Nữ nhà giáo yên tâm công tác, chủ động tham gia quá trình đổi mới
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới (BĐG) và Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) trong các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nêu rõ: Nữ CBGV-NV chiếm vị trí và vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành Giáo dục. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia, hưởng lợi trong lĩnh vực GD-ĐT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4996 phê duyệt kế hoạch hành động giới ngành GD giai đoạn 2016-2020.
Ngành đã đề ra ra 6 mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể thực hiện kế hoạch. Sau 5 năm, nhiều mục tiêu chỉ tiêu đã cơ bản đạt và vượt, nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả được nhân rộng… Giai đoạn mới, toàn ngành cần phát huy thành tích đạt được, khắc phục khó khăn để tạo đột phá trong công tác BĐG và VSTBPN, triển khai hiệu quả Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo…
Toàn ngành hiện có trên 52 nghìn đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục với gần 1,6 triệu cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ), trong đó nữ chiếm khoảng 80%; trên 23 triệu học sinh, sinh viên, trong đó nữ chiếm gần 50%.
Sau 5 năm triển khai thực hiện kế hoạch hành động theo Quyết định 4996, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác BĐG đã được cụ thể hóa trong ngành Giáo dục. Công tác BĐG và VSTBPN được triển khai hiệu quả, thiết thực, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của nữ CBNGNLĐ trong ngành và xã hội.
Các chế độ chính sách được thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời; đời sống vật chất, tinh thần của CBNGNLĐ từng bước được nâng lên. Đội ngũ CBNGNLĐ yên tâm công tác, chủ động tham gia quá trình đổi mới...
Trong 5 năm qua, thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và nghiên cứu khoa học được ngành GD và các đơn vị quan tâm thực hiện.
Trong đó, toàn ngành đạt chỉ tiêu: có 90% phòng GD&ĐT; 90% cơ sở giáo dục đại học có nữ tham gia Hội đồng trường/Ban giám hiệu/Ban Giám đốc; 40% nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục…
Với mục tiêu bảo đảm các vấn đề về giới, BĐG được lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, SGK mới, các đơn vị đã đạt chỉ tiêu: nội dung, chương trình và SGK mới được điều chỉnh và loại bỏ những nội dung, hình ảnh có định kiến giới nhằm góp phần thúc đẩy BĐG; nội dung về giới tính, giới, BĐG, sức khỏe sinh sản, tình dục và phòng chống bạo lực học đường được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt ở các trường sư phạm…
Bên cạnh thuận lợi, hoạt động VSTBPN trong ngành Giáo dục còn gặp một số khó khăn: Việc triển khai Quyết định 4996 ở một số đơn vị thiếu tính hệ thống, còn có vướng mắc. Một số Sở GD&ĐT chủ yếu triển khai ở các đơn vị trực thuộc, gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện đối với các đơn vị khối phòng GD&ĐT.
Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của nữ CBGV không đồng đều. Tỷ lệ CBQL còn thấp, càng lên cao tỷ lệ nữ CBQL càng thấp và chưa tương xứng tiềm năng, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ nữ trong ngành. Trong khi đó, công tác chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa chú trọng tỷ lệ nữ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ.
Hoạt động của Ban VSTBPN chưa được các đơn vị quan tâm đầu tư thỏa đáng. Một số đơn vị địa phương còn biểu hiện khoán trắng cho Ban nữ công công đoàn…
Xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ
Tham luận tại hội nghị, đại biểu đến từ các ngành GD tỉnh, thành, trường đại học- cao đẳng đã nêu bật những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong công tác BĐG, xây dựng mục tiêu VSTBPN; những khó khăn trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm nữ cán bộ; công tác phát huy khả năng sáng tạo của cán bộ nữ trong NCKH đồng thời chia sẻ những giải pháp trong nâng cao chất lượng kế hoạch hành động về BĐG và VSTBPN…
Nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của phụ nữ ngành Giáo dục trong công tác, quản lý và nghiên cứu khoa học, xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu đổi mới, ngành Giáo dục xác định 6 mục tiêu, giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện công tác BĐG và VSTBPN giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới về BĐG với hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, thực hành về BĐG trong CBNGNLĐ, học sinh, sinh viên; Tổ chức các phong trào thi đua nhằm tạo động lực cho phụ nữ phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG; Tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban VSTBPV,phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách, hoạt động hỗ trợ đối với nữ CBNGNLĐ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới…
Để đạt được phương hướng, mục tiêu đề ra, ngành Giáo dục đề xuất, Chính phủ có các cơ chế, chính sách và chế tài nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ; Tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho học sinh các trường dân tộc bán trú, nội trú, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; Ưu tiên giải quyết vấn đề phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ vùng KT-XH khó khăn, chú ý đến điều kiện tiếp cận giáo dục, tăng cơ hội học tập cho trẻ em gái, học sinh nữ…
Chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền BĐG, Luật phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan.
Các bộ, ngành có cơ chế phối hợp trong việc thực hiện chính sách về nữ, như: trao đổi thông tin về dân số, lao động nữ trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng cơ sở, dữ liệu về giới cũng như những nghiên cứu liên quan đến vấn đề giới, làm cơ sở đề xuất chính sách về giới sát thực hơn.
Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền BĐG, Luật phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan…, cần quan tâm bố trí nguồn lực để các đơn vị, trường học trong ngành Giáo dục có đủ điều kiện để triển khai đẩy đủ, chất lượng, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ theo qui định của pháp luật về BĐG.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận và đánh giá cao công tác thực hiện kế hoạch hành động về BĐG ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020 tại các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục thời gian qua. Thời gian tới, trước những khó khăn, thách thức về công tác BĐG, Thứ trưởng đề nghị, toàn ngành cần tập trung phát huy hiệu quả những mục tiêu, giải pháp đề ra. Trong đó, để hoạt động Ban VSTBPN tốt hơn, cần quan tâm đến công tác phối hợp với các tổ chức, ban ngành trên địa bàn; tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo của các cấp ủy đảng…
Giai đoạn 2021-2025, toàn ngành và mỗi đơn vị cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của nữ CBNGNLĐ, quan tâm đến các vùng KT-XH còn nhiều khó khăn, nhất là phụ nữ và trẻ em gái; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục, lành mạnh, an toàn trên cơ sở BĐG; tôn vinh những phụ nữ có nhiều đóng góp trong sự phát triển của ngành.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới về BĐG bằng nhiều hình thức khác nhau; Tăng cường trách nhiệm cơ quan, đơn vị, người đứng đầu về công tác nữ, BĐG; Xây dựng và triển khai chương trình BĐG vào bài giảng trong SGK; Tập trung tăng tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo đến trường; Đảm bảo điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ, thực hiện phổ cập giáo dục; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ nữ CBGV có trình độ, năng lực; Đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; Kiện toàn và tiếp tục đổi mới hoạt động Ban VSTBPN để hoạt động rõ nét và hiệu quả hơn…