Qua tham khảo chúng tôi được biết hiện có một số lượng khá lớn cán bộ, công chức có nguyện vọng muốn nghỉ hưu trước tuổi hoặc tự nguyên nghỉ việc nhưng vấn đề họ băn khoăn, vướng mắc đó là về các tiêu chí để được nghỉ hưu sớm như tiêu chí về độ tuổi, tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ… Đặc biệt, cán bộ, công chức quan tâm nhiều nhất là chế độ đãi ngộ hiện nay chưa thỏa đáng, không đủ sức hấp dẫn để họ nghỉ hưu sớm.
Vì vậy, chủ trương bổ sung cơ chế đặc thù khuyến khích cán bộ nghỉ hưu sớm của các thành phố lớn đã nhận được sự đồng tình rất cao của dư luận, nhất là cán bộ, công chức có ý định nghỉ hưu sớm.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đối với các địa phương ngân sách khó khăn không thể ban hành cơ chế đặc thù thì sao? Rất nhiều tỉnh, thành do không có kinh phí nên không thể đưa ra các cơ chế đặc thù đủ sức thuyết phục cán bộ, công chức nghỉ việc. Vì thế việc tinh giản biên chế ở các địa phương này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả thu được rất thấp.
Mặt khác, từng địa phương tự ban hành cơ chế đặc thù để khuyến khích cán bộ nghỉ hưu sớm sẽ tạo ra sự bất hợp lý, không công bằng trong thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức giữa các tỉnh, thành ảnh hưởng đến công cuộc tinh giảm biên chế, bộ máy.
Trước những vấn đề nêu trên, nên chăng Chính phủ ban hành chính sách, cơ chế đặc thù đồng bộ, thống nhất áp dụng trong cả nước theo hướng thông thoáng, hấp dẫn hơn nữa để khuyến khích cán bộ, công chức tự nguyện nghỉ việc. Cụ thể là cần sửa đổi các điều kiện để được nghỉ hưu trước tuổi như bỏ tiêu chí không hoàn thành nhiệm vụ, hạ tiêu chí về độ tuổi, tiêu chí ngạch, bậc…
Bên cạnh đó, cần bổ sung các chính sách ưu đãi hấp dẫn, chế độ cao hơn nữa như tăng số tiền được hưởng nếu về hưu sớm, nghỉ việc. Có như vậy, việc giảm biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy mới đạt kết quả như mong muốn.