Nâng tầm văn hóa trà Việt

GD&TĐ - Đam mê với trà, anh Nguyễn Việt Hùng ở phố Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) đã bỏ công việc Nhà nước để về làm trà. Sau nhiều năm theo đuổi cùng với sự đồng hành của vợ, đến nay quán trà gia đình anh Hùng được nhiều người biết đến, đặc biệt có khá đông khách quốc tế. Tuy nhiên, quan trọng hơn, anh Hùng đã tạo dựng được một cuộc sống tốt với niềm đam mê của mình.

Khách hàng trải nghiệm quá trình làm trà thủ công cùng anh Nguyễn Việt Hùng
Khách hàng trải nghiệm quá trình làm trà thủ công cùng anh Nguyễn Việt Hùng

Tinh túy trà Việt cổ

Những cây trà cổ thụ trên 300 năm tuổi ở Việt Nam mọc hoàn toàn tự nhiên, có lai lịch và câu chuyện văn hóa rất đậm nét. Đây là những gợi mở để anh Hùng tìm cách làm điều gì đó cho trà Việt Nam. Anh đi sâu học hỏi, tư duy tìm ra cách làm các loại trà, làm nổi bật những ưu điểm về hương vị của mỗi vùng nguyên liệu.

Nhâm nhi cốc hồng trà do anh Hùng pha chế, người ta không thấy vị chát ngay mà cảm nhận được một vị ngọt nhẹ, thơm của trà xanh, mật ong, quả chín. Để có được hương vị ngon khác biệt mà vẫn giữ được sự tinh túy của trà Việt, anh Hùng cho biết: Bí quyết bắt đầu từ khâu thu hái. Hái chè phụ thuộc vào mùa và thời tiết. Chỉ nên hái vào mùa xuân, khi cây chè bắt đầu nảy ra những đọt chồi. Người làm trà chỉ hái một số lượng nhất định chứ không lấy tất đọt chồi vì cây chè cần duy trì sự sống và tiếp tục phát triển. Không ai hái chè vào ngày mưa vì khi đó lá chè tích nhiều nước dễ bị ôi, không bảo đảm chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Trà rất thông dụng ở Việt Nam, tuy nhiên sản phẩm lại khá đơn điệu. Người Việt chủ yếu uống trà xanh, khẩu vị đậm nên khó tiếp cận được những người mới uống trà và không gần với khẩu vị chung của thế giới. Vì vậy, phải làm sao để có thể làm nổi bật nguyên liệu trà xanh của Việt Nam, không chỉ có hương vị đậm chát sau đó chuyển ngọt. Hương vị như vậy khó có thể thưởng thức được nhiều hơn và sự thẩm thấu trong văn hóa trà cũng trở nên ít sâu lắng.

 
Anh Hùng chia sẻ.

Để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, bảo đảm chất lượng, anh Hùng đã liên kết với bà con nông dân vừa thu hái nguyên liệu, vừa bảo tồn những cây trà cổ. Sau đó, nguyên liệu được sơ chế để mang về Hà Nội. Mỗi lần đi thu hái như vậy có thể mất từ một tuần cho tới cả tháng trời.

Theo anh Hùng, cách làm thủ công sẽ tạo ra những loại trà thượng phẩm ngon và độc đáo. Đọt lá theo tiêu chuẩn được hong héo để làm giảm thành phần nước sau đó được vò bằng tay và ủ trong nhiệt độ thích hợp để lên men, thúc đẩy quá trình oxy hóa cho đến khi cảm thấy đạt đúng hương vị mong muốn sẽ mang đi sấy khô ở nhiệt độ cao.

Với cách làm thủ công và nguyên liệu có hạn, sản phẩm trà của anh Hùng có số lượng không nhiều, nên giá thành rất cao, các loại trà có giá từ 100.000 – 500.000 đồng/100g. Đặc biệt đối với Bạch trà Suối Giàng có giá tới 900.000 đồng/100g. Mỗi năm chỉ làm được khoảng 500 kg, đây là số lượng khá khiêm tốn đối với cửa hàng chuyên doanh trà.

Anh Nguyễn Việt Hùng tự hào giới thiệu sản phẩm trà của mình
  • Anh Nguyễn Việt Hùng tự hào giới thiệu sản phẩm trà của mình

Tiềm năng chưa được “đánh thức”

Là người đã đạt giải Nhất tại cuộc thi Tea Masters Cup 2016, anh Hùng chia sẻ: Ngày đó, mục đích đi thi không phải để đoạt giải mà muốn có được sự đánh giá sát thực nhất về trà Việt Nam của những chuyên gia nước ngoài, cũng như có góc nhìn khách quan về sản phẩm trà do mình làm. Ở Việt Nam, nguyên liệu trà quý có rất nhiều, thế nhưng để làm cho nó trở nên thực sự quý hiếm thì còn rất ít. Chúng ta, còn chưa thực sự quan tâm đến việc nâng tầm cho trà để trở thành thượng phẩm.

Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu trà, nhưng quốc tế lại rất ít biết đến. Trà Việt Nam thường chỉ được xuất khẩu với giá rẻ. Một số nước nhập trà Việt Nam về để đấu trộn, làm những loại trà giá rẻ từ 2 - 4 USD/kg, loại nào đắt nhất cũng chỉ hơn 10 USD - 14 USD/kg. Trong khi đó, chúng ta có những cây trà cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm sống ở những vùng cao nguyên cao hơn mực nước biển tới cả nghìn mét. Đây có thể được xem là những giá trị tiềm năng lớn còn chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Xã hội cũng đang cần thêm những “nghệ nhân” có tâm huyết và khả năng nâng tầm những sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.