻ tự lập
Theo TS Thu Hiền, việc dạy trẻ tính tự lập phải bắt đầu từ từ chứ không phải một sớm một chiều sẽ đạt được kết quả. Mỗi bé là một cá nhân, học hỏi theo tốc độ riêng, thể hiện mối quan tâm đến nhiều nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên, bé mới biết đi là “kẻ bắt chước” tuyệt vời và điều này là một cách tốt để mẹ dạy bé. Cha mẹ nên nhớ, trẻ cần được yêu thương, được lắng nghe, quan tâm và hỗ trợ nhưng trẻ cũng không cần làm thay, không muốn bị xem là không làm được việc gì.
Trẻ cần được chỉ bảo nhưng cần được tự lựa chọn, tự quyết định và chịu trách nhiệm từ những việc nhỏ nhất. Những việc nhỏ tuy đơn giản với cha mẹ như bỏ rác vào thùng rác, úp cốc nhựa sau khi bé uống xong, tự lấy thìa nhựa khi ăn, lau bàn uống nước... giúp bé phát triển sự tự tin. Tùy độ tuổi của con, cha mẹ sẽ giao những việc vừa sức với bé.
Bạn có thể cho phép con tự buộc dây giày, tự xúc cơm ăn hay chọn áo khoác mà bé yêu thích vào buổi sáng nhưng bạn cần ở bên cạnh bé từ khi bé bắt đầu cho đến khi bé hoàn thành công việc. Và đừng quên luôn luôn giám sát con khi để con tự làm mọi việc.
Bạn cần tạo môi trường an toàn khi rèn tính độc lập cho con. Bày bát, cốc, chén nhựa, đồ ăn nhẹ an toàn hoặc chỉ cho bé thấy cách làm một việc thế nào cho an toàn mà không cần cha mẹ giúp đỡ.
TS Hiền cảnh báo, bé mới biết đi có xu hướng chịu đựng thất vọng thấp. Đừng mong đợi sự hoàn hảo ở con bạn; hãy khuyến khích thay vì áp đặt quá sức đối với bé. Thay vì chỉ nhìn thấy sai lầm hay thất bại của con, bạn nên coi đó là cơ hội để bé học được kỹ năng mới. Bạn đừng sợ bé làm hỏng hay làm sai bởi từ đó, bé sẽ nhận ra được bài học bổ ích. Bé sẽ biết để làm một việc gì thành công, chắc phải thử nhiều giải pháp khác nhau.