Nên công bố sớm môn thứ 3 thi tuyển sinh vào lớp 10

GD&TĐ - Việc công bố sớm môn thi để học sinh có lộ trình dài hơn nhằm bù đắp kiến thức, cải thiện điểm số... là rất cần thiết.

Thí sinh Đà Nẵng xem danh sách dự thi kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Ảnh: PV
Thí sinh Đà Nẵng xem danh sách dự thi kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Ảnh: PV

Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS - THPT của Bộ GD&ĐT, môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 phải được thay đổi qua các năm để đảm bảo tính giáo dục toàn diện. Và với kỳ thi mang tính cạnh tranh như thi tuyển sinh vào lớp 10, thì việc công bố sớm môn thi để học sinh có lộ trình dài hơn nhằm bù đắp kiến thức, cải thiện điểm số... là rất cần thiết.

Phụ huynh, học sinh thấp thỏm

Ở bậc THCS Chương trình GDPT 2018, ngoài môn Ngữ văn và Toán sẽ là môn thi bắt buộc, còn có các môn chấm điểm có thể lựa chọn làm môn thi thứ ba gồm Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học.

Chị Thư Trâm (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Dù đã gần hết học kỳ I nhưng vẫn chưa có phương án thống nhất lựa chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới khiến phụ huynh thấp thỏm.

Vì không biết sẽ thay đổi như thế nào nên gần như học sinh vẫn chọn đầu tư nhiều cho 3 môn Ngữ văn, Toán và Anh văn như trước đây. Với các môn còn lại, tôi chỉ khuyên cháu nên nắm chắc kiến thức cơ bản, làm hết bài tập trong sách giáo khoa chứ không có đủ thời gian để ôn luyện thêm ở bên ngoài”.

Chị Nguyễn Phương Minh có con học tại Trường THCS Lê Lợi (quận Ngũ Hành Sơn) cũng nóng lòng chờ công bố môn thi thứ 3 sớm để trẻ có thời gian ôn luyện.

Theo chị Minh, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 những năm gần đây ở Đà Nẵng khá căng thẳng khi chỉ tiêu vào các trường THPT công lập chiếm khoảng 65 - 70% tổng thí sinh dự thi. “Đây là kỳ thi có tính chất cạnh tranh cao chứ không đơn thuần như kiểm tra học kỳ để có thể nói là học gì thi nấy.

Thế nên, phụ huynh và học sinh đều có lộ trình dài hơn để bù đắp kiến thức, cải thiện điểm số đối với những học sinh có học lực trung bình hoặc “luyện” để chắc chắn một suất vào các trường THPT công lập có điểm trúng tuyển cao. Nếu cuối tháng 3 mới công bố môn thi thứ 3 thì cả phụ huynh, học sinh và thầy cô đều trở tay không kịp”, chị Minh chia sẻ.

Theo lãnh đạo một số trường THCS tại Đà Nẵng, việc Bộ GD&ĐT chủ trương bốc thăm chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là cách làm phù hợp với cách đánh giá học sinh cấp THCS theo Thông tư 22 năm 2021 của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT. Theo đó, cách xếp loại học lực của học sinh không còn trung bình cộng các môn tính điểm. Đồng thời, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 là giáo dục toàn diện cho học sinh, tránh hiện tượng học lệch, môn này trọng, nhẹ môn kia…

nen-cong-bo-som-2.jpg
Có không ít học sinh đã khóc khi rời phòng thi ở các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do mức độ cạnh tranh cao. Ảnh: Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng)

Nảy sinh tâm lý loại trừ

Ông Mai Huy Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho rằng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên do các địa phương quyết định để phù hợp với điều kiện thực tế. “Ví dụ, các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội…, tỷ lệ học sinh vào các trường công lập so với tổng số học sinh dự thi cao thì có thể phải có môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Nhưng thực tế ở Quảng Trị và một số địa phương có điều kiện tương đồng, kỳ thi này gần như để đánh giá chất lượng đầu ra của cấp THCS là chủ yếu vì tỷ lệ loại không nhiều. Nếu vậy, không nhất thiết phải thi đến 3 môn mà chỉ cần Toán và Ngữ văn là đủ”, ông Phương phân tích.

Xây dựng phương án thi tuyển sinh vào lớp 10, nên đặt vào vị trí người học chứ không phải người dạy vì học sinh mới là chủ thể tham gia dự thi, bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) nêu quan điểm và cho rằng: “Năm 2025 là năm đầu tiên Quảng Nam tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 thay vì xét tuyển như trước đây. Thi tuyển là đảm bảo tính khách quan. Vì vậy, môn thi nên ổn định qua các năm và nên là Toán, Ngữ văn và Anh văn”.

Theo bà Trần Thị Thanh Vân, cũng đừng nên lo học sinh học lệch hay học tủ vì các môn học đều phải kiểm tra - đánh giá thường xuyên và định kỳ. Nếu giáo viên dạy nghiêm túc thì học trò buộc phải học. Chưa kể, phải tính đến khớp nối giữa 2 chương trình khi môn thi vào lớp 10 đôi khi không phải là môn học lựa chọn của nhiều học sinh khi lên THPT.

Nêu quan điểm cá nhân, thầy Bùi Duy Quốc - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho rằng, quay vòng môn thứ 3 vẫn sẽ có học sinh bỏ qua môn đã thi ở năm liền kề trước đó hoặc không tập trung, không đầu tư vào môn đã thi rồi; tập trung học các môn khác.

Để nâng cao chất lượng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, sau khi có kết quả kiểm tra học kỳ I, ngoài các môn Toán và Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ thống kê thêm điểm của các môn Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh để phân tích trong Hội nghị cha mẹ học sinh giữa năm học. Từ đó có cơ sở và kế hoạch tổ chức dạy học tăng cường cho các em sau khi được sự thống nhất của cha mẹ học sinh trong cuộc họp nhằm tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường THPT công lập.

Kết quả thống kê ý kiến thăm dò của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, nhiều trường THCS cho rằng nên cân nhắc chọn 1 môn thi còn lại trong số 2 môn Ngoại ngữ hoặc Lịch sử vì môn Lịch sử là một trong số các môn học bắt buộc hiện nay trong Chương trình GDPT 2018; đồng thời nên công bố môn thi thứ 3 sớm hơn so với dự kiến của Bộ GD&ĐT (31/3 hằng năm), có thể cuối kỳ I theo khung thời gian năm học của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ