Náo nức tình yêu cuộc sống qua những vần thơ xuân

GD&TĐ - Chẳng biết tự bao giờ, xuân của đất trời hòa nhập với xuân của lòng người để những vần thơ chảy mãi lên trang giấy… để lại cho đời bao thi phẩm tuyệt diệu, đắm say.

Ảnh minh họa mùa xuân. Nguồn: IT
Ảnh minh họa mùa xuân. Nguồn: IT

Ngày xuân, trong muôn vàn niềm vui và tất bật, hãy dành ít thời gian cho tâm hồn lạc vào “xứ thơ xuân” để cùng hân hoan, náo nức, để hy vọng, tin yêu…

1.

Xin được mở đầu bằng những vần thơ tiêu biểu của người xưa:

Cáo tật thị chúng

Xuân khứ bách khoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền khứ

Tão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Dịch nghĩa:

Có bệnh bảo mọi người

Xuân qua trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa tươi

Việc đời ruổi qua trước mắt

Tuổi già hiện ra trên đầu

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, một nhành mai nở trước sân

Trong vòng xoay bất tận của thời gian, trong vũ điệu tưng bừng của cuộc sống, có những lúc con người vẫn dừng lại để chờ đợi, lắng nghe nhịp thở của khoảnh khắc giao thời. Xuân đến mang theo một sức sống mới, một tình yêu mới để khát khao, cùng yêu thương, rạo rực. Đến với “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư, người đọc cảm nhận được gần hơn, rõ hơn quy luật của thời gian. Ai dám đảm bảo đời người trẻ mãi không già, ai dám bảo hoa kia tươi mãi, không tàn. Điều quan trọng là con người đón nhận cuộc sống như thế nào. Bài thơ nói đến cả bệnh tật, tuổi già, tóc bạc nhưng mặc nhiên không một chút xao động, run sợ trước cái hữu hạn của thiên nhiên. “Một cánh én nhỏ, chẳng làm nên mùa xuân”. Vậy mà chỉ một nhành mai nở muộn cũng làm thức dậy một mùa xuân. Nhà thơ nhận ra cái lẽ sinh - diệt tự nhiên của vũ trụ: Xuân tàn -  hoa rụng, rồi lại nở. Nhưng tài tình thay trong ta chẳng có dấu ấn của sự phai tàn, rơi rụng. Ngược lại, thi sĩ làm sống dậy một mùa xuân. Xuân tàn, hoa rụng, chỉ cần trong ta còn một nhành mai. Vẻ đẹp của một tâm hồn thanh tĩnh, một cái nhìn điềm nhiên, lạc quan… sẽ bất tử cùng thời gian, bởi đó là biểu tượng đẹp của tình yêu cuộc sống.

Dẫu ưu tư thế sự sơn hà, Nguyễn Trãi vẫn thả hồn mình trong dáng vẻ xanh tươi của cỏ xuân, của bến đò xuân đầu trại. Và trong sắc xuân đó Ức Trai đã cất bút chắp hồn cho những vần thơ long lanh lạ thường.

Một đóa hoa đào khéo tốt tươi

Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười

Đông phong ắt có tình chăng nữa

Kín tiễn mùi hương dễ động lòng.

                                (Đào hoa thi)

Chúa xuân kín đáo đưa hương hoa đến để dễ động lòng ai cho tình đời thêm nồng ấm. Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du phác họa bằng thơ một bức tranh ngày xuân có thiên nhiên, có lễ hội sáng trong, tươi đẹp.

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

                                      (Truyện Kiều)

Đứng giữa đất trời mùa xuân, thi nhân nghe lòng trắc ẩn. Dường như hơi ấm mùa xuân làm cho con người yêu thương hơn cuộc đời. Tùng Thiện Vương Miên Thẩm đã hơn một lần mang nỗi buồn thế sự lúc xuân sang:

Từ đông én đã bay về

Thời gian đã lại chuyển mùa sang xuân

Chiến tranh nghèo đói quá chừng

Mà sao liễu lục hoa hồng vẫn xanh.

Chiến tranh vẫn không làm phai tàn sắc xuân. Sức sống của xuân vẫn là nét son tô điểm cuộc đời. Niềm ưu tư trong thơ Miên Thẩm đậm ý nghĩa nhân văn.

Ảnh minh họa mùa xuân. Nguồn: IT
Ảnh minh họa mùa xuân. Nguồn: IT

2.

Và có lẽ chưa bao giờ xuân đáng yêu như trong thơ lãng mạn. Đọc Thơ mới ta bắt gặp những vần thơ xuân tuyệt bút. Tha thiết và khát khao với cuộc đời, thi nhân hân hoan đón nhận mùa xuân bằng tất cả tình yêu rạo rực. Ít nhất trong một miền cảm xúc nào đó, vẻ đẹp mùa xuân đã thắp lên trong cõi nhân sinh của những tâm hồn vốn đa mang, đa cảm một niềm tin sự sống.

Nguyễn Bính - nhà thơ của hồn quê, chân quê đã viết về mùa xuân bằng tất cả tình yêu chân thành và đằm thắm nhất. Xuân trong thơ ông gắn với vẻ thanh khiết nơi đồng quê, cái ấm áp nơi ngõ xóm và nét dìu dịu của hương bưởi, hương cam.

Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng

Ngọt ngào hương bay, bướm vẽ vòng.

                                              (Xuân về)

Trời đất trở mình thức giấc sau giấc ngủ mùa đông. Dưới nắng xuân hồng, vạn vật khoe sắc, cây cối đâm chồi, nảy lộc. Đồng điệu, đánh thức thi sĩ Hàn Mặc Tử đón nhận mùa xuân bằng các giác quan, bằng độ chín của cảm xúc. Chính sự hòa hợp tuyệt diệu này đã sáng tạo ra những vần thơ trong trẻo lạ thường về một nàng xuân tròn đầy nhất, viên mãn nhất, đẹp và tràn đầy sức sống nhất.

Trong làn nắng ửng: Khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

                               (Mùa xuân chín)

Được vẽ theo lối Á Đông cổ điển, người đọc chỉ có thể cảm nhận được bức tranh ấy bằng tâm hồn, bằng trực giác nhạy cảm. Bức họa với những gam màu tưởng tượng như “nắng ửng”, “mơ tan”, “lấm tấm vàng” có lực đủ để thôi miên, thu hút lòng người… Chỉ 4 câu thơ thôi nhưng thi nhân đã thâu tóm được cái hồn, nhãn thần của mùa xuân. Xuân ở đây vừa trỗi dậy một sức sống trong lành tinh khôi của thiên nhiên, vừa toát lên một vẻ đẹp mộc mạc giản đơn đến xao lòng của cảnh vật làng quê.

Đường nét thanh tú mảnh mai, những gam màu nhạt, sáng, âm thanh trong trẻo, hương thơm tinh khiết, nhẹ nhàng… tất cả quyện hòa vào nhau, duyên dáng làm sao! Kìa, bóng xuân đã sang, neo đậu trên giàn thiên lý, hồn xuân đã ở lại với lòng người… Sức sống mơn man bừng lên sinh khí mới nơi làng quê vốn lặng lẽ, thanh bình…

Xuân của đất trời và xuân của lòng người giao thoa, gặp gỡ. Sức sống bất tận như suối nguồn trong vắt của nàng xuân e ấp, tình tứ làm thức dậy cả nỗi niềm, tình yêu và lòng khát khao nơi tuổi trẻ.

Cũng xóm làng trên cô gái thơ,

Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ,

Gió đông mơn trớn bông hoa nở,

Lòng gái xuân kia náo nức chờ.

Tưng bừng hoa nở, bóng ngày xuân,

Rực rỡ lòng cô, hoa ái ân.

Như đợi, như chờ, như nhớ tưởng

Đợi chờ, tưởng, nhớ bóng tình quân.

                    (Cô gái xuân – Đông Hồ)

Vâng, cô gái xuân trẻ trung, xinh đẹp của Đông Hồ vẫn khát khao, vẫn đợi chờ, vẫn thiết tha và rạo rực trước một mùa xuân ăm ắp tình…

Với Xuân Diệu - nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới - xuân bao giờ cũng là thiên đường ngay trên mặt đất như một bữa tiệc tươi ngon mơn mởn, căng tràn sự sống. Thiên nhiên và con người trong thơ Xuân Diệu phong phú, giao hòa giao cảm. Đối với ông, xuân là mãi mãi, là niềm háo hức, say mê đến tận cùng.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hang mi,

Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

                                                  (Vội vàng)

3.

Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi, coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu, luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân. Nhà thơ ít chú ý tới những diễn biến bình thường của đời sống mà thường tập trung khắc họa những bối cảnh rộng lớn, những biến cố quan trọng tác động mạnh mẽ đến vận mệnh dân tộc – đó là cảnh xây dựng đất nước thật vĩ đại, hào hùng (Bài ca mùa xuân 1961), cảnh cả nước lên đường ra mặt trận chiến đấu vì độc lập, tự do (Chào xuân 67)…

Năm 1960, lần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ III được họp giữa Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: “Đẩy mạnh công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, củng cố miền Bắc thành cơ sở ngày càng vững chắc cho cuộc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc; Ra sức hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; Thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Không khí dựng xây cuộc sống mới lan tỏa, phấn chấn. Mừng xuân mới 1961, Bác Hồ viết: Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh. Đêm 21/1/1961, trong  niềm vui rạo rực, “cuộc sống đánh vào thơ trăm ngàn lớp sóng”, Tố Hữu viết bài thơ Bài ca mùa xuân 1961. Trước cuộc sống dựng xây mới trên một nửa đất nước thân yêu, không nén được cảm xúc dâng trào, nhà thơ cách mạng cất cao lời thơ “chào xuân đẹp” đã về:

Tôi viết bài thơ xuân

Nghìn chín trăm sáu mốt

Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt

Nắng soi sương giọt long lanh…

                          (Bài ca mùa xuân 1961)

Nhìn xuân mới, lòng người cảm thấy lâng lâng. Nhưng, nhìn xuân mới, ngay trong cảnh sắc đẹp, cảm giác trong trẻo, ngọt ngào, thi sĩ vẫn để lòng mình ngậm ngùi hồi tưởng:

Rét nhiều nên ấm nắng hanh

Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng!

Giã từ năm cũ bâng khuâng

Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường

                            (Bài ca mùa xuân 1961)

Cái bâng khuâng ấy nghe thật da diết, yêu thương. Cái lâng lâng ấy phải chăng là độ chín trong cảm xúc bất tận của nhà thơ. Nhịp đập trong thơ Tố Hữu đã trở thành mạch đập chung của dân tộc. Vui bất tận, cuộc sống như được hồi sinh, lòng người náo nức hòa vào âm vang rộn rã của không khí dựng xây, của nhịp điệu lao động khẩn trương, náo nức:

Đường nở ngực. Những hàng dương liễu nhỏ

Đã lên xanh như tóc tuổi mười lăm

Xuân ơi Xuân, em mới đến dăm năm

Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội

Như hôm nay, giữa công trường đỏ bụi

Những đoàn xe vận tải nối nhau đi

Hồng Quảng, Lào Cai, Thái Nguyên, Việt Trì

Tên đất nước reo vui bao tiếng gọi...

                                    (Bài ca mùa xuân 1961)

Rạo rực, thiết tha trước cuộc sống dựng xây, niềm vui lan tỏa, âm vang theo những vần thơ xuân của Tố Hữu. Tiếng thơ là tiếng lòng, trải dài theo nhịp bước thời gian và âm vang thời đại. Năm 1964, Mỹ thua đau ở miền Nam, chúng leo thang chiến tranh ra miền Bắc với âm mưu hủy diệt tận cùng sự sống hòng đưa ta trở về thời kì đồ đá, nhưng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, cả nước sục sôi chống Mỹ, cứu nước. Các thế hệ cùng ra trận ở cả hai miền Nam, Bắc. Vâng, ta vì ba chục triệu người, cũng vì ba ngàn triệu trên đời, nên dù cuộc sống chiến đấu của chúng ta có nhiều gian khổ, hi sinh, sống chết từng giây, mưa bom bão đạn, con người chúng ta vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay. Chưa bao giờ Tố Hữu viết nhiều thơ xuân và trong thơ xuân lại có nhiều câu hào hùng, lạc quan như thế:

Như nghìn năm đẹp nét xuân xưa

Bỗng tỏa gương trong sạch bụi mờ

Xuân mới đơn sơ đằm thắm vậy

Căng đầy sức dậy, dáng non tơ.

                             (Xuân sớm 1966)

Mùa xuân Việt Nam mãi muôn đời vẫn là xuân của lòng dũng cảm. Xuân trong thơ Tố Hữu không chỉ là xuân của đất trời, của một trong bốn mùa luân chuyển, không chỉ là xuân của cỏ cây hoa lá mà đó còn là xuân của lòng người mang ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc, của những con người Việt Nam anh dũng, trung kiên. Xuân trong thơ Tố Hữu nồng nàn sức trẻ, của niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng. Trong âm vang thời đại, đi bên xuân là anh giải phóng quân – con người đẹp nhất, đi cùng xuân là chàng Thạch Sanh thế kỉ hai mươi, là chiếc mũ tai bèo  của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tiếng hát vang dội non sông:

Vì muôn đời hoa lá xanh tươi

Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất

                                            (Bài ca xuân 68)

Xuân đến làm đổi thay tất cả, vạn vật tràn đầy sức sống, lòng người trở nên tươi trẻ. Nhà thơ xứ Huế Thanh Hải cảm nhận sắc xuân vùng đất núi Ngự sông Hương bằng cái nhìn hết sức thi vị, xanh thơ:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

                         (Mùa xuân nho nhỏ)

Khoác lên mình màu áo mới, Hương Giang càng thêm duyên dáng lạ thường. Sắc màu tím biếc của bông hoa điểm xuyến giữa dòng sông xanh tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, say mê. Lại nữa, tiếng chim chiền chiện trong trẻo cất cao tạo nên tiếng nhạc xuân vang cả trời đất. Trước tiếng gọi mùa xuân, lòng người càng tha thiết. Ý thức sống trỗi dậy. Vâng, “cuộc đời của mỗi chúng ta là một mùa xuân nho nhỏ”. Và mùa xuân ấy chỉ đẹp khi ta biết cống hiến, biết sống có ích cho đời. Mỗi một chúng ta hãy làm:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

                           (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)

Đọc thơ xuân để lại càng yêu hơn nước non mình. Thơ xuân mãi mãi là món quà có ý nghĩa nhân văn. Tôi gọi Mãn Giác thiền sư, Nguyễn Trãi, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Đông Hồ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Thanh Hải… là những lãng tử mùa xuân trong thi ca Việt sống mãi trong lòng bạn đọc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quân đội Israel khiến Gaza đổ nát.

Chiến tranh thế giới thu nhỏ

GD&TĐ - Chưa từng có về quy mô và thời gian, cuộc chiến tranh hỗn hợp Israel-Hamas có thể dễ dàng leo thang thành 'Chiến tranh thế giới thu nhỏ'.