(GD&TĐ) - Những ngày gần đây, hệ đào tạo tại chức (vừa làm, vừa học) đang là tâm điểm chú ý của dư luận xã hội. Trên hầu hết các tờ báo lớn đều ít nhiều đề cập đến thực trạng của hệ đào tạo này. Hệ đào tạo ĐH tại chức đang ở đâu trên nấc thang GD nước nhà? Làm gì để những "sản phẩm" của hệ đào tạo ĐH tại chức không phải là những thứ...bỏ đi?..
Bắt đầu từ một quyết định gây tranh cãi
Câu chuyện bắt đầu từ tờ trình của Sở Nội vụ và được Thành ủy TP Đà Nẵng thông qua với nội dung "Từ năm 2011, thành phố Đà Nẵng không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước". Việc "nói không" với sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức của chính quyền Đà Nẵng, một mặt được dư luận "chia sẻ", một mặt bị phản ứng dữ dội. Những người phản đối hành động quay lưng với sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức của Đà Nẵng đã tạo ra sự khác biệt trong đối xử, nếu không muốn nói là kỳ thị với những người theo học hệ tại chức và đi ngược lại chủ trương Học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước. Việc làm của chính quyền TP Đà Nẵng đã tước mất cơ hội của những người theo học hệ tại chức và như vậy, đã phạm Luật Giáo dục và Luật tuyển dụng công chức.
Những người "chia sẻ" với quyết định của Đà Nẵng cho rằng, chất lượng của hệ đào tạo tại chức "đáng báo động", rằng muốn có bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng công chức phải lựa chọn những sinh viên theo học hệ chính quy vì mặt bằng kiến thức của loại hình đào tạo này cao hơn.
Về quyết định của Đà Nẵng, GS Nguyễn Minh Thuyết- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi: "Hiện nay, việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đa phần đều theo hình thức tại chức; không nhận người tốt nghiệp sau ĐH tại chức thì biết nhận ai?".
Xa hơn thế, một số ý kiến cho rằng, quyết định của Đà Nẵng như một lời cảnh tỉnh đối với hệ đào tạo ĐH tại chức, rằng vẫn còn chuyện thật-giả của tấm bằng tại chức, rằng vẫn còn còn buông lỏng, dễ dãi trong đào tạo ĐH tại chức và như vậy, tấm bằng ĐH tại chức đang tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trong việc tuyển dụng, bố trí công việc đối với công chức trong cơ quan công quyền.
(ảnh minh họa: Internet) |
Đào tạo ĐH tại chức: Thực trạng và giải pháp
Không thể phủ nhận mặt bằng kiến thức của loại hình đào tạo hệ chính quy cao hơn hệ tại chức. Tuy nhiên, bằng cấp cũng chỉ là một trong những "điều kiện cần" của công tác tuyển dụng. Đã từ lâu các cơ quan tuyển dụng đều "nhìn thấu qua bằng" bằng cách đưa ra quy trình tuyển chọn chặt chẽ, khoa học qua các cuộc thi để chọn người tài. Người được tuyển chọn không chỉ có kiến thức mà còn phải có kỹ năng sống, kỹ năng thực hành tốt, phù hợp với mục đích tuyển chọn.
Không phải đến bây giờ người ta mới bàn đến chuyện chất lượng đào tạo của hệ tại chức. Thái độ kỳ thị đối với tấm bằng tại chức đã có từ lâu. Xét về người học, hệ tại chức thua hẳn hệ chính quy ở "đầu vào" và tất nhiên, ở cả "đầu ra". Loại trừ những trường hợp đặc biệt, còn lại đa phần những người theo học hệ tại chức là những người không đỗ trong các kỳ thi vào ĐH. Xét về điều kiện học tập, những người theo học hệ tại chức cũng thua thiệt so với những người theo học hệ chính quy về thời gian và ở góc độ nào đó là cả chương trình học tập. Thời gian học của hệ tại chức thường vào buổi tối hoặc những ngày nghỉ, học viên đã thấm mệt sau khi hoàn thành công việc chính của mình. Còn chương trình đào tạo của hệ tại chức thường rút ngắn hơn và thực dụng hơn so với chương trình đào tạo chính quy. Trên thực tế, không thể phủ nhận ở một số địa phương, không ít chương trình liên kết đào tạo được thực hiện dễ dãi từ khâu tuyển sinh, giảng dạy đến thi cử. Theo ông Phạm Ngọc Trúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT thì trong mấy năm gần đây, thanh tra Bộ đã phát hiện và xử lý một số cơ sở đào tạo tại chức sai quy định. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh đời sống còn eo hẹp, từ nhiều năm nay, hệ đào tạo tại chức được xem như "nồi cơm", một nguồn để tăng thêm thu nhập cho các trường ĐH. Chính vì vậy, nhiều trường đã tự ý tuyển sinh vượt chỉ tiêu quy định (Theo quy định, chỉ tiêu đào tạo tại chức của một trường ĐH bằng 50% số sinh viên chính quy) để tăng thu nhập...Tất cả những điều ấy đều có và nó tồn tại như bao "khuyết tật" khác trong xã hội Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cứ băn khoăn với nhận định của một số người, rằng ở thời điểm này, các lớp tại chức liên kết đang "ngàn hoa đua nở"!? Thực tế trong những năm gần đây, số lượng các cơ sở đào tạo và tất nhiên, số lượng sinh viên theo học hệ ĐH tại chức giảm đi đáng kể. Đổi lại, không thể phủ nhận rằng chất lượng đào tạo ĐH tại chức của ta được nâng lên một bước so với trước đó. Tại sao lại như vậy? Có thể đưa ra một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, công tác quản lý hệ đào tạo ĐH tại chức của Bộ GD-ĐT đã được cải thiện đáng ghi nhận. Quyết định 36/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 28/6/2007 về việc ban hành "Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học" và sau đó là Quyết định 62/2008/QĐ-BGDĐT ra ngày 25/11/2008 ban hành "Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học". Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, 2 quyết định này góp phần siết chặt hơn hệ thống GDĐH tại chức vốn lỏng lẻo từ nhiều năm trước. Kể từ đó, chương trình đào tạo ĐH tại chức là chương trình đào tạo ĐH chính quy. Về công tác quản lý, nhà trường chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu thông báo chiêu sinh, tổ chức tuyển sinh, quyết định điểm chuẩn, chọn giáo viên, tổ chức giảng dạy, thi cử và cấp văn bằng...Các cơ sở đặt lớp chỉ có trách nhiệm cung cấp cơ sở vật chất và làm nhiệm vụ quản lý lớp học, quản lý sinh viên và theo dõi kế hoạch giảng dạy của giáo viên. Các cơ sở đặt lớp này chỉ được quyền thu chi một số nội dung công việc được các trường ĐH ủy quyền. Như vậy, các cơ sở đặt lớp không có quyền mở lớp. Trao đổi với GD&TĐ, ông Phan Mạnh Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH Bộ GD-ĐT khẳng định: những cơ sở mở lớp không đúng quy định, Bộ kiên quyết không cấp bằng. Những quy định chặt chẽ của Bộ GD-ĐT cùng với công tác thanh, kiểm tra thường xuyên không nhằm mục đích nào khác ngoài nâng cao chất lượng của hệ đào tạo ĐH tại chức.
Thứ hai, Bộ GD-ĐT có chủ trương tăng số sinh viên chính quy và giảm số sinh viên theo học hệ tại chức. Bằng chứng là các trường ĐH được mở ở hầu hết các tỉnh thành nhằm thu hút sinh viên vào học hệ chính quy.
Thứ ba, có một nguyên nhân khá "tế nhị", rằng các nhà tuyển dụng không mấy mặn mà với sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức...Nhiều cơ quan tuyển dụng đã làm việc này từ lâu, chỉ có điều, họ không "văn bản hóa" như Đà Nẵng mà thôi.
Như vậy, quy định, hay nói cách khác là hành lang pháp lý cho hệ đào tạo ĐH tại chức đã bước đầu được kiện toàn. Tuy nhiên, theo lời ông Tiến, các trường thực hiện chưa nghiêm. Với quy mô phát triển của hệ đào tạo ĐH tại chức, các trường phải có hẳn một bộ phận chuyên trách quản lý chứ không phải một vài cán bộ ở phòng đào tạo kiêm nhiệm. Ngoài ra, các trường phải tổ chức nghiêm ngặt các kỳ thi, sinh viên phải về trường thi chứ không tổ chức thi ở các cơ sở đào tạo như đang tiến hành. Ông Tiến cho rằng, một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại chức là đưa giảng viên giỏi về địa phương, không chạy theo số lượng mà phải đề cao chất lượng. Cụ thể là tỷ lệ đỗ trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp tại chức chỉ cần vài ba % cũng được, miễn là thực chất. Các trường không nên lấy kết quả cao, thấp của hệ tại chức để đánh giá thi đua.
Để làm được việc này, theo ông Tiến cần có sự chung tay của các nhà trường, của người học và của toàn xã hội.
Học tập là công việc suốt đời. Chỉ cách đây chưa lâu (ngày 6/12), Diễn đàn "Việt Nam: Học tập suốt đời-Xây dựng xã hội học tập" đã thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới và khu vực. Một thông điệp hết sức nhân văn của UNESCO rằng "mang lớp học về với người học" đã chính thức vang lên trên Diễn đàn. Trong bối cảnh xã hội không ngừng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho sự nghiệp CNH,HĐH thì xây dựng một xã hội học tập là nhu cầu hết sức bức thiết. Thực tế cho thấy, đào tạo ĐH tại chức của ta khác xa so với trước đây. Khi nhu cầu học tập của người dân càng ngày càng tăng thì mô hình đào tạo tại chức càng chiếm vị trí quan trọng trong sự nghiệp GD của nước nhà. Bằng tại chức không còn là "cần câu cơm" nữa và học tại chức là một nhu cầu thực thụ: nhu cầu được trang bị kiến thức, nâng cao dân trí của mỗi người dân. Không ít sinh viên đã có bằng chính quy vẫn theo một vài khóa học tại chức để nâng cao cả trình độ chuyên môn lẫn sự hiểu biết chung. Kiến thức của nhân loại là biển cả. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế, việc không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ mọi mặt là chìa khóa dẫn đến mọi thành công. Và con đường theo học hệ tại chức đã góp phần đáp ứng nhu cầu thực tiễn đó. Hệ đào tạo tại chức đã và đang đóng góp một nguồn nhân lực lớn cho xã hội. Chính vì vậy, mọi hành động phân biệt đối xử với hệ đào tạo tại chức là đi ngược lại xu thế học tập của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Chỉ có điều, không ngừng đổi mới về tổ chức quản lý đối với hệ đào tạo ĐH tại chức đang là thách thức không nhỏ đối với Bộ GD-ĐT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Tại Diễn đàn "Việt Nam: Học tập suốt đời-Xây dựng xã hội học tập", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắn thừa nhận chất lượng và hiệu quả đào tạo này còn hạn chế. Chính vì vậy, sự thống nhất cả về tư tưởng lẫn hành động giữa Bộ GD-ĐT và các trường ĐH, các cơ sở đào tạo tại chức trong năm "Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục" là hết sức cần thiết.
Anh Phương