Chiếc máy bay được đặt tên chính thức là X-59 QueSST vào năm 2018 và đã được đưa vào giai đoạn lắp ráp cuối cùng trong năm 2019.
Với chiếc máy bay này, NASA đã đề ra mục tiêu tạo ra một chiếc máy bay hoạt động siêu yên tĩnh và có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh.
Ngoài việc nâng vận tốc tối đa và độ cao hoạt động lên cao hơn so với những mẫu trước trong dự án, X-59 QueSST còn được thiết kế để vượt vận tốc âm thanh mà không tạo ra tiếng nổ siêu thanh. Chiếc máy bay X-59 QueSST khi vượt tường âm thanh sẽ chỉ tạo ra một tiếng đập lớn, nếu có.
Lockheed Martin, công ty được NASA ủy quyền chế tạo máy bay cho biết: “Đang có tiến triển rất tốt trong giai đoạn sản xuất. Sau khi hoàn thành giai đoạn lắp ráp cuối cùng, chúng tôi sẽ chứng minh khả năng chịu đựng của khung máy bay và các bộ phận khác, tiến hành một vài thử nghiệm và chính thức ra mắt”.
Điều này diễn ra sau một năm đạt được nhiều tiến bộ lớn, đôi cánh của máy bay đã được lắp ráp tại Lockheed Martin Skunk Works ở Palmdale, California và các hệ thống đổi mới cho chiếc máy bay tiếp tục phát triển.
Một khi chiếc máy bay được lắp ráp đầy đủ, nó sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2020 hoặc 2021, đại diện hãng Lockheed Martin cho biết thêm.
Nhưng liệu một chiếc máy bay di chuyển với tốc độ siêu âm, hay nhanh hơn tốc độ âm thanh, có thực sự đủ yên tĩnh để tránh gây ra các xáo trộn lớn? Theo đại diện này cho biết, đội ngũ đứng đằng sau chiếc máy bay tự tin rằng nó sẽ cực nhanh và cực yên tĩnh.
“Chúng tôi rất tự tin. Tất cả các loại mô phỏng và dự đoán mô hình đều phù hợp, vì vậy chúng tôi tin rằng, dựa trên các mô hình và mô phỏng này mà chúng tôi đã chạy, nó sẽ đạt được mức âm thanh bùng nổ thấp đó khi đạt đến tốc độ siêu âm”.
Để đảm bảo rằng điều này sẽ xảy ra và máy bay không chỉ hoạt động chính xác và đạt được những tốc độ đáng kinh ngạc mà còn đủ yên tĩnh để không gây phiền toái cho công chúng, các thử nghiệm bổ sung sẽ được tiếp tục sau quá trình hoàn thành máy bay vào năm 2020.
Tiếng nổ siêu thanh mà các máy bay phản lực tạo ra hoàn toàn không liên quan đến động cơ máy bay. Tiếng nổ xảy ra do các sóng xung kích va vào nhau sau khi máy bay vượt ngưỡng vận tốc của âm thanh.
Và với những người ở mặt đất thì chỉ nhận thấy một tiếng nổ duy nhất, tuy nhiên quá trình diễn ra không chỉ có vậy. Tiếng nổ vẫn tiếp tục kéo dài khi máy bay di chuyển với vận tốc cao hơn vận tốc âm thanh.
Những bài thử nghiệm được thực hiện sau năm 2020 sẽ nhằm đảm bảo mọi tính năng của máy bay hoạt động đúng thiết kế và đạt được tốc độ đề ra nhưng vẫn giữ được mức độ yên tĩnh và không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Việc chế tạo máy bay chỉ là giai đoạn 1, còn lại giai đoạn 2 sẽ là hoạt động thử nghiệm bổ sung, bao gồm cả lấy chứng chỉ về kiểm định tiếng ồn.
NASA cho biết, giai đoạn 3 sẽ bao gồm việc đo lường tác động của chiếc máy bay đến con người khi nó bay ở tốc độ lớn hơn vận tốc âm thanh.