“Nàng tiên bảng đen phấn trắng” trên vùng cao Mèo Vạc

GD&TĐ - Từ tuổi mẫu giáo, cô bé người dân tộc Lô Lô Lò Thị Dinh đã thấm thía cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông vùng cao qua đôi chân trần và tà áo mỏng manh đến trường. Cũng từ đó, ước mơ trở thành cô giáo, để thoát khỏi đói nghèo, nhưng trên hết là để sẻ chia, giúp đỡ những đứa trẻ nghèo khó như mình ngày càng cháy bỏng và mãnh liệt.

Cô giáo Lò Thị Dinh tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục năm 2015
Cô giáo Lò Thị Dinh tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục năm 2015

Cô bé đó, ngày hôm nay không chỉ thực hiện được ước mơ, mà hơn thế đã trở thành một giáo viên trẻ đấy nhiệt huyết, giỏi giang, là niềm tự hào của người dân huyện Mèo Vạc, tỉnh Lào Cai.

Với trẻ nhỏ Trường mầm non Hoa Lan nơi cô công tác, cô giáo Lò Thị Dinh giống như nàng tiên với những phép “biến hóa” thần kỳ, giúp bài giảng nào cũng trở lên vô cùng hấp dẫn. Cô tiên nhỏ bé đó còn hàng ngày tranh thủ từng giờ phút rảnh rỗi ít ỏi để nghĩ cách, để hành động nhằm giúp học sinh nghèo có thêm manh áo ấm, miếng ăn ngon.

Tiết kiệm từng nghìn để được thêm con chữ

Tôi gặp cô giáo Lò Thị Dinh tại trước thềm Hội nghị thi đua yêu nước ngành Giáo dục. Dù cố tưởng tượng, tôi cũng khó hình dung cô giáo đại diện cho đông đảo giáo viên mầm non cả nước phát biểu tại Hội nghị lại trẻ đến thế; cũng khó hình dung, con đường để trở thành một cô nuôi dạy trẻ của cô lại khó khăn đến thế.

Cô Lò Thị Dinh kể mình sinh ra trong một gia đình dân tộc, đã nghèo lại đông con. Việc nuôi 6 đứa con để không đói ăn đã là quá khó khăn, huống chi cho các con ăn học đàng hoàng.

Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng cô Lò Thị Dinh đã 4 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 1 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh
Ấy vậy mà, trong khi việc học với các bạn cùng lứa chẳng có nhiều ý nghĩa, không hiểu sao với cô bé Dinh lại hấp dẫn đến như vậy. Cha mẹ nghèo, cô bé Dinh đã có một ý tưởng táo bạo: Tự kiếm tiền đi học.

“Còn nhớ, bắt đầu từ năm lớp 3, mỗi sáng tôi dậy từ rất sớm, tự nấu một nồi cơm to địu đến chợ bán. Mỗi nồi như vậy, bán hết cũng chỉ được hai ngàn đồng nhưng với tôi khi đó đã là lớn lắm. Nhiều năm như vậy, nhiều lúc lưng mỏi rã rời, quần áo lúc nào cũng lem nhọ nồi nhưng những đồng tiền nhỏ bé cho tôi niềm hy vọng được học tiếp” – cô Lò Thị Dinh Tâm sự.

Chỉ thế cũng đủ biết, để được vào học trường cao đẳng sư phạm của tỉnh, rồi quãng đời sinh viên của Lò Thị Dinh vất vả như thế nào. Trong khi các bạn đi học được cha mẹ phụ cấp, hỗ trợ, thì Dinh hàng ngày phải dậy từ 4 – 5 giờ sáng làm vệ sinh hành lang, lớp học, kiếm thêm đôi trăm mỗi tháng; sau đó cần mẫn dạy thêm để có tiền tiếp tục nuôi mơ ước.

“Bởi vậy, khi chính thức biết quyết định trúng tuyển giáo viên mầm non, tôi đã nức nở khóc ngay trước thềm ủy ban. Tôi đã thực hiện được ước mơ của mình rồi…!” – cô giáo trẻ nghẹn ngào nhớ lại.

“Chuyên gia” về trẻ mầm non

Dạy trẻ mầm non vốn khó, nhưng với trẻ em dân tộc lại càng khó bội phần. Các em đều con nhà nghèo, tiếng Việt rất kém, còn hạn chế về nhận thức, đường sá xa xôi cách trở. Với các em, đòi hỏi không chỉ là chuyên môn mà trên hết vẫn là tình cảm thương yêu thực sự.

Hàng ngày, cô giáo trẻ đến trường và dồn tất cả nhiệt huyết, tình thương vào bài giảng. Có lẽ vì thế mà học trò nào cũng mê, cũng bị hút hồn bởi từng lời giảng của cô.

Cô Dinh kể: Để trẻ thực sự thích đến trường, giáo viên chúng tôi phải hàng ngày, hàng giờ tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, tuyên dương các con kịp thời và luôn tạo sự gần gũi, thân thiện.

Khi các con ngủ trưa thì cô tranh thủ ngồi cắt dán, làm đồ dùng dạy học; nhiều khi trả trẻ về hết, các cô vẫn cặm cụi với hoa giấy, đồ chơi để ngày mai các con có thêm bất ngờ mới, niềm vui mới. Thậm chí ngày hè, lẽ ra được nghỉ ngơi, nhưng các thầy cô cũng đến trường, xây dựng các lớp bồi dưỡng năng khiếu tình nguyện để học sinh có một sân chơi lành mạnh, mong các con bớt đi thiệt thòi vì không có điều kiện tham quan du lịch như trẻ thành phố.

Nỗi niềm trẻ nghèo luôn canh cánh, cô giáo Lò Thị Dinh còn cố gắng vận động sự giúp đỡ của nhiều người để học sinh của mình có manh áo ấm đến trường và được cải thiện bữa ăn hàng ngày. “Chỉ mong các em không khổ như mình khi xưa” – cô Dinh tâm sự.

“Quê hương tôi đã có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, có rất nhiều gương tiêu biểu, điển hình đạt giáo viên giỏi và chiến sĩ thi đua các cấp, đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục trẻ” – Cô giáo Lò Thị Dinh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.